|
Người dân ở Hướng Hóa vận chuyển sắn đến bán cho nhà máy. Ảnh: TL
|
Khó khăn chồng chất
Ông Hồ Xuân Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty Thương mại Quảng Trị cho biết, năm nay các mặt hàng chính của đơn vị sản xuất gồm tinh bột sắn, mủ cao su, chế biến gỗ, viên nén năng lượng… các loại hình kinh doanh du lịch, dịch vụ tại khu Boutique Resort ở Cửa Việt đều bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Hiện công ty chỉ bán được những mặt hàng nông sản, chủ yếu là quà tặng, đồ lưu niệm tại các cửa hàng 8S. Các sản phẩm như tinh bột sắn, mủ cao su, viên nén năng lượng xuất qua thị trường truyền thống Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đều bị đình trệ do ảnh hưởng Covid-19, phía bạn không thông quan. Từ việc không xuất khẩu được nên sản phẩm làm ra bị tồn đọng nhiều.
Sản phẩm mang lại doanh thu lớn nhất cho công ty là tinh bột sắn do Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa sản xuất nay đang tồn đọng gần 20 nghìn tấn, trị giá 200 tỉ đồng, đang tạm chứa trong ba kho ở nhà máy, TP. Đông Hà và kho chứa ở Cửa khẩu Lạng Sơn với tiền thuê kho mỗi tháng lên đến hàng trăm triệu đồng. Phó Giám đốc Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa Nguyễn Bá Tài cho biết, trong khi đó lượng sắn của đồng bào dân tộc thiểu số tại hai huyện Hướng Hóa và Đakrông vụ này hiện còn khoảng 60 nghìn tấn củ tươi chưa thu hoạch (tương đương 15 nghìn tấn tinh bột) nên công ty cho phép đơn vị tiếp tục thu mua với quan điểm nhất quán dù khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm nhưng không thể bỏ rơi người trồng nguyên liệu. Nhà máy và người sản xuất đồng cam cộng khổ với nhau để thu mua hết lượng sắn còn lại trên nương rẫy.
Ông Hồ Xa Cách, Chủ tịch UBND xã A Dơi, huyện Hướng Hóa chia sẻ: “Trong khi tinh bột sắn sản xuất ra không bán được mà vẫn thu mua hết sắn củ nên người trồng sắn ở địa phương biết ơn lãnh đạo Công ty Thương mại và Nhà máy tinh bột sắn nhiều lắm. Riêng xã A Dơi vụ sản xuất sắn năm qua trồng được hơn 450 ha, thời điểm hiện tại đã thu hoạch được hơn một nửa, số diện tích sắn còn lại người dân tiếp tục thu hoạch bán cho Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa với giá cam kết từ trước là từ 1.800 đồng- 2.000 đồng/kg sắn củ”.
Để tiếp tục thu mua sắn giúp người dân, Công ty Thương mại Quảng Trị phải thuê kho bãi để có chỗ chứa thêm 15 nghìn tấn tinh bột sắn được nhà máy tiếp tục chế biến. Ông Hồ Xuân Hiếu tính toán rằng khối lượng tinh bột sắn đang tồn kho 20 nghìn tấn và nhà máy đang tiếp tục chế biến dự kiến khoảng 15 nghìn tấn nữa, tất cả có trị giá tương đương 350 tỉ đồng để biết công ty đang đối mặt với khó khăn như thế nào khi hàng tồn kho quá lớn. Trong lúc sản phẩm xuất khẩu chưa được vì thị trường thế giới đang bị ảnh hưởng của Covid-19 thì tiền lãi vay ngân hàng để phục vụ sản xuất, kinh doanh đơn vị vẫn phải trả hằng tháng; tiền lương, bảo hiểm của 600 CBCNV, LĐ đều được nhận đầy đủ, quả là sự cố gắng rất lớn của ban lãnh đạo công ty.
Tìm giải pháp sản xuất - kinh doanh thích ứng, hiệu quả
Cũng theo ông Hồ Xuân Hiếu, không chỉ tinh bột sắn, các sản phẩm mủ cao su hiện công ty còn tồn đọng 1.000 tấn, trị giá 30 tỉ đồng; viên nén năng lượng còn tồn 5.000 tấn, trị giá 15 tỉ đồng. Đối mặt với khó khăn nhưng công ty vẫn tiếp tục thu mua các loại nguyên liệu đầu vào cho người dân, không thể dừng hoạt động của các nhà máy sản xuất tinh bột sắn, mủ cao su, viên nén, vì dừng thì người lao động mất việc làm, người dân làm ra nguyên liệu không biết bán cho ai. Đã không ít lần ban lãnh đạo công ty tính đến phương án cho nghỉ việc tạm thời một số lao động để giảm chi phí trả lương nhưng rồi cuối cùng tính toán đủ đường, vẫn quyết tâm giữ lại toàn bộ.
Khi chúng tôi hỏi, trong tình hình khó khăn này nếu thời gian đến thị trường chưa có gì thay đổi thì phương hướng hoạt động của công ty sẽ như thế nào, ông Hiếu chia sẻ: Công ty quyết tâm giữ thu nhập ổn định cho CBCNV, LĐ hết tháng 4/2020. Nếu sau đó tình hình thị trường chưa thay đổi thì công ty sẽ tính toán lại để có bước đi phù hợp. Trong kinh doanh thì doanh nghiệp nào cũng có nhiều phương án và đối phó với các tình huống xấu xảy ra của thị trường, nhưng khi xảy ra Covid-19 thì đúng là rất khó để có kinh nghiệm đối phó, nên quan trọng nhất bây giờ ban lãnh đạo công ty cần bình tĩnh, có những phân tích cụ thể để tìm hướng đi phù hợp nhất.
Ông Hiếu phân tích cho biết, trong bối cảnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp; xuất khẩu hàng nông sản tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là các mặt hàng rau quả tươi, tinh bột sắn, mủ cao su xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc giảm mạnh. Chỉ có một số mặt hàng trái cây vẫn duy trì được tăng trưởng lúc này như chanh leo, mít, chuối, nhất là quả dừa tươi tăng đến 95%. Vì vậy, ngoài việc công ty nghiên cứu tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, cần đẩy mạnh tiếp cận thị trường nội địa, nâng chất lượng sản phẩm, nhất là chú trọng vào chuỗi chế biến đã mang lại sự vững chắc cho đơn vị.
Công ty cũng đang tính đến phương án thu mua các sản phẩm đang được thị trường tiêu thụ mạnh như các mặt hàng trái cây, nông sản chế biến gồm: dứa, cà tím, khoai lang, cà rốt, gừng…Trong bối cảnh này, các sản phẩm chế biến dự kiến sẽ tiếp tục được tiêu thụ mạnh trong thời gian tới do tiện lợi trong vận chuyển và tiêu dùng. “Chúng tôi mong muốn gói hỗ trợ tín dụng của Chính phủ vừa công bố có trị giá khoảng 250.000 tỉ đồng sẽ được triển khai sớm để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, góp phần tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh,” ông Hiếu cho biết.
Tú Linh