Đổi thay ở bản Ra Lu 

(QTO) - Thôn Ra Lu thuộc xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông của tỉnh Quảng Trị nằm dọc theo quốc lộ 9 là chủ yếu, với đa phần là đồng bào dân tộc Vân Kiều, chủ nhân bao đời nay của mảnh đất này. Những năm gần đây, nhờ đổi mới trong cách làm, cách nghĩ, cuộc sống của người dân nơi đây ngày một ấm no.

Chăn nuôi bò tại thôn Ra Lu. Ảnh: P.X.D

 

Thôn Ra Lu nằm ngay trung tâm xã Hướng Hiệp, là thôn lớn nhất của xã với khoảng hơn 280 hộ dân và gần cả ngàn nhân khẩu. Trước đây đời sống của bà con, nhất là đồng bào dân tộc Vân Kiều gặp rất nhiều khó khăn vì phương thức canh tác lạc hậu, nhận thức hạn chế, Nhà nước chưa có điều kiện để đầu tư nhiều cho miền núi nên kinh tế xã hội nhìn chung chậm phát triển, tốc độ tăng trưởng không đáng kể. Những năm trở lại đây, thôn Ra Lu đã nỗ lực vượt qua khó khăn, tận dụng thế mạnh về giao thông, thế mạnh trồng rừng, trồng cây lương thực và chăn nuôi đại gia súc để cải thiện đời sống, làm thay đổi diện mạo của bản làng. Bà con, nhất là người Vân Kiều đã biết sản xuất những cây, con thương phẩm mà thị trường đang cần, để có thể tăng thu nhập, thay vì một nền kinh tế tự phát như ngày trước.

 

Chị Hồ Thị Tám, thôn Ra Lu cho biết. Bà con đã biết tiếp thu kiến thức khoa học kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi nên hiệu quả sản xuất ngày một nâng cao. Nhờ nhận thức thay đổi nên ngay cả những khi nông nhàn thì nhiều người vẫn tự kiếm việc cho mình làm. Anh Hồ Văn Nguồn vừa chẻ tre đan lát đồ dùng gia đình và xà rê đơm cá, vừa thủng thẳng nói chuyện, rằng phải lo làm ăn, mà phải biết cách làm ăn, nếu không khó lòng thoát khỏi đói nghèo.

 

  Tên gọi Ra Lu theo nghĩa tiếng Vân Kiều là nghỉ ngơi nơi bóng mát vì ngày xưa đây nhiều cây to, bà con đi làm qua về thường hay ngồi giải lao sau một ngày lao động vất vả. Tìm hiểu kỹ thì thấy thôn Ra Lu cũng có xuất phát từ bản Ruộng, ngày nay còn gọi là thôn Ruộng. Câu chuyện gốc rễ núi rừng muốn tỏ tường phải hỏi những bậc già làng trưởng bản là cây cao bóng cả chốn đại ngàn miền tây Quảng Trị. Già làng Hồ Xuân Tình kể rằng ngày trước thôn Ra Lu và thôn Ruộng là một, về sau dân cư đông phải chia ra để quản lý cho tốt, tuy hai thôn nhưng là một làng. Bà con dù là dân tộc Kinh hay dân tộc Vân Kiều đều cùng nhau đoàn kết một lòng xây dựng quê hương.

Thôn Ra Lu bên cạnh việc sản xuất nông nghiệp dựa vào thế mạnh phổ biến là trồng rừng và trồng sắn còn tận dụng địa hình cụ thể của đất từng nơi mà cải tạo vườn tạp, trồng rau màu, trồng lúa nước và đào ao thả cá. Cùng với sản xuất nông nghiệp, bà con ở gần đường đã biết tận dụng lợi thế mặt tiền để buôn bán, làm ngành nghề, dịch vụ, thoát khỏi tình trạng thuần nông như trước, đồng thời đa dạng hóa kế sách mưu sinh, vươn lên làm giàu. Nhờ vậy bộ mặt của Ra Lu ngày càng khang trang, đổi thay sắc diện trên con đường đi tới tương lai.

 

Anh Hồ Văn Miên, mới ngoài tuổi ba lăm mà đã đảm trách nhiệm vụ trưởng thôn Ra Lu mấy nhiệm kỳ. Anh phấn khởi cho biết: “Thôn có những thay đổi đáng mừng về đường giao thông, xây dựng nhà kiên cố, trồng rừng, trồng lúa nước và chăn nuôi trâu bò. Đặc biệt hộ nghèo năm 2019 giảm chỉ còn 31 hộ, một bước tiến khá dài của thôn khi xây dựng nông thôn mới”.

 

Những thay đổi trên cho thấy một khi bà con quyết chí đồng lòng, được Nhà nước quan tâm đúng mức thì cuộc sống sẽ tiếp tục có những trang mới. Hành trình xây dựng nông thôn mới ở một địa bàn được chọn làm điểm như xã Hướng Hiệp cũng sẽ gặt hái được nhiều kết quả hơn.

 

Phạm Xuân Dũng

 

 

453 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 689
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 689
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77988452