Cương lĩnh xây dựng đất nước CNXH bổ sung và phát triển năm 2011, Hiến pháp nước Cộng hòa CNXH Việt Nam năm 2013, Điều lệ Đảng hiện hành do Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XI thông qua khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam hành động. Vì vậy, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng tức là bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong quá trình bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng phải luôn luôn đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, vì đấu tranh cũng là một biện pháp bảo vệ.
Có phải đến bây giờ Đảng ta mới đặt vấn đề bảo vệ nền tảng tư tưởng hay không? Điều này không phải. Ngay từ khi ra đời và trong quá trình hoạt động, Đảng luôn luôn coi trọng việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; coi trọng việc đấu tranh các quan điểm sai trái, thù địch. Có thể khẳng định rằng, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch là một vấn đề có tính quy luật trong công tác xây dựng Đảng. Trên thế giới cũng vậy, đặc biệt là đối với các đảng công nhân, các đảng cộng sản và kể cả các đảng cầm quyền hiện nay cũng coi trọng việc bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái. Nếu chúng ta theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng ở nơi khác, kể cả trong nội bộ của các đảng chính trị ở các nước tư bản, các đảng cầm quyền, các đảng tham chính cũng có đấu tranh lẫn nhau về tư tưởng. Chẳng hạn như vừa qua Tổng thống Donal Trump phê phán đảng Dân chủ Mỹ có khuynh hướng tư tưởng XHCN trong các vấn đề giải quyết thương mại, nhập cư, hạt nhân I-ran.
Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, ở mỗi thời kỳ có tính bước ngoặt của lịch sử thì vấn đề bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lại được đặc biệt quan tâm. Khi có bước ngoặt quan trọng của lịch sử hay ở những thời kỳ mà Đảng ta đứng trước những thử thách thì việc bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch càng trở nên cấp bách.
Trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, năm 1939, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ viết cuốn “Tự chỉ trích”. Sau khi giành được chính quyền năm 1945, năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Năm 1958, sau khi chiến thắng Điện Biên phủ, giải phóng Thủ đô, thực hiện 02 cuộc cách mạng: Xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng dân tộc ở miền Nam, lúc bấy giờ Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Đạo đức cách mạng”. Chúng ta thấy, ở những thời điểm bước ngoặt luôn luôn có những tác phẩm của các đồng chí lãnh đạo, của lãnh tụ như là sự chỉ dẫn cho việc bảo vệ nền tảng tư tưởng và sự rèn luyện, phấn đấu của cán bộ, đảng viên. Năm 1986, khi công cuộc đổi mới đất nước được khởi xướng, đến năm 1992, BCHTW (khóa VII) ban hành Nghị quyết 03, xác định một số nhiệm vụ QP-AN quốc gia, chống “Diễn biến hòa bình”, bởi vì lúc đó bước vào công cuộc đổi mới tâm trạng xã hội có nhiều băn khoăn, lo lắng. Một số ý kiến nói rằng, mở cửa thì gió lành vào gió độc cũng vào; các đối tác tốt vào nhưng mà ruồi nhặng cũng vào. Do đó lúc bấy giờ là làm thế nào để bảo vệ an ninh - quốc phòng, chống “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch đã trở thành vấn đề rất quan trọng của đất nước ta. Nghị quyết 03 (khóa VII) đã nêu ra những quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp để bảo vệ nền tảng tư tưởng, chống các quan điểm sai trái, thù địch trong thời kỳ đổi mới.
Trong bối cảnh hiện nay, tuy có những thuận lợi nhưng nhiều diễn biến phức tạp, rất khó lường. Cách đây 01 năm, Hảng nghiên cứu dư luận xã hội nổi tiếng Galoc của Mỹ cho rằng, Đảng dân chủ và giới trẻ hiện nay đang yêu thích tư tưởng CNXH. Do vậy, cuộc đấu tranh này không chỉ diễn ra ở đất nước chúng ta mà còn diễn ra trên phạm vi thế giới. Chính vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta nêu cao tinh thần phải bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Qua nghiên cứu có 3 nhóm đối tượng chính là kẻ thù tư tưởng của Đảng ta hiện nay:
- Nhóm thứ nhất, là các lực lượng thù địch, bao gồm cả những người nghiên cứu lý luận – thực tiễn ở các nước trong cuộc đấu tranh ý thức hệ giữa CNXH và CNTB, cả những nhà hoạt động chính trị thuộc giới cầm quyền có tư tưởng tư bản theo kiểu truyền thống và một số người thuộc giới cầm quyền có tư tưởng XHCN.
