|
Kiểm tra tình trạng lợn được vận chuyển vào, ra địa bàn tỉnh
|
Từ tháng 10.2019 đến nay, số hộ chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy đã giảm mạnh. Trong khi đó, tại các nước xung quanh Việt Nam, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đang xảy ra trầm trọng và diễn biến phức tạp. Một thực tế khác là giá thịt lợn hơi hiện có sự chênh lệch giữa Việt Nam và các nước xung quanh. Vì vậy, nguy cơ nhập lậu lợn sống và các sản phẩm từ lợn từ các nước đang có bệnh dịch vào nước ta nói chung, tỉnh Quảng Trị nói riêng là rất lớn.
Trước thực trạng đó, nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống, chủ động triển khai các biện pháp kiểm soát, hạn chế thấp nhất thiệt hại kinh tế do bệnh dịch tả lợn Châu Phi gây ra, các cấp, ngành, đơn vị liên quan trên địa bàn cần phải tăng cường công tác kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn qua biên giới.
Ngoài Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban chỉ đạo 389 của tỉnh, công tác này cần sự vào cuộc của chính quyền các địa phương, lực lượng chức năng và người dân trên địa bàn. Theo đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn và lực lượng của địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động mua, bán động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn, sản phẩm từ lợn trên địa bàn và xử lí nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm, làm lây lan bệnh dịch; chỉ đạo UBND các xã, thị trấn vùng biên giới tăng cường vận động nhân dân khu vực biên giới không tham gia, không tiếp tay cho việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn, sản phẩm lợn nhập khẩu trái phép ra, vào địa bàn tỉnh…
Lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Quản lí thị trường… cần tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát, xử lí nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng chức năng, nhiệm vụ.
Q.H