Chú trọng các hoạt động văn hóa truyền thống trong dịp tết 

(QT) - Trong mỗi dịp Tết Nguyên đán, các loại hình văn hóa dân gian mang nét đẹp truyền thống luôn được huyện Vĩnh Linh đặc biệt quan tâm tổ chức sôi nổi, rộng khắp. Hoạt động này thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, tạo không khí vui tươi, phấn khởi ngay từ những ngày đầu xuân mới.

Kể chuyện Trạng Vĩnh Hoàng ngày xuân. Ảnh: NT

 

Vĩnh Linh là địa phương có vùng núi, đồng bằng và vùng biển. Do đó ở mỗi vùng, miền đều có những nét văn hóa độc đáo được hình thành từ lâu đời, được lưu giữ và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Có dịp về những vùng quê Vĩnh Linh vào những ngày đầu năm mới, du khách sẽ được hòa mình vào nhiều hoạt động mang nét đẹp văn hóa đặc sắc tại khắp các vùng, miền, địa phương như: Lễ hội bài Chòi ở làng Đơn Duệ, xã Vĩnh Hòa; lễ hội đua thuyền truyền thống ở thị trấn Cửa Tùng; lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Vân Kiều tại các xã miền núi phía Tây; lễ cầu ngư ở xã Vĩnh Thạch; hò chèo cạn ở xã Vĩnh Giang; kể chuyện Trạng Vĩnh Hoàng ở xã Vĩnh Tú… Những lễ hội, trò chơi dân gian, loại hình nghệ thuật truyền thống này đã in sâu vào tiềm thức của rất nhiều thế hệ. Vì vậy đây như những món quà xuân ý nghĩa, tạo nên nét đặc sắc trong sinh hoạt văn hóa ở mỗi địa phương, nhất là vào mỗi dịp tết đến xuân về. Từ các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian, mỗi người lại có dịp tìm về với cội nguồn, với những giá trị văn hóa truyền thống của người Việt, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân. Đồng thời tăng cường tình đoàn kết, gắn kết sức mạnh cộng đồng trong lao động, sản xuất, trong công cuộc xây dựng, đổi mới quê hương.

 

Với một địa phương lưu giữ nhiều lễ hội, nét đẹp văn hóa truyền thống, di sản vật thể, phi vật thể độc đáo như Vĩnh Linh, việc quan tâm phục dựng, duy trì và phát huy giá trị các hoạt động mang nét đẹp văn hóa dân gian thông qua việc tổ chức thường xuyên, nền nếp, bài bản vào mỗi dịp tết cổ truyền hay lễ hội mừng Đảng - mừng Xuân, kỉ niệm các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước không chỉ góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy những vốn quý văn hóa truyền thống đã được vun đắp từ bao đời nay mà còn tạo điểm nhấn trong khai thác và phát triển loại hình du lịch văn hóa, thu hút du khách gần xa đến tìm hiểu lịch sử, con người, văn hoá mảnh đất “lũy thép - lũy hoa” bên bờ Bắc sông Bến Hải.

 

Xác định điều này, thời gian qua huyện Vĩnh Linh có nhiều chính sách ưu tiên khôi phục cũng như hỗ trợ những điều kiện cần thiết để các trò chơi, các hoạt động văn hóa dân gian tiếp tục phát triển. Huyện tập trung huy động các nguồn lực thực hiện hiệu quả các hoạt động bảo tồn, tôn tạo, quảng bá, phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo, nét văn hóa đặc trưng của từng địa phương, vùng, miền, lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian. Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa gắn với đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ trong Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Vĩnh Linh chú trọng xây dựng môi trường văn hóa trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong hệ thống chính trị, từng cộng đồng dân cư, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình theo hướng phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Song song với đó, bằng nhiều cách làm hay, sáng tạo đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu, chất lượng. Nhờ vậy, lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, môi trường văn hóa không ngừng chuyển biến, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội về những giá trị truyền thống tốt đẹp.

 

Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Nguyễn Thị Khởi cho biết: “Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác bảo tồn, kế thừa và phát huy giá trị văn hoá truyền thống để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, thời gian tới, Vĩnh Linh tiếp tục tăng cường, nâng cao hiệu quả quản lí nhà nước về văn hóa. Tập trung huy động mọi nguồn lực, quan tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, xây dựng các thiết chế văn hóa đáp ứng nhu cầu phát triển; có chính sách hỗ trợ, khuyến khích phục dựng các lễ hội, trò chơi dân gian, loại hình nghệ thuật mang nét đẹp văn hoá dân gian, đặc biệt tại các địa phương, đơn vị có bề dày truyền thống, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…Từ đó không ngừng giữ gìn vốn quý văn hóa được sáng tạo, vun đắp từ bao đời, góp phần xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kì đổi mới và hội nhập”.

 

Nguyễn Trang

830 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 698
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 698
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77198462