|
Nhiều loại san hô quý hiếm sinh sống ở vùng biển do Ban quản lý Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ quản lý, bảo vệ
|
Được biết, san hô đen và san hô đỏ phân bố chủ yếu ở khu phát triển của Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ. Hai loại san hô này nằm ở khu vực có độ sâu từ 50 – 60 m so với mực nước biển. Vì san hô đen và san hô đỏ có giá trị kinh tế lớn nên trước đây, một số ngư dân đã bất chấp nguy hiểm, lặn xuống biển và khai thác để bán với giá cao. Sau khi Ban quản lý Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ được thành lập, các loại san hô nằm trong phạm vi khu bảo tồn, đặc biệt là san hô đen và san hô đỏ đã được bảo vệ nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, do địa bàn Ban quản lý Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ quản lý khá rộng, trong khi nhân lực ít nên việc bảo vệ, phát triển các loài san hô nói chung, san hô đen và san hô đỏ nói riêng là không đơn giản. Mặc dù san hô đen và san hô đỏ nằm sâu dưới lòng biển song một số thợ lặn ngoại tỉnh vẫn có thể lặn xuống để khai thác. Vì thế, việc bảo vệ loài san hô quý hiếm này là rất cần thiết.
Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Ban quản lý Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ, thời gian tới, cán bộ, nhân viên đơn vị tiếp tục nỗ lực làm tốt nhiệm vụ của mình, trong đó có tập trung bảo vệ, phát triển các loài san hô, đặc biệt là san hô đen và san hô đỏ. Hiện nay, một việc rất cần thiết là tiến hành điều tra đa dạng sinh học ở Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ, đặc biệt là khu vực tập trung nhiều san hô đen và san hô đỏ để điều chỉnh quy hoạch tổng thể.
Tuy nhiên, để làm công việc này cần nguồn kinh phí lớn phục vụ cho việc thuê cán bộ các viện nghiên cứu chuyên ngành. Đây cũng chính là điều khiến cán bộ, nhân viên Ban quản lý Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ trăn trở nhiều năm nay.
Q.H