|
- Một số diện tích lúa đã bị chết khô do không có nước tưới
|
Tính đến thời điểm này lượng nước các hồ chứa chỉ còn lại khoảng 39% so với dung tích thiết kế; một số hồ chứa dung tích rất thấp như Ái Tử chỉ đạt 41%, Đá Mài chỉ đạt 44,8%, Tân Kim chỉ đạt 26,3%, Trúc Kinh chỉ đạt 37,8%, La Ngà chỉ đạt 34,1%; trên sông Cánh Hòm mực nước xuống thấp chỉ còn khoảng -0,2 m.
Cùng với đó là mặn đã xâm nhập sâu vào nội đồng, cụ thể: Trên sông Bến Hải mặn đã xâm nhập vượt xa cầu Tiên An với độ mặn đo được từ 9,6 – 16,2%0; trên sông Hiếu xâm nhập mặn đã tác động đến cầu Đuồi với độ mặn đo được từ 0,54 – 1,3%0; trên sông Sa Lung xâm nhập mặn đã tác động đến chân đập ngăn mặn Sa Lung với độ mặn từ 6,6 – 12,3%0; trên sông Thạch Hãn mặn đã xâm nhập đến khu vực tràn xả lũ Nam Thạch Hãn với độ mặn từ 1,1 – 1,7%0. Tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt trong vụ hè thu trên địa bàn tỉnh, nhất là sản xuất lúa với hơn 952,8 ha bị hạn nặng.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Lê Quang Lam cho biết, để chủ động đối phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, khắc phục tình trạng thiếu nước và cấp đủ nước sinh hoạt cho nhân dân, ngành nông nghiệp và các địa phương đã chủ động huy động mọi nguồn lực để thực hiện các giải pháp chống hạn như điều tiết lại nguồn nước, đắp đập tạm, đắp đập ngăn mặn, nạo vét một số đoạn sông, kênh tiêu, kênh dẫn để giữ nước tạo nguồn bơm chống hạn; cùng với các HTX, hộ gia đình lắp đặt, cơ động các trạm bơm dã chiến để chủ động bơm tưới.
Bên cạnh đó, Chi cục Thủy lợi cũng đã có tờ trình đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT kiến nghị UBND tỉnh trích nguồn kinh phí khoảng 2,492 tỉ đồng hỗ trợ khẩn cấp để chống hạn; đồng thời trình Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và PTNT xem xét trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí chống hạn và xâm nhập mặn vụ hè thu năm 2019 với tổng kinh phí 100 tỉ đồng.
Thục Quyên – Nguyễn Lan