|
- Sạt lở ăn sâu vào sát nhà công vụ và Trạm Y tế xã Hướng Lập - Ảnh: L.A
|
Trong đó, đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm có chiều dài 120 m tại khu vực Trạm Y tế xã Hướng Lập và khu dân cư tập trung gồm 4 hộ gia đình đang sinh sống. Tại đây, khu vực sạt lở có chiều sâu trung bình từ 5 – 7 m, chiều rộng trung bình từ 6 – 8m; vị trí sạt lở ăn sâu từ 4 – 5 m và sát cách chân nhà công vụ của Trạm Y tế xã khoảng 0,8m, cách Trạm Y tế xã mới được hoàn thành đưa vào sử dụng khoảng 4m.
Ngoài ra, sạt lở còn làm xói lở mố trụ chân cầu Sê Băng hiêng, làm mất đất thổ cư, khiến nhiều diện tích đất sản xuất của người dân bị trôi xuống sông. Trước tình hình đó, nhằm đảm bảo an toàn cho Nhân dân, cuối năm 2019, UBND tỉnh đã tạm ứng ngân sách 3 tỉ đồng để xử lý các điểm sạt lở khẩn cấp này.
Phương án cụ thể gồm gia cố mái bằng giải pháp rọ đá, giật cấp từ chân lên đỉnh, khóa chân kè bằng chân khay; nạo vét, khơi thông dòng chính đảm bảo tiêu thoát và hướng thuận dòng theo tự nhiên; tận dụng khối lượng đất, đá nạo vét để gia cố thân kè, đắp tường hướng dòng và gia cố các vị trí bờ sông bị sạt lở lân cận.
Tuy nhiên, theo quan sát đến thời điểm này đơn vị thi công mới chỉ tập trung một số trang thiết bị; đổ cát và đá cuội dọc bờ sông…; còn lại chưa thấy có hoạt động xây dựng, sửa chữa gì.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Phạm Trọng Hổ, thời điểm này tại xã Hướng Lập đang chuẩn bị bước vào mùa mưa, do vậy nếu không đẩy nhanh tiến độ xây dựng thì khả năng trong thời gian tới sẽ không thể hoàn thành kè chống sạt lở theo đúng tiến độ.
Trong khi đây là khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm, mất an toàn cao; đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng của cán bộ và Nhân dân đang công tác, sinh sống ở khu vực này và nguy cơ mất an toàn các công trình công cộng như nhà công vụ, trụ sở Trạm Y tế, cầu giao thông và đất đai của người dân.
Lê An