|
Thiết bị máy cưa xẻ đá trong xưởng của ông Trần Công Chức. Ảnh: LA
|
Đi qua các xã vùng gò đồi các huyện Cam Lộ, Vĩnh Linh, Gio Linh không khó để chúng ta bắt gặp rải rác trên mặt đất, trong vườn nhà, dọc theo các triền đồi những tảng đá “mồ côi” to nhỏ, nặng từ vài tạ đến hàng tấn. Hàng chục năm nay, từ những tảng đá này, bằng bàn tay tài hoa của mình, những người thợ chẻ đá tại các xã vùng Tây huyện Gio Linh đã sử dụng khoan, đục, búa tách tảng đá lớn thành những tảng nhỏ hơn, sau đó đục đẽo thành những viên đá vuông vắn được dùng trong xây dựng. Tuy nhiên, do làm hoàn toàn bằng tay, sử dụng hầu hết là sức người nên đây là một công việc hết sức nặng nhọc. Mỗi người thợ chẻ đá dù có khéo léo và lành nghề đến đâu thì mỗi ngày cũng chỉ làm được từ 30 - 50 viên đá thành phẩm. Nhận thấy tiềm năng dồi dào của nguồn nguyên liệu đá cũng như những bất cập trong việc chẻ đá bằng tay, nhằm tăng năng suất, đa dạng mẫu mã, ông Chức đã nảy ra ý tưởng đưa máy móc vào việc cưa xẻ đá.
Trao đổi với chúng tôi khi đang hướng dẫn các nhân công trong xưởng tập trung hoàn thành một số sản phẩm đá mỹ nghệ mới được ký kết, ông Chức cho biết, nghề chẻ đá mặc dù đã có tuổi đời hàng chục năm nay, tuy nhiên nói không ngoa thì những người thợ làm nghề chẻ đá đang phải mưu sinh bằng mồ hôi, thậm chí là máu. Bởi đây là một công việc hết sức nặng nhọc, nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong khi trang bị hành nghề của họ chỉ có một tấm khẩu trang mỏng để che mặt và chống bụi, đôi găng tay vải cũ sờn cùng các dụng cụ đơn giản là búa, ve, đục. Cơ sở nào hiện đại lắm thì có thêm máy khoan điện cầm tay. Do vậy, việc các thợ chẻ đá gặp tai nạn lao động do bụi đá, mảnh sắt từ ve đục, mảnh đá vụn văng vào người thường xuyên xảy ra. Sản phẩm làm ra cũng hết sức đơn điệu, chủ yếu là đá chẻ và đá hộc dùng trong xây dựng nên chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân và chưa tạo ra giá trị thực sự của nguồn nguyên liệu quý giá này. Với kinh nghiệm nhiều năm làm trong ngành xây dựng và qua khảo sát thực tế ở địa bàn các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Đakrông… ông Chức nhận thấy nguồn trữ lượng đá “mồ côi” còn rất lớn trong các khu vực đất sản xuất của người dân.
Để không bỏ phí nguồn tài nguyên dồi dào này cũng như giảm bớt những bất cập trong việc chẻ đá bằng tay, cuối năm 2018, ông đã tự mày mò tìm hiểu, lặn lội ra tận các tỉnh phía Bắc như Thanh Hóa, Ninh Bình, vào tận Bình Định, Khánh Hòa… nơi có nghề cưa xẻ đá phát triển để tham khảo các mô hình sản xuất từ đá “mồ côi”, đá núi tạo ra các sản phẩm như đá xây dựng, đá hoa cương, đá mỹ nghệ. Sau khi nắm vững kỹ thuật, ông đã quyết định đầu tư gần 2 tỉ đồng xây dựng nhà xưởng sản xuất với công suất 1.500 m3/năm, có đầy đủ hệ thống điện 3 pha, máy cẩu giàn chữ A có sức nâng 15 tấn; lắp đặt hệ thống máy xẻ đá tự động cỡ lớn sử dụng lưỡi cưa kim cương có đường kính từ 1.100 - 1.450 mm; ngoài ra còn có máy bơm hơi, máy thái rông cạnh, máy chạm tay…
Theo ông Chức, nếu như trước đây để chẻ những tảng đá thành từng khối nhỏ, người thợ chẻ đá phải lựa thế đá rồi dùng khoan tạo lỗ, dùng bộ nẹp để tách đá, sau đó tiếp tục đục đẽo một cách cẩn trọng để tránh trường hợp đá bị bể vụn hoặc không đều nhau. Giờ đây với các máy cắt xẻ này, kích cỡ của thành phẩm luôn được đảm bảo, tốc độ cũng nhanh hơn so với chẻ bằng tay gấp hàng chục lần. Sản phẩm làm ra hết sức đa dạng, bao gồm đá dùng trong xây dựng các công trình dân dụng, lăng mộ, đền chùa, làm hàng rào, lát vỉa hè, đá trang trí và đá mỹ nghệ. Chất lượng sản phẩm đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường. Để đảm bảo nguyên liệu cho sản xuất, ông tổ chức hệ thống thu mua đá “mồ côi” từ các địa phương trong tỉnh với giá 300 ngàn đồng/ m3. Tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương với mức tiền công 4 - 6 triệu đồng/người/tháng. “Làm bằng máy nên năng suất cao hơn hẳn so với làm thủ công, độ chính xác cao hơn, sản phẩm đa dạng hơn, giá thành lại thấp hơn so với nhập từ các địa phương khác về. Ngoài ra, việc cưa xẻ đá này còn góp phần cải tạo mặt bằng đất, tạo thuận lợi cho việc canh tác các loại cây trồng sau khi khai thác đá”, ông Chức khẳng định.
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Lê Tiến Dũng, hiện nay các công trình xây dựng ngày càng chuộng đá chẻ nên nghề chẻ đá vì thế cũng trở nên sôi động. Nghề này tuy mang lại thu nhập ổn định nhưng cũng tiềm ẩn nhiều hiểm nguy rình rập. Nhưng vì để có thu nhập, nhiều thợ chẻ đá bất chấp để hành nghề. Họ hầu như không có trang thiết bị bảo hộ lao động. Đa số chỉ khoác manh áo vải, đội nón cho đỡ nắng, đôi găng tay và chiếc khẩu trang cho bớt bụi. Bên cạnh đó, theo khảo sát thì trữ lượng đá “mồ côi” còn rất lớn trong các khu vực đất sản xuất của người dân. Do đó, việc ứng dụng máy móc để thay thể sức người không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng công suất chế biến, mà còn góp phần giảm thiểu tai nạn lao động, tai nạn nghề nghiệp từ nghề chẻ đá.
Ông Dũng nhấn mạnh, với việc ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất đá xây dựng, đá mỹ nghệ thay cho việc chẻ đá bằng tay không những nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm mà còn giải quyết việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương và khai thác tiềm năng, nguồn nguyên liệu sẵn có trên địa bàn; đảm bảo an toàn lao động và vệ sinh môi trường, góp phần quan trọng vào sự phát triển công nghiệp nông thôn của tỉnh. “Trên cơ sở mô hình cưa xẻ đá bằng máy này, trong thời gian tới Sở Công thương sẽ tiếp tục hỗ trợ các mô hình liên quan nhằm tạo thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ; tạo ra các sản phẩm có công nghệ, có hàm lượng chế biến cao hơn nhằm nâng cao chất lượng, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đồng thời tiến tới thành lập các hiệp hội sản xuất, tạo thế mạnh để vươn ra không chỉ thị trường trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu”, ông Dũng nhấn mạnh.
Lê An