Các diễn giả tham gia buổi tọa đàm (Ảnh: K.D)
Phát biểu khai mạc Toạ đàm, ông Nguyễn Linh Anh – Phó Tổng biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp cho biết, mới đây, tại phiên họp đầu tiên của Đại hội đồng Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) lần thứ 49, đại diện 191 Quốc gia thành viên đã nhất trí bầu Đại sứ Việt Nam, ông Dương Chí Dũng vào vị trí Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới nhiệm kỳ 2018-2019.
Trên đây là sự ghi nhận của Thế giới đối với những nỗ lực của Việt Nam trong công cuộc bảo hộ sở hữu trí tuệ. Điều này cũng khẳng định rằng, trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu và rộng, cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt, vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trở nên đặc biệt quan trọng và trở thành mối quan tâm hàng đầu trong các mối quan hệ kinh tế quốc tế. Từ khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO, vấn đề bảo vệ quyền SHTT, chống sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng được quan tâm hơn.
Theo ông Linh Anh, ở bình diện doanh nghiệp, một nghiên cứu mới đây của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới lần đầu tiên đưa ra những con số tính toán về giá trị của “vốn vô hình” trong chuỗi giá trị toàn cầu với gần 1/3 giá trị sản phẩm chế tạo được bán ra trên toàn cầu thông qua việc bảo hộ sở hữu trí tuệ thương hiệu, công nghệ và thiết kế.
“Nhưng dù là vốn vô hình cho các doanh nghiệp, sở hữu trí tuệ trong thời đại cách mạng 4.0 lại ngày càng có giá trị, bởi hơn lúc nào hết, vốn vô hình này sẽ ngày càng có quyết định rất quan trọng số phận và tài sản của các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị toàn cầu hiện nay” – ông Linh Anh nói.
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Thanh Lam – Tổng Thư ký Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ Thương hiệu Việt Nam cho biết bức tranh khái quát về hàng giả, hàng kém chất lượng. Mỗi năm Cục quản lý thị trường xử lý trên 100.000 vụ vi phạm. Mới đây nhất là vụ Khaisilk, có những vụ việc diễn ra ngay tại cửa ngõ Hà Nội. Mặc dù đã phát hiện, thu giữ và xử lý nhiều vụ nhưng theo đánh giá của Chính phủ, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng, xuất hiện nhiều chiêu tinh vi, thường xuyên thay đổi phương thức thực hiện và có yếu tố nước ngoài.
Theo ông Đỗ Thanh Lam, trước thực trạng hàng giả và nâng cao hiệu quả chống hàng giả thì cần tập trung vào công tác truyền thông đã thực hiện nhưng cần tiếp tục tăng cường đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, trong đó tập trung xác định vấn đề truyền thông cụ thể là gì để người dân biết. Đối tượng truyền thông tới tất cả mọi đối tượng từ người dân, tới cơ quan, doanh nghiệp. Hình thức là rất quan trọng để đưa được thông tin tới từng đối tượng cụ thể.
Theo đó, rà soát các văn bản luật để xem xét trong bối cảnh thực tế để sửa đổi phù hợp. Thậm chí đưa chế tài rút giấy phép vào trong luật đối với việc làm hàng giả. Cần có một tổ chức tư vấn đứng bên liên quan tới sở hữu trí tuệ để thẩm định các vụ việc về vi phạm hàng giả, nhãn hiệu…. Thậm chí cũng cần thành lập toà chuyên trách về lĩnh vực sở hữu trí tuệ. .
Đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra giám sát. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Vấn đề kiểm tra nội bộ cũng cần phải thực hiện. Doanh nghiệp phải xây dựng chiến lược kế hoạch để bảo vệ hàng hoá của mình. DN phải kết hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để thực hiện. Người tiêu dùng cũng phải nhận thức được tác hại của việc sử dụng hàng giả, dám đứng lên tố giác những việc làm sai trái để đưa ra pháp luật – Ông Đỗ Thanh Lam nhấn mạnh.
Để nâng cao việc chống hàng giả, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bà Hải Yến - Công ty Luật Quốc tế Thiên Việt cũng cho rằng: Phải sử dụng biện pháp tư pháp như cấm và loại bỏ các dấu hiệu vi phạm bởi biện pháp hành chính trong một số trường hợp chưa phát huy hiệu quả. Nếu coi việc làm giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là một căn bệnh thì các biện pháp hành chính chỉ có thể chữa trị được triệu chứng chứ chưa điều trị được tận gốc căn bệnh./.
Kim Dung