- Nhóm thứ hai, là lực lượng cực đoan người Việt ở nước ngoài luôn lôi kéo kết hợp với số chống đối bất mãn ở trong nước, lập ra các tổ chức như Việt Tân, Việt Nam lập quốc, Triều Đại Việt … với những hành động cắm cờ ba que, ca ngợi chế độ Việt Nam Cộng hòa, ngụy quân, ngụy quyền.
- Nhóm thứ ba, là lực lượng len lỏi, phức tạp, không khó để nhận ra nhưng rất khó để đấu tranh, đó là cán bộ, đảng viên, đặc biệt có những đảng viên từng giữ chức vụ trung, cao cấp trong bộ máy công quyền, trong hệ thống chính trị của chúng ta, suy thoái về tư tưởng chính trị, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Các cán bộ lão thành kiên trung gọi số đối tượng này là phản bội: phản bội lại quá khứ, lý tưởng, thời trai trẻ và đôi khi nguyên nhân của sự phản bội đó lại bắt nguồn từ sự bất mãn, không đồng ý một vài vấn đề trong chính sách, trong ứng xử của các cơ quan, đơn vị. Đây chính là “một bộ phận không nhỏ suy thoái về tư tưởng chính trị, tự diễn biến, tự chuyển hóa”.
Về nội dung, phương thức và thủ đoạn chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch hiện nay, thể hiện qua mấy điểm sau:
- Phủ định chủ nghĩa Mác – Lênin: Sau sự sụp đổ mô hình CNXH ở Liên xô và các nước Đông Âu, nhiều nhà lý luận tư sản rêu rao rằng, chủ nghĩa Mác đã chết và bất cứ những gì liên quan đến Mác và Lênin thì đều bị các nhà lý luận tư sản phủ định.
Ở tầm cao là thông qua lý thuyết, các luân lý để tập trung tấn công vào nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin. Ở tầm thấp, đơn giản hơn là những câu chuyện tiếu lâm chính trị, những câu chuyện cười để bôi xấu chủ nghĩa Mác – Lênin.
- Đối với tư tưởng Hồ Chí Minh thì các lực lượng thù địch tấn công trên 2 khía cạnh, một mặt thì phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh: Một số nhà lý luận tư sản cho rằng, Hồ Chí Minh không có tư tưởng, rằng một số nước Đông Nam Á, Châu Á nói chung, Việt Nam nói riêng không có tầm tư tưởng, không có tầm triết học. Mặt thứ hai nghe có vẻ hợp lý là tuyệt đối hóa và đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh, tách tư tưởng Hồ Chí Minh ra khỏi chủ nghĩa Mác – Lênin rằng, chủ nghĩa Mác – Lênin không phù hợp với Việt Nam, chỉ có tư tưởng Hồ Chí Minh mới là trân quý, mới là chân chính, có đủ khả năng dẫn dắt con đường cách mạng Việt Nam. Cả hai khía cạnh này đều là nhận thức lệch lạc, bởi vì tư tưởng Hồ Chí Minh là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê nin vào điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể của cách mạng Việt Nam.
- Chống phá quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực. Những gì thuộc về quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều bị lực lượng thù địch chống đối. Trong đó tập trung chống đối về thể chế, đòi tam quyền phân lập, đòi phi chính trị hóa quân đội, phủ nhận kinh tế thị trường định hướng XHCN (có ý kiến cho rằng không có cái đó đâu mà đi tìm); tấn công vào nền dân chủ XHCN, đòi thực hành dân chủ theo kiểu tư sản, hồ hởi với những khẳng định mới, cách tiếp cận mới; tuyệt đối hóa quyền con người, tách quyền con người ra khỏi trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân; tấn công, bài xích chủ trương chống tham nhũng của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay. Ở bất kỳ quốc gia nào, quyền con người đều gắn liền với trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân, thực hiện quyền con người trong khuôn khổ pháp luật chứ không phải muốn làm gì thì làm. Trong việc chống tham nhũng, nếu chúng ta không làm thì chúng nói là chúng ta bao che, nó nói ông nào cũng tham nhũng thì làm sao chống tham nhũng, nhưng khi chúng ta xử một vài cán bộ tham nhũng thì nó lại xuyên tạc và diễn dịch theo hướng là đấu đá, tấn công nội bộ. Mục tiêu cuối cùng của chúng là đòi lật đổ chế độ, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi tam quyền phân lập, đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Những năm trước đây nó nói chúng ta không chống tham nhũng, bây giờ chúng ta chống tham nhũng thì nó nói rằng chống như vậy không bao giờ hết được, hết ông này sẽ đẽ ra ông khác mà chỉ có xóa bỏ chế độ này mới giải quyết tận gốc vấn đề tham nhũng.
