Ảnh minh hoạ (Nguồn: thanhnien.vn)
Lũ trên sông Kôn (Bình Định), thượng nguồn sông Ba (Gia Lai) đang dao động ở mức đỉnh, các sông ở Phú Yên đang lên, các sông ở Quảng Ngãi đang xuống. Mực nước lúc 04h00 ngày 4/12 trên các sông như sau: sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) tại Trà Khúc 5,01m, ở mức báo động 2; sông Vệ (Quảng Ngãi) tại trạm Sông Vệ 3,89m, trên báo động 2: 0,39m; sông Kôn (Bình Định) tại Thạnh Hòa 8,77m, trên báo động 3: 0,77m; sông Kỳ Lộ (Phú Yên) tại Hà Bằng 10,44m, trên báo động 3: 0,94m; sông Ba (Gia Lai) tại Ayunpa trên báo động 2: 0,5m; tại Củng Sơn (Phú Yên) trên báo động 2: 0,84m; tại Phú Lâm dưới báo động 2: 0,53m. Các sông khác ở mức báo động 1 và dưới báo động 1.
Dự báo: Trong 6 giờ tới, lũ trên sông Kỳ Lộ có khả năng đạt đỉnh ở mức 10,7m, trên báo động 3: 1,2m, sau xuống. Trong 12 giờ tiếp theo, lũ trên sông Kôn xuống chậm và dao động ở mức cao; hạ lưu sông Ba (Phú Yên) tiếp tục lên; các sông ở Quảng Ngãi tiếp tục xuống, các sông ở Khánh Hòa có khả năng lên lại.
Về sự cố hồ chứa, theo thông tin từ Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, tình hình sự cố hồ Hóc Sấu như sau: Trong 02 ngày 03 và 04/12 trên địa bàn huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định đã xảy ra mưa lớn làm sạt lở 1,5m đuôi tràn hồ Hóc Sấu (phần tràn đã bị sạt năm 2016 và được địa phương khắc phục bằng bao tải cát và rọ đá), hồ có dung tích khoảng 2,35 triệu m3, đập chính dài 421m, đập phụ dài 228m; mực nước chết +31,5m, ngường tràn tự do +40,5m, mực nước hiện tại là +40,7m. Hiện địa phương đang tiếp tục theo dõi, tiến hành khắc phục tạm thời bằng bao tải cát, rọ đá, vải lọc và sẽ có các biện pháp gia cố sau khi lũ rút.
Về tình hình ngập lụt và thiệt hại, theo báo cáo nhanh số 430/PCTT-VP ngày 03/12/2017 của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, mưa lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh đã làm 2.750 hộ bị ngập (Tuy Phước: 1.350 hộ; Phù Cát: 1.000 hộ; Hoài Nhơn: 350 hộ; thành phố Quy Nhơn: 50 hộ) và một số tuyến đường bị ngập, chia cắt không đi lại được. Hiện địa phương đã tổ chức di dân tại chỗ và đã chủ động cho học sinh nghỉ học vào sáng ngày 04/12.
Theo báo cáo qua điện thoại của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh Phú Yên, mưa lớn đã làm cuốn trôi 01 người (Châu Văn Dũng, sinh năm 1963, thôn Kỳ Lộ, xã Xuân Quang, huyện Đồng Xuân), 3.000 hộ dân bị ngập thuộc 02 huyện Đồng Xuân và Tuy An phải di dời tại chỗ, nhiều khu vực trũng thấp bị ngập, giao thông chia cắt. Hiện 02 huyện trên đã cho học sinh nghỉ học và tổ chức tìm kiếm người bị mất tích.
Để ứng phó với thiên tai, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có thông báo số 567/ TWPCTT-VP ngày 02/12/2017, công điện số 92/CĐ-TW ngày 03/12/2017 về việc chủ động ứng phó với mưa lũ, lũ quét và sạt lở đất tại các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Gia Lai và Đắk Lắk; tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến không khí lạnh tăng cường và gió mạnh trên biển, mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất khu vực Trung Bộ, thông tin tới các địa phương để chủ động triển khai phương án ứng phó.
Các tỉnh khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên tập trung theo dõi diễn biến mưa, lũ để kịp thời cảnh báo và có giải pháp ứng phó; tổ chức trực, canh tại các hồ chứa nước xung yếu có nguy cơ mất an toàn để ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cần chủ động ứng phó với mưa lũ xảy ra trên địa bàn tỉnh./.
Đặng Hiếu