|
Các đại biểu trao đổi kinh nghiệm khắc phục bệnh chết nhanh trên câu tiêu
|
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, tính đến ngày 28/12/2017, mưa dài ngày đã làm ngập úng 300 ha hồ tiêu, gây hiện tượng rụng lá trên diện tích khoảng 100 ha, tại huyện Vĩnh Linh có một số vườn cây đã bị chết. Tình trạng mưa lớn cũng đã tạo điều kiện cho bệnh chết nhanh gây hại 223 ha ở các vùng trồng tiêu trong tỉnh, trong đó thiệt hại nặng 23 ha ở hai huyện Gio Linh và Vĩnh Linh.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận để đưa ra các giải pháp kịp thời ứng phó với thiên tai dịch bệnh trên cây hồ tiêu. Theo đó, để kịp thời hỗ trợ người dân khôi phục vườn hồ tiêu bị chết nhanh, Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục tăng cường công tác điều tra phát hiện và tư vấn kịp thời các biện pháp phòng trừ bệnh hại trên cây tiêu, hướng dẫn nông dân các biện pháp thoát nước để chống úng, tổ chức các lớp tập huấn nhanh phòng trừ bệnh hại hồ tiêu.
Đối với vườn tiêu bị bệnh, người dân cần thu gom tàn dư cây bị bệnh mang ra khỏi khu vực vườn tiêu rồi đốt tiêu hủy, xử lý đất tại các vườn tiêu bị bệnh bằng vôi bột, xử lý hố trồng bằng chế phẩm sinh học trước khi trồng lại. UBND các huyện chỉ đạo các xã, thị trấn thống kê diện tích hồ tiêu bị ngập úng để đề xuất ngân sách nhà nước hỗ trợ kịp thời cho người trồng tiêu.
Đồng thời yêu cầu các vùng trồng hồ tiêu phải tuân thủ quy hoạch hệ thống thoát nước, tiêu nước