- Phủ nhận những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử dưới sự lãnh đạo của Đảng từ khi khởi xướng công cuộc đổi mới đến nay.
Chúng ta đều biết, sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước bắt đầu từ năm 1986, do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo. Đổi mới không những là mệnh lệnh từ cuộc sống, mà còn là yếu tố quyết định sự sống còn của Đảng. Đổi mới thành công thì Đảng tồn tại, ngược lại, vai trò lãnh đạo của Đảng sẽ bị uy hiếp nghiêm trọng, thậm chí sẽ bị nhân dân quay lưng, lãng quên. Thành tựu của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, uy tín của Đảng, đồng thời là cầu nối thắt chặt tình đoàn kết máu thịt giữa nhân dân với Đảng, củng cố niềm tin, tình cảm của nhân dân vào Đảng, vào chế độ. Đây là điều mà chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, phản động không bao giờ mong muốn. Vì vậy, chúng tìm trăm phương ngàn kế để chống phá, trong đó phủ nhận thành tựu đổi mới chính là phương cách chúng cho là hiệu quả nhất.
Mặt khác, phủ nhận thành tựu đổi mới, các thế lực thù địch, phản động còn âm mưu làm chệch hướng nền kinh tế nước ta, hướng nền kinh tế Việt Nam đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Chúng cho rằng, Nhà nước can thiệp quá sâu vào nền kinh tế, kêu gọi chúng ta phải giảm bớt vai trò của doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh hơn nữa việc cổ phần hóa, tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, những mảng kinh tế yết hầu, liên quan đến vận mệnh của Tổ quốc, sự tồn vong của chế độ như năng lượng, viễn thông, quốc phòng - an ninh... chúng ta không thể để cho tư nhân, tư bản thao túng. Thực tế hiện nay, chỉ có các doanh nghiệp nhà nước mới dám đầu tư vào những vùng đặc biệt khó khăn, những ngành kinh tế không nảy sinh lợi nhuận, nhằm phát triển đất nước và bảo đảm an sinh, công bằng xã hội. Vì vậy, chúng ta phải duy trì sức mạnh chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước để đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế quốc dân. Đây là việc làm hoàn toàn bình thường mà mọi quốc gia, dù tư bản hay cộng sản đều thực hiện, có chăng chỉ là cách thức thực hiện khác nhau mà thôi.
Trên thực tế, mấy năm nay, với “hàng núi” sách báo chống Đảng, hàng trăm giọng điệu công kích, bôi nhọ, phủ nhận, với hàng nghìn thủ đoạn đủ loại, trên mọi phương diện, đang tràn ngập mạng internet: về nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng, về Đảng và sự cầm quyền của Đảng, về thể chế XHCN Việt Nam, về hệ thống chính trị và về đội ngũ cán bộ, đảng viên… Những luận điệu xuyên tạc công cuộc đổi mới, sự công kích Đảng, Nhà nước và đất nước ta từ nhiều phía, với nhiều thủ đoạn, ở nhiều mức độ và nhiều tính chất, cả bên trong lẫn bên ngoài, rất phức tạp. Theo đó, xuất hiện đủ loại thái độ và phương cách hành xử gây nên tình trạng trắng đen lẫn lộn, thật giả hỗn mang, rất khó nhận diện và rất nguy hiểm nhưng rất tinh vi.
Bên cạnh đó, các trào lưu tư tưởng, lý luận du nhập, thẩm thấu bằng mọi con đường, âm mưu gặm nhấm, công phá làm băng hoại dưới mọi hình thức, quy mô và mức độ tư tưởng, lý luận của chúng ta từ nền tảng.
