|
Cơ quan chức năng thực hiện công tác bảo vệ môi trường, xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh Quảng Trị
|
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 712/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thí điểm hoàn thiện và nhân rộng mô hình bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới tại các xã khó khăn, biên giới, hải đảo theo hướng xã hội hóa, giai đoạn 2017 - 2020, nhằm đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới. UBND tỉnh có đề xuất 3 mô hình với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 11,7 tỉ đồng, cụ thể:
Mô hình thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho cụm xã Húc Nghì - Tà Rụt - A Ngo bằng phương pháp đốt tập trung. Đây là 3 xã đặc biệt khó khăn thuộc huyện nghèo Đakrông theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, trong đó A Ngo là xã biên giới; hiện nay các xã đã có quy hoạch thu gom chất thải rắn nhưng chưa được thu gom tập trung, mô hình triển khai sẽ tạo điều kiện cho 1.000 hộ dân khu vực này được hưởng lợi. Nội dung của mô hình: Xây dựng mô hình thu gom rác, hỗ trợ xe vận chuyển, xây dựng lò đốt chất thải rắn sinh hoạt và cơ sở hạ tầng kèm theo.
Mô hình cấp nước tập trung dạng tự chảy cho các xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn vùng miền núi (hai huyện Đakrông và Hướng Hóa). Hiện nay các xã này cơ sở hạ tầng còn hạn chế, đặc biệt là công trình cấp nước tập trung, tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào mùa nắng hạn thường xuyên xảy ra và kéo dài.
Hiện nguồn nước mặt (khe, suối) có sẵn, chất lượng nước thô tương đối tốt, công nghệ xử lý nước đơn giản, thuận tiện cho công tác vận hành; địa hình miền núi chênh lệch cao, phù hợp để áp dụng mô hình, công tác giải phóng mặt bằng dễ dàng. Nội dung của mô hình: Đầu tư công trình thu nước, bệ lọc, hệ điều hòa, tuyến ống dẫn nước, bể phân phối, hệ thống đường ống vào hộ gia đình, mô hình triển khai sẽ tạo điều kiện cho 100 - 150 hộ được hưởng lợi.
Mô hình thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng trên địa bàn xã Thuận, A Dơi (huyện Hướng Hóa). Đây là những xã đặc biệt khó khăn, biên giới có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, tuy nhiên nhận thức của người dân về việc xử lý thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng còn hạn chế, ảnh hưởng lớn đến nguồn nước, nguồn đất, gây nguy hại cho sức khỏe của cộng đồng.
Nội dung chính của mô hình: Tập huấn quản lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả; tuyên truyền về cách quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực, xây dựng bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng; thành lập tổ nhóm thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng.
Các mô hình bảo vệ môi trường được tỉnh Quảng Trị đề xuất đều là các mô hình mang tính chất cộng đồng nên tạo được sự đồng thuận cao, việc bố trí quỹ đất dễ dàng, hạn chế công tác đền bù giải phóng mặt bằng, một số địa phương đã có quy hoạch quỹ đất cho các hạng mục công trình này.
Đây là các mô hình thực hiện trên cơ sở thực tế đã triển khai và phát huy hiệu quả, tiết kiệm chi phí đầu tư và vận hành đơn giản, thân thiện với môi trường. Việc thực hiện xây dựng các mô hình sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân về công tác bảo vệ môi trường.
Mô hình được bàn giao cho người dân địa phương quản lý thông qua ban quản lý/tổ quản lý công trình, đồng thời người dân trực tiếp đóng góp xây dựng công trình sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm vận hành, duy tu, bảo dưỡng công trình sau đầu tư.
Bên cạnh đó, hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có nhiều tổ chức chính phủ, phi chính phủ trong và ngoài nước đang triển khai, đặc biệt là đối với các hợp phần bảo vệ môi trường, đây là cơ hội lớn để kêu gọi sự tài trợ của các tổ chức để hỗ trợ triển khai mô hình.
Tiến Nhất