Đầu tư trồng cây mướp đắng năng suất cao, an toàn cho người sử dụng 

(QTO) - Vụ cuối cùng dự án “Cải thiện nông nghiệp có tưới” triển khai trên địa bàn tỉnh đã lựa chọn đưa vào mô hình áp dụng kỹ thuật mới trên cây mướp đắng nhằm cải thiện quy trình thâm canh đối với loại cây này để đạt năng suất cao và sản phẩm an toàn đối với người sử dụng.

Mô hình sản xuất mướp đắng ở HTX nông nghiệp Lại An theo phương pháp hữu cơ. Ảnh: VTH

 

Địa bàn được lựa chọn là HTX nông nghiệp Lại An, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh với diện tích 7 ha. Đây là HTX có truyền thống trồng mướp đắng nên các hộ tham gia dự án có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất loại cây này. Các hộ tham gia dự án được hỗ trợ 30% kinh phí mua phân bón hữu cơ vi sinh; men vi sinh để ủ phân chuồng; phân bón lá; bạt phủ; bầu ươm cây giống; các loại phân đơn gồm đạm, lân, kali; thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học.

 

Các hộ tham gia dự án được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch. Đáng quan tâm là dự án đã tổ chức 1 lớp tập huấn kỹ thuật FFS cho các hộ nông dân tại đồng ruộng hướng dẫn kỹ thuật theo cách “cầm tay chỉ việc” về cách làm đất, lên luống, bón phân, chăm sóc, thu hoạch, phân loại quả, tiêu thụ, chọn quả làm giống cho vụ sau…

 

Gia đình ông Phan Văn Trung, thôn Lại An, xã Gio Mỹ, Gio Linh đã có kinh nghiệm trong nghề trồng mướp đắng nhưng khi tham gia dự án mới biết cách sản xuất mướp theo bài bản kỹ thuật chuẩn. Với 3 sào mướp, ông Trung áp dụng các phương pháp kỹ thuật mới vào sản xuất nên mướp phát triển nhanh, ít sâu bệnh. Trong trường hợp có các loại côn trùng gây hại thì ông Trung cũng như nông dân trong HTX nông nghiệp Lại An đều dùng các loại hỗn hợp xua đuổi côn trùng tự làm từ vật liệu trong tự nhiên như ớt, tỏi, rượu… Tham gia dự án, gia đình ông Trung thu hoạch mướp với năng suất 1 tấn quả/sào, cao hơn trước đây ông Trung trồng 1,5 tạ/ sào, trừ các khoản chi phí, ông thu được hơn 30 triệu đồng. Ông Phan Văn Trung cho biết: “Gia đình tôi trồng mướp đắng lâu năm, đã có kinh nghiệm, giờ được dự án hỗ trợ đầu tư thêm nên dễ tiếp thu, dễ làm. Tôi đầu tư nhà lưới khá tốt nên trồng mướp cho năng suất cao, chất lượng tốt, an toàn thực phẩm”.

 

Toàn HTX nông nghiệp Lại An có 40 hộ tham gia trồng mướp theo mô hình của dự án. Tất cả các hộ đều tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật mà dự án hướng dẫn nên đều đạt kết quả tốt. Giám đốc HTX nông nghiệp Lại An Nguyễn Văn Đắc cho biết: “Được sự hỗ trợ của dự án, các hộ dân trồng mướp đắng không chỉ được nâng cao hơn về trình độ kỹ thuật trồng mướp mà còn có ý thức hơn về sản xuất nông nghiệp sạch để sau này mỗi hộ tự tổ chức sản xuất mướp đắng tốt hơn, đạt chuẩn sạch. Vụ tới, các hộ có đất vườn trong HTX sẽ chuyển đổi sang trồng mướp đắng”.

 

Phần lớn các hộ tham gia dự án đều có nhà lưới để trồng mướp đắng. bình quân mỗi héc ta mướp đắng người dân đầu tư khoảng 50 triệu đồng cơ sở vật chất phục vụ sản xuất được 3 năm. Người dân trồng mướp trong nhà lưới, hạn chế tối đa các loại sâu bệnh. Cùng với phương pháp canh tác hữu cơ được dự án chuyển giao cho vườn mướp xanh tốt lâu, thời gian ra hoa và quả nhiều. Do đó, năng suất đạt 20 tấn/ha, cao hơn khoảng 15% so với trước đây. Đến vụ thu hoạch, các tư thương đến mua tại vườn với giá đầu vụ 20- 25 ngàn đồng/kg, cuối vụ từ 11- 12 ngàn đồng/kg, bình quân cả vụ 14- 15 ngàn đồng/ kg. Mỗi héc ta mướp đắng cho thu hoạch khoảng 280- 300 triệu đồng, lãi hơn 190 triệu đồng/ha. Trong khi đó, sản xuất mướp đại trà chỉ cho thu hoạch 160 triệu đồng/ha, lãi 60 triệu đồng/ha. Trạm phó Trạm khuyến nông huyện Gio Linh Trần Xuân Lộc cho biết: “Sản xuất mướp đắng theo phương pháp hữu cơ của dự án chuyển giao đòi hỏi quy trình trồng và chăm sóc kỹ càng hơn và đầu tư chi phí cũng cao hơn nhưng chất lượng vườn cây và sản phẩm trội hơn hẵn, hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng đại trà. Người dân ở đây đã có truyền thống trồng mướp đắng nên sự có mặt của dự án đưa lại kết quả tốt. Dự án triển khai rất thành công nên khả năng nhân rộng khá cao”.

 

Sản phẩm mướp đắng của HTX nông nghiệp Lại An đã được đăng ký nhãn hiệu nên người tiêu dùng không chỉ trong tỉnh mà nhiều tỉnh, thành phố khác biết đến và tiêu thụ. Do đó, mướp đắng đạt chất lượng an toàn của HTX Lại An trong những năm gần đây tiêu thụ tốt. Với sự đầu tư của hợp phần 3 của dự án đối với cây mướp đắng Lại An với phương pháp canh tác hữu cơ sẽ thúc đẩy hơn quá trình sản xuất sản phẩm này đạt chuẩn VietGAP. Đến lúc đó, thị trường tiêu thụ mướp đắng của HTX Lại An sẽ được mở rộng hơn nhiều, là điều kiện tốt để xã viên trong HTX mở rộng diện tích trồng mướp theo chuẩn VietGAP. Chính quyền huyện Gio Linh cũng đang tập trung chỉ đạo sản xuất một số mặt hàng nông sản sạch trên địa bàn, trong đó có mướp đắng theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao giá trị sản xuất, hình thành các làng nghề sản xuất của chương trình OCOP. Hơn nữa, ý thức của người dân trong sản xuất nông nghiệp cũng dần được nâng lên sẽ chuyển đổi dần sang canh tác hữu cơ tạo nông sản sạch để phát triển bền vững.

 

Với mục đích chuyển giao phương pháp canh tác hữu cơ để tạo ra sản phẩm an toàn cho người sử dụng, hợp phần 3 của dự án “Cải thiện nông nghiệp có tưới” đối với mô hình cây mướp đắng tại HTX Lại An thành công tốt đẹp. Đây là cơ sở để người dân tiếp tục hoàn thiện quy trình sản xuất sạch trên cây mướp đắng, tạo ra sản phẩm đạt chuẩn VietGAP mang nhãn hiệu mướp đắng Lại An được người tiêu dùng cả nước tin dùng, từ đó đưa lại thu nhập tốt cho người trồng mướp đắng Lại An và những vùng lân cận.

 

Võ Thái Hòa

863 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 748
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 748
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78244302