|
Người dân qua lại sông Sê Pôn bất chấp các quy định an toàn giao thông đường thủy
|
Xuất phát từ nhu cầu trao đổi, buôn bán hàng nông sản, đặc biệt là cây chuối của người dân khu vực biên giới, thời gian qua khoảng 20 bến đò ngang trên tuyến sông Sê Pôn được người dân dựng lên phục vụ giao thương, đi lại. Tuy nhiên một thực đáng lo ngại là việc chấp hành các quy định pháp luật về đảm bảo an toàn giao thông đường thủy của người dân vẫn bị xem nhẹ.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết các bến đò ngang dọc tuyến sông Sê Pôn đều được lập ra một cách tự phát, chưa đăng ký bất cứ cơ quan chức năng nào; nhiều phương tiện vận chuyển hoạt trên tuyến sông này cũng không được kiểm định các điều kiện an toàn, không trang bị phương tiện cứu hộ, cứu nạn; hành khách qua lại trên sông đều không mang áo phao...
Anh Hồ Văn Sáng, bản Pa Lọ Ô, xã Thanh, huyện Hướng Hóa cho biết: “Vì thường xuyên qua lại biên giới nên hầu hết dân bản chúng tôi chọn đi đò ngang cho tiện lợi, nhanh chóng. Biết là nguy hiểm nhưng chúng tôi phải chấp nhận vì đi đường khác xa lắm”.
Để đảm bảo an toàn cho người dân, các cơ quan chức năng huyện Hướng Hóa, lực lượng biên phòng đóng quân trên địa bàn cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc đảm bảo an toàn trên các phương tiện giao thông đường thủy tại các bến đò ngang trên sông Sê Pôn.
Đặc biệt, hiện nay bước vào mùa mưa lũ, lực lượng chức năng cần tuyên truyền, nhắc nhở các chủ phương tiện cần tạm ngừng hoạt động trong những ngày mưa to gió lớn, nước sông lên cao, thực hiện đúng các quy định về an toàn giao thông đường thủy để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản.
Công Điền