|
Triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi
|
Theo ghi nhận, tại các huyện: Hải Lăng, Triệu Phong và Vĩnh Linh, bệnh dịch tả lợn Châu Phi vẫn đang có chiều hướng lây lan nhanh. Tốc độ phát sinh ca bệnh mới hàng ngày tăng cao, tập trung chủ yếu ở các vùng có mật độ chăn nuôi cao, các hộ chăn nuôi quy mô lớn. Có thời điểm, số lượng lợn phát bệnh, buộc phải tiêu hủy từ 500 – 1.000 con/ngày. Tính đến 16 giờ, ngày 30.9.2019, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 7.620 hộ chăn nuôi trên địa bàn 445 thôn của 111 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thành phố, thị xã. Số lợn mắc bệnh buộc phải tiêu hủy là 40.373 con với tổng trọng lượng hơn 2.115 tấn.
Để phòng, chống bệnh dịch, thời gian qua, Sở Nông nghiệp&PTNT đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, đơn vị liên quan và UBND các xã, phường, thị trấn triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp như: Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân; tổ chức lấy mẫu xét nghiệm; tiêu hủy 39.807 con lợn chết, lợn nhiễm bệnh; sử dụng 23,5 tấn hóa chất các loại và hơn 150 tấn vôi bột phục vụ công tác tiêu độc, khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi… Sở cũng đã hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ cho 4.536 hộ chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi từ ngày 25.3.2019 đến ngày 12.8.2019.
Tuy nhiên, công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi hiện vẫn còn một số tồn tại, bất cập. Do thời gian phòng, chống dịch kéo dài nên một số địa phương bắt đầu có hiện tượng chủ quan, lơ là; thiếu kinh phí dành cho các hoạt động chống dịch; không huy động đủ lực lượng tham gia chôn hủy lợn bệnh hoặc khoán trắng cho lực lượng thú y và chủ vật nuôi; không xác định được địa điểm chôn hủy khi phải tiêu hủy với số lượng lớn ở các trang trại, gia trại; vẫn còn hiện tượng vứt xác lợn chết, lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi ra môi trường… Việc chậm báo cáo tình hình dịch bệnh, báo cáo số liệu không chính xác hoặc không đúng biểu mẫu quy định… vẫn còn xảy ra. Công tác hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho hộ chăn nuôi theo quy định triển khai còn chậm, có trường hợp không đúng quy định…
Để khắc phục những tồn tại, bất cập trên, Sở Nông nghiệp&PTNT đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung sau: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người dân nhận thức đúng về bệnh dịch tả lợn Châu Phi và hợp tác với chính quyền địa phương; thành lập đoàn công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi của huyện, thành phố, thị xã để kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các địa phương; tiếp tục chỉ đạo các phòng, đơn vị liên quan, UBND các xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống bệnh theo đúng quy định; bố trí đầy đủ kinh phí phục vụ kịp thời công tác phòng, chống bệnh; tổ chức tiêu hủy lợn bệnh đúng quy định; báo cáo tình hình dịch bệnh và số liệu lợn bệnh phải tiêu hủy hàng ngày; chỉ đạo lực lượng chức năng của địa phương phối hợp với cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở, người dân theo dõi, điều tra, xử lí nghiêm các trường hợp vứt xác lợn chết, lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi ra môi trường; tăng cường kiểm tra các hố tiêu hủy lợn bệnh…
Q.H