Chỉ thị như sau: Bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi truyền, bệnh lưu hành ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước. Hiện nay, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp. Tính từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 58.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết và 17 trường hợp tử vong. So với năm 2016 số mắc bệnh tăng và số tử vong tăng 3 trường hợp.
Tại Quảng Trị, từ đầu năm đến nay ghi nhận 95 trường hợp, không có tử vong, dịch bệnh xảy ra hầu hết ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh, biện pháp dự phòng chủ yếu là diệt muỗi, diệt loăng quăng (bọ gậy) và phòng chống muỗi đốt.
Thực hiện Công điện hỏa tốc số 1106/CĐ-TTg ngày 27/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết; nhằm chủ động kiểm soát và ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn toàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:
1. Sở Y tế: Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các đơn vị có liên quan tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch; nắm chắc diễn biến dịch bệnh, phát hiện sớm, điều trị tích cực, kịp thời, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong.
Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, xử lý ổ dịch, chủ động triển khai tốt các biện pháp dự phòng, chỉ đạo Bệnh viện đa khoa các tuyến tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về chẩn đoán, điều trị, giám sát, phòng chống bệnh sốt xuất huyết, bảo đảm đủ phương tiện vật tư, trang thiết bị, hóa chất theo quy định của Bộ Y tế; chuẩn bị sẵn sàng tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị kịp thời, hạn chế lây lan ra diện rộng.
Phối hợp với Sở Tài chính xây dựng kế hoạch kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
2. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài PTTH tỉnh, Báo Quảng Trị: Phối hợp với ngành Y tế tổ chức thường xuyên công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết, giúp người dân chủ động phát hiện khi có dấu hiệu nghi ngờ, kịp thời thông báo cho cơ sở y tế gần nhất. Thông tin về tình hình dịch bệnh cần nhanh chóng, kịp thời, chính xác, tránh gây hoang mang trong cộng đồng.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo: Huy động giáo viên, học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục tích cực tham gia chiến dịch diệt muỗi, bọ gậy tại gia đình và cộng đồng theo hướng dẫn của ngành Y tế. Tăng cường tuyên truyền giữ gìn vệ sinh chung, vệ sinh cá nhân tại các trường học, cơ sở đào tạo.
4. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể: Triển khai đến các phòng ban, đơn vị trực thuộc công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết, yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các đoàn viên, hội viên tích cực hưởng ứng công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết, hợp tác với các cơ quan chức năng, địa phương trong chiến dịch diệt muỗi, bọ gậy tại cơ quan và địa phương nơi cư trú.
5. UBND các huyện, thị xã, thành phố: Tập trung chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân triển khai quyết liệt chiến dịch diệt muỗi, bọ gậy trên địa bàn và vệ sinh môi trường nơi sinh sống hàng tuần, đặc biệt tại các công trường xây dựng, xí nghiệp, khu vực nhà trọ.
Kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên người, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên ban chỉ đạo; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện.
Tăng cường kiểm tra, giám sát các điểm nguy cơ dịch bệnh trên địa bàn, xử lý các tổ chức, cá nhân không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
Phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Y tế, Bệnh viện đa khoa tuyến huyện, Phòng Y tế cấp huyện và mạng lưới y tế cơ sở thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo yêu cầu chuyên môn.
Tuyên truyền để nhân dân hiểu được sự nguy hiểm của dịch bệnh sốt xuất huyết và không tự ý điều trị bệnh tại nhà. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc triển khai công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại địa bàn quản lý.
Giám đốc các Sở, thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai nghiêm túc chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, yêu cầu phản ánh về Sở Y tế để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo.