|
Các kỹ sư của Công ty cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị triển khai mô hình trồng sắn theo công nghệ hiện đại tại xã Thuận
|
Cụ thể trồng sắn theo phương pháp hiện đại tất cả các khâu từ trồng, chăm sóc, thu hoạch sắn đều được sử dụng bằng cơ giới hóa thay vì cách trồng truyền thống như trước. Chiếc máy cày đất ngoài bộ phận làm đất còn được lắp thêm bộ phận lên luống, cắt mắt sắn, tưới nước và bón phân. Sau khi máy cày hai lần đất được tươi xốp thì máy tiến hành lên luống, bón phân NPK, tự động cắt mắt sắn trồng với mật độ cây cách cây 0,6 m, hàng cách hàng 0,8 m. Cứ mỗi mắt sắn khi trồng xuống đất được tưới từ 0,5 đến 1 lít nước, đủ độ ẩm nuôi mắt sắn đến khi nảy mầm, ra rễ, đề phòng thời tiết khô hạn làm hỏng mắt sắn. Sau khi trồng được 1 tuần tiến hành phun thuốc diệt cỏ bằng máy. Đến khi cây sắn lên được 2 tháng lại được làm cỏ bằng máy và bón thúc phân cũng như tưới nước.
Trồng sắn theo công nghệ hiện đại này ít bị thoái hóa đất vì trong vòng 9 tháng từ khi trồng đến khi thu hoạch cây sắn được bón phân đến hai lần và đất được làm tơi xốp trước khi trồng nên luôn giữ được độ ẩm cũng như duy trì dinh dưỡng cần thiết cho đất và cây để cây sắn luôn được phát triển bền vững.
Theo tính toán, với cách trồng này sắn cho năng suất đạt 40 tấn/ha, cao gấp đôi so với cách trồng truyền thống. Hiện tại giá thu mua của Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa là 2 nghìn đồng/kg sắn tươi thì mỗi héc ta sắn cho thu nhập 80 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư 30 triệu đồng, người trồng sắn còn lãi được 50 triệu đồng/ha. Nếu đầu tư đưa vào sử dụng thêm phương pháp tưới nước nhỏ giọt cho cây sắn sẽ có năng suất cao hơn và lãi thu về ước đạt đến 65 triệu đồng/ha.
Trần Tú Linh