Dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệ đang chiếm thị phần lớn.
(Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: M.P)


Uber, Grap chiếm phần lớn thị phần nhưng thuế thu được không nhiều

Mới chỉ có 2 năm thực hiện thí điểm về hợp đồng điện tử của taxi công nghệ, loại hình kinh doanh vận tải công nghệ trong đó có hai doanh nghiệp điển hình là Uber, Grab đang dần chiếm thị phần lớn so với taxi truyền thống.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng, Hà Nội chỉ còn 15.000 taxi thay vì con số 25.000 như 5 năm trước. Hiệp hội Taxi thành phố Hồ Chí Minh từng đưa ra quan điểm, 2 năm qua thực hiện chương trình thí điểm của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về hợp đồng điện tử của taxi công nghệ, Uber, Grab đã khuynh đảo, thao túng gần như hoàn toàn thị trường taxi Việt Nam, đã và đang đẩy rất nhiều hãng taxi ở Việt Nam đi đến giải thể phá sản.

Nhiều lái xe taxi đã xin nghỉ việc chuyển sang chạy kiểu Uber, Grab. Chính điều này đã khiến thị phần của taxi truyền thống bị giảm đáng kể. Do đó, phản ứng trước việc kinh doanh bị thất thu của giới taxi truyền thống cũng là điều dễ hiểu

Theo Bộ Tài chính, tổng doanh thu của Grab trong ba năm 2014, 2015, 2016 là 1.755 tỉ đồng. Đây là tổng doanh thu đối với hoạt động vận tải thu của khách hàng thông qua ứng dụng Grab, bao gồm cả của lái xe, các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải hợp tác với Grab và của bản thân Công ty Grab. Trên thực tế, doanh thu của riêng Công ty Grap thấp hơn con số trên. Do vậy, số thuế mà công ty này nộp cho Việt Nam trong ba năm qua chỉ có hơn 9,5 tỉ đồng.

 

Kết quả thanh tra về thuế mới đây đã chỉ rõ Grab vi phạm về thuế số tiền 2,961 tỉ đồng, tổng số tiền bị truy thu thuế là 2,286 tỉ đồng. Đến thời điểm này, Grab đã nộp đủ số thuế kê khai thiếu và số tiền bị buộc truy thu.

 

Đối với Uber, tổng doanh thu của hãng này ba năm từ 2014 đến 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 là 2.706 tỉ đồng. Số thuế do Uber chủ động kê khai và nộp cho cơ quan thuế là 76,877 tỉ đồng. Cơ quan thuế đã xử lý tăng thu từ Uber số thuế là 66,84 tỉ đồng.

 Chính sách, quản lý thuế đã có quy định đầy đủ

Năm 2018, ngành thuế xác định tập trung thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực có số thu lớn, tiềm ẩn rủi ro về trốn thuế, gian lận thuế cao. Lãnh đạo ngành thuế cũng đề nghị các đơn vị địa phương chú trọng thanh kiểm tra thuế với doanh nghiệp hoạt động ở các ngành nghề kinh doanh mới, đặc thù phải kê khai thuế như: kinh doanh qua mạng, hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải Grab, Uber,…

Trao đổi với báo chí, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ chính sách (Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính) cho biết, chính sách thuế đã có quy định đầy đủ với doanh nghiệp. Cụ thể, một doanh nghiệp phải đóng thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp. 

Theo luật thuế giá trị gia tăng thì có hai phương pháp tính thuế. Đó là phương pháp khấu trừ và phương pháp tính thuế trực tiếp. Nếu doanh nghiệp đủ điều kiện khấu trừ thì có hai mức thuế suất lần lượt là 5% và 10%. Mức 5% của Luật thuế giá trị gia tăng là áp dụng cho những mặt hàng thiết yếu, còn đối với mặt hàng kinh doanh vận tải này là 10%. 

Theo ông Huy, nếu áp dụng phương pháp khấu trừ 10% thì doanh nghiệp sẽ được khấu trừ phần thuế đầu vào, đầu ra, phần giá trị tăng thêm thì mới chịu thuế 10%. Trường hợp doanh nghiệp không đủ điều kiện áp dụng thuế khấu trừ thì áp dụng thuế giá trị gia tăng trực tiếp tỷ lệ cho từng ngành nghề, với dịch vụ vận tải là 3%. 

Còn đối với thuế thu nhập doanh nghiệp cũng có hai phương pháp là tính kê khai doanh thu trừ chi phí và tính theo tỷ lệ quy định. Theo quy định của luật thuế thu nhập doanh nghiệp đối với từng ngành nghề, hoạt động vận tải áp dụng thuế 2%. 

Trong trường hợp Grab, đây là doanh nghiệp thành lập tại Việt Nam có hai thành viên. Một là đại diện cá nhân trong nước góp vốn 51% và số còn lại của nước ngoài. Do vậy, Grab áp dụng nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp kê khai doanh thu trừ chi phí. 

Với Uber thì đây là công ty nước ngoài thành lập ở Hà Lan và hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nên không đủ điều kiện để tính theo phương pháp kê khai doanh thu trừ chi phí. Uber B.V Hà Lan ủy quyền qua Việt Nam nộp thuế thay. Như vậy, Uber B.V Hà Lan là người đang kinh doanh, ký các hợp đồng vận tải với Việt Nam nên nộp thuế theo phương pháp tỷ lệ nhất định. Theo đó, nghĩa vụ thuế của Uber B.V Hà Lan như sau: Tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng trên doanh thu được hưởng là 3%; tỷ lệ % để tính thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu được hưởng là 2%. 

Cá nhân ký kết hợp đồng với công ty TNHH Uber B.V Hà Lan để kinh doanh vận tải, nghĩa vụ thuế được xác định là tỷ lệ % để tính thuế giá trị trên doanh thu được hưởng là 3%; tỷ lệ % để tính thuế thu nhập cá nhân trên doanh thu được hưởng là 1,5%. Như vậy, chính sách thuế áp dụng cho hai doanh nghiệp này là khác nhau. 

Đại diện Tổng cục thuế khẳng định, Uber, Grab hay các loại hình kinh doanh tương tự thì Bộ Tài chính đều quản lý thuế theo đúng luật. Chính sách, quản lý thuế đã có quy định đầy đủ theo nguyên tắc được đưa ra: người nộp thuế tự khai, tự tính, tự nộp. Cơ quan thuế chỉ thực hiện chức năng hậu kiểm. Nếu doanh nghiệp kê khai không đúng, không đủ sẽ bị xử lý hay không chịu kê khai hoặc chậm thì thuộc diện quản lý rủi ro.  

Sau hai năm thí điểm, Bộ Giao thông Vận tải đã họp với các Bộ, ngành, Hiệp hội taxi và có báo cáo Thủ tướng về loại hình kinh doanh vận tải công nghệ này. Hiện nay đang chờ ý kiến chỉ đạo về việc có tiếp tục thí điểm mô hình này không và xác định rõ loại hình kinh doanh là vận tải hay công nghệ điện tử phục vụ cho hoạt động vận tải. Vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải là cơ quan quản lý phải có tiếng nói chính thức để báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định./. 

 

 

 

Minh Phương