Đó là chủ nghĩa tự do mới, chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa bá quyền với vô vàn hình thức... đang thâm nhập từ bên ngoài cấu kết với chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa bè phái, chủ nghĩa hưởng lạc, dưới nhiều biến thể, tồn tích rất lâu từ bên trong với âm mưu làm băng hoại nền tảng tư tưởng của chúng ta bằng đủ quy mô, tính chất và mức độ; làm chệch hướng con đường XHCN; làm rã rời sự cố kết đồng thuận toàn dân tộc ta; đánh sập vị thế, năng lực và uy tín cầm quyền của Đảng ta và cô lập nước ta trên trường quốc tế.
Những trào lưu tư tưởng, lý luận đó thâm nhập vào nước ta bằng các con đường giao lưu tư tưởng, thông qua hội nhập quốc tế, bằng thủ đoạn kinh tế, văn hóa... hết sức tinh vi, biến ảo; và chúng thường trú ngụ và phát tác từ các phần tử thoái hóa, biến chất, nằm ở tất cả các cấp của hệ thống chính trị, thúc đẩy nhanh quá trình “tự diễn biến hòa bình” công phá từ bên ngoài thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ trong nội bộ rất nguy hiểm.
Tất cả nhằm thủ tiêu Đảng, cô lập đất nước ta và chuyển hóa thể chế chính trị một cách nhanh nhất, ngắn nhất và nguy hiểm nhất.
Chúng ta phải làm gì?
Lịch sử tư tưởng thế giới mách bảo với chúng ta rằng, khi một tư tưởng xuất hiện, tồn tại và phát triển, tự thân nó là một cuộc đấu tranh để tự khẳng định nó; và, tranh đấu với các tư tưởng khác, dù muốn hay không, dưới muôn ngàn hình thức, quy mô, tính chất và mức độ, là quy luật sinh tồn của tư tưởng, đó là lẽ tự nhiên của sự phát triển. Không có con đường nào khác. Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự nghiệp đổi mới xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc đã và đang như vậy. Phương diện tư tưởng, lý luận chính trị của chúng ta cũng như vậy, không nằm ngoài quy luật đó.
Chúng ta làm gì và làm như thế nào để tấn công đẩy lùi các khuynh hướng tư tưởng sai trái, sự công kích của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa? Đây là một vấn đề lớn, hệ trọng đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quyết tâm mạnh mẽ của cán bộ, đảng viên, phải hóa thân và có hành động tư tưởng thiết thực, trong đó các binh chủng tư tưởng là lực lượng nòng cốt.
Chúng ta phải kiên định trong bản chất, có ý chí chiến thắng mọi hành động, xây dựng và triển khai kế hoạch đấu tranh phản bác với các các quan điểm sai trái, thù địch một cách hiệu quả. Kinh nghiệm đã và đang chỉ ra rằng, từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước chuyển ngắn, thậm chí rất ngắn, tới mức khôn lường, trở thành kẻ đối lập với nhân dân, với dân tộc, phản bội lại Đảng, phản bội thể chế. Do vậy, cần kiên định với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của dân tộc; không ảo tưởng, buông lơi hay tự huyễn hoặc mình trước sự công kích của kẻ thù trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận hiện nay. Những ai thiếu kiên định không thể để họ xây dựng kế hoạch đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch thông qua con đường tổ chức – cán bộ.
Với tư cách là một chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng, mỗi cán bộ, đảng viên tự mình phải làm công tác tư tưởng cho chính mình, và phải tự mình trong sạch, trở nên đúng đắn, tự trọng và ngang tầm theo các quy định về nêu gương: Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07-6-2012, của Ban Bí thư khóa XI, “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016, của Bộ Chính trị khóa XII, “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên” và Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”. Tự chỉnh đốn mình đủ năng lực xử lý, nhất là đối thoại, tranh luận một cách dân chủ, bình đẳng và cầu thị với tất cả những ai quan tâm về công tác tư tưởng, với các trào lưu tư tưởng, lý luận từ mọi phía. Đó là hiện thân sinh động và sức sống mạnh mẽ của tư tưởng, lý luận chính trị, của công tác tư tưởng, lý luận, phát triển đường lối chính trị của Đảng dẫn dắt công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ và hội nhập quốc tế hiện nay.
Mỗi cán bộ, đảng viên hóa thân và có hành động tư tưởng tích cực chính là góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng một cách thiết thực nhất./.
Nguyễn Trọng Nhân