Diện tích lúa bị bệnh đạo ôn tăng đột biến 

(QT) - Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh (TT&BVTV), chỉ trong trong vòng 5 ngày (từ 15/2 – 20/2/2019) diện tích lúa bị bệnh đạo ôn trong toàn tỉnh đã tăng cao đột biến, từ 94 ha lên hơn 702 ha (tăng 608 ha).

Phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn hại lúa​

 

Trong đó gây hại nặng ở các phường Đông Lương, Đông Giang (TP. Đông Hà), xã Cam An, Cam Thanh (huyện Cam Lộ), thị trấn Gio Linh và các xã Gio Quang, Gio Châu (huyện Gio Linh)… Bệnh phát sinh chủ yếu trên các trà lúa gieo sớm, các chân ruộng gieo dày, bón phân không cân đối, bón thừa đạm; đặc biệt bệnh gây hại nặng trên các giống nhiễm như IR38, HC95…; tỉ lệ bệnh phổ biến từ 10 – 15%, nơi cao lên đến 30 – 45%. Nguyên nhân là do thời gian qua thời tiết âm u, đêm và sáng sớm có sương mù, có nhiều ngày mưa phùn đã tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh gây hại.

 

Phó Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV Trần Minh Tuấn nhận định, hiện cây lúa đang ở giai đoạn đẻ nhánh, đây là giai đoạn rất mẫn cảm với các đối tượng sâu bệnh. Bên cạnh đó, dự báo điều kiện thời tiết trong thời gian tới tiếp tục diễn biến thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát triển, lây lan và gây hại trên diện rộng nếu không phòng trừ kịp thời hoặc phun trừ không đúng kỹ thuật. Để kịp thời phòng trừ và ngăn chặn sự lây lan của bệnh đạo ôn hại lúa nông dân cần tăng cường thăm đồng kiểm tra bệnh đạo ôn trên tất cả các giống để chủ động phòng trừ kịp thời khi bệnh mới phát sinh. Đối với các chân ruộng bị bệnh phải ngừng bón tất cả các loại phân, kể cả phân bón qua lá, phun thuốc phòng trừ sớm khi bệnh mới phát sinh (tỉ lệ bệnh khoảng 5%) bằng các loại thuốc có hoạt chất Tricyclazole, Isoprothiolane, Fenoxanil + Isoprothiolane,... như Beam, Fillia, Vista, Fujione, Ninja… theo liều lượng khuyến cáo; chú ý phải phun ướt đẫm toàn bộ lá lúa thì mới có hiệu quả, các vùng bị nặng phải phun tiếp lần hai sau 5 - 7 ngày.

 

 Ông Tuấn cũng lưu ý, đối với những ruộng đã nhiễm bệnh đạo ôn sau khi phun thuốc, kiểm tra thấy bệnh ngừng phát triển mới được bón phân. Ngoài ra, cần thường xuyên thăm đồng kiểm tra các đối tượng sâu bệnh khác như: rầy nâu và rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen, nhóm bệnh do vi khuẩn, sâu cuốn lá nhỏ,... để có biện pháp quản lý kịp thời.

 

Thục Quyên

318 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1169
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1169
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87088687