Ảnh chỉ mang tính minh họa: AT

Mạng ảo nhưng tổn thương là thật

Không phải ngẫu nhiên mà Tháng hành động vì trẻ em năm nay đã chọn chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số”.

Bởi theo thống kê, Việt Nam là một trong các quốc gia có tỷ lệ sử dụng internet tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Có 50.05 triệu người dùng Internet chiếm 53% dân số tính tới tháng 1.2017. Việt Nam có đến 63 triệu người dùng mạng xã hội, trong đó số tài khoản FB là 48 triệu. Hơn một phần ba trong số người sử dụng internet ở Việt Nam là người chưa thành niên và thanh niên, trong độ tuổi 15-24.

Không phủ nhận, từ mạng Internet, nhiều người đã quen biết và trở nên thân thiết, chia sẻ với  nhau nhiều điều trong cuộc sống. Nhưng đằng sau những giá trị tích cực ấy, môi trường mạng cũng tiềm ẩn những rủi ro, tác động tiêu cực đến trẻ em. Đó là những thông tin không phù hợp với lứa tuổi của trẻ em như: bạo lực, tình dục... Hay khiến nhiều trẻ em mắc phải chứng nghiện mạng, nghiện game online, nghiện smartphone. Rồi việc trẻ em bị bóc lột, dọa dẫm, xâm hại trên môi trường mạng đều có thể xảy ra.

Trẻ em dễ bị xâm hại trên môi trường mạng vì trẻ em đang dẫn đầu trong việc tiếp thu và sử dụng công nghệ thông tin ở Việt Nam nhưng lại có hiểu biết chưa đầy đủ về những nguy cơ tiềm tàng khi sử dụng internet. Phần lớn trẻ em tự học cách dùng internet (68%) hoặc học từ bạn bè (17%), rất ít học từ cha mẹ mình (2%) hoặc nhà trường (11%). Hầu hết các trường học chỉ dạy học sinh kỹ năng công nghệ thông tin, không dạy về sử dụng mạng an toàn.

Bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng Viên nghiên cứu quản lý phát triển bền vững chia sẻ: “Theo một kết quả nghiên cứu của Anh, cứ 1 trong 4 trẻ đã từng có trải nghiệm đau buồn khi sử dụng mạng xã hội, cứ 1 trong 3 trẻ là nạn nhân của bắt nạt trên mạng. Mỗi ngày có hơn 720 nghìn hình ảnh về xâm hại trẻ em được đưa lên mạng”.

Còn Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cảnh báo: “Chúng ta vẫn cho rằng thế giới mạng là ảo. Điều này không đúng vì những tổn thương với trẻ em, những sang chấn tâm lý với trẻ em là có thật”.

Theo ông Đặng Hoa Nam, việc phụ huynh chụp hình ảnh con em mình và lưu giữ làm kỷ niệm thì không sao, nhưng khi đăng tải những hình ảnh đó công khai lên mạng xã hội, không có sự giới hạn người xem thì cần cân nhắc xem điều này đã vì lợi ích tốt nhất của trẻ em hay chưa?.

Hơn nữa, theo ông, thực tế, ngày nay, phụ huynh rất hay đưa lên mạng xã hội những hình ảnh liên quan đến con: Hôm nay đưa con đi học mấy giờ, chiều muộn vẫn làm việc chưa về đón con, con đã có thể tự đi chơi một mình…. Những thông tin này vô tình để lộ lịch trình của con và sẽ tạo điều kiện cho đối tượng xấu theo dõi, rất có thể bắt cóc hay xâm hại, bạo lực các em.

Đừng để trẻ em đi “bụi đời” trên mạng xã hội

Vậy làm thế nào để thế giới công nghệ số và môi trường mạng phát huy đến mức tối đa lợi ích cho trẻ em nhưng vẫn đảm bảo cho các em được an toàn trong thế giới đó?.

Cách đây 3 ngày, ngày 29/5, tại Hội trường Quốc hội, khi thảo luận về dự án Luật An ninh mạng, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đã dành toàn bộ thời gian để phát biểu về vấn đề bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

Hãy thử hình dung theo lời đại biểu Cảnh: “Nếu chúng ta không kiểm soát được việc tham gia vào môi trường mạng của trẻ em thì không khác gì chúng ta để con em chúng ta đi bụi đời trên mạng xã hội và sẽ có một cuộc sống ảo lệch lạc. Chúng ta sẽ có một thế hệ trẻ em mà không ít trong số đó sẽ có lối sống trái với chuẩn mực đạo đức, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc”.

Theo đại biểu, chúng ta xem việc vào không gian mạng như là có thêm một con đường để đạt được những mục tiêu phát triển nhưng người lớn đủ năng lực để quyết định đi như thế nào cho phù hợp và tự chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình còn đối với trẻ em thì dù có đi ngoài đời thực hay đi trong môi trường mạng đều cần người lớn, nhà nước, nhà trường, gia đình quan tâm, hướng dẫn và bảo vệ để các em được đi những con đường phù hợp với lứa tuổi của mình.

Theo đó, đại biểu Cảnh đã đề nghị trong dự thảo Luật An ninh mạng cần có một điều quy định về việc bảo vệ trẻ em trong không gian mạng để các em có một môi trường an toàn trong không gian mạng, được giáo dục, vui chơi phù hợp với lứa tuổi của mình. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu để phát triển một cổng thông tin thích hợp dành riêng cho trẻ em, sử dụng tại các gia đình, trường học, các cơ sở cung cấp dịch vụ Internet. Để các em chỉ tiếp thu các thông tin đã được xây dựng, được chọn lọc, được liên kết với các nguồn thông tin trong nước, quốc tế, phục vụ cho việc học tập, vui chơi. Hướng dẫn các quy tắc ứng xử, giáo dục giới tính, kỹ năng sống phù hợp với lứa tuổi của trẻ em để chúng ta sẽ có một thế hệ trẻ em được phát triển toàn diện đức, trí, thể mỹ.

Trong khi đó, chia sẻ những giải pháp dành cho gia đình, ông Nguyễn Sơn Tùng – Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) lưu ý: Các hoạt động của trẻ em trên mạng internet thường là: Giao tiếp (nhắn tin, gọi điện thoại có camera, email...), chia sẻ dữ liệu (hình ảnh, vị trí...), chơi trò chơi trực tuyến, tạo nội dung số (blog, livestream, youtube...), sử dụng mạng xã hội (Facebook, Twitter...), giao dịch trực tuyến (mua vật phẩm trò chơi, mua sắm qua trang thương mại điện tử...).

Từ những hoạt động đó, có những giải pháp để cha mẹ có thể bảo vệ con em mình như: Để các thiết bị truy cập internet ở vị trí có thể quản lý được. Chẳng hạn, chỉ để máy tính, thiết bị thông minh có kết nối internet ở phòng ngủ của cha, mẹ để có thể theo dõi hoạt động trên mạng của con cái. Kích hoạt chức năng an toàn cho trẻ em của hệ điều hình và trình duyệt web; Thiết lập chức năng tìm kiếm an toàn đối với công cụ tìm kiếm để loại bỏ những kết quả không phù hợp với trẻ em; Cài đặt một số công cụ để lọc hoặc ngăn chặn những nội dung không phù hợp với trẻ em…

Theo Cục trưởng Đặng Hoa Nam: “Cần có những liều vắc xin để bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng. Cha mẹ cần trang bị cho chính mình và con em mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết khi sử dụng mạng, làm sao để trở thành công dân thông minh trong thế giới số. Đồng thời cần làm bạn, lắng nghe những vấn đề trẻ em gặp phải khi sử dụng mạng internet”.

Rõ ràng, muốn bảo vệ trẻ em có hiệu quả nhất trên môi trường mạng cần phải có giải pháp đồng bộ, từ ban hành và thực thi chính sách, pháp luật, các biện pháp kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội... Nhưng muốn bảo vệ các trẻ em trên mạng, trước hết, bản thân trẻ em và các thành viên gia đình phải hiểu và biết cách tự bảo vệ con em mình. Có nghĩa là, trẻ em là đối tượng đầu tiên và gia đình là đối tượng thứ hai, cùng với những người làm công tác trẻ em, nhà trường, cộng đồng phải nhận thức được nguy cơ và biết cách phòng ngừa bị xâm hại trên mạng, qua sử dụng internet…

Chúng ta không thể và không nên ngăn chặn trẻ em truy cập, sử dụng internet, nhưng chúng ta có thể hỗ trợ và bảo vệ trẻ em khỏi những rủi ro trên mạng bằng chính tình yêu thương, trách nhiệm của mình./.

Tú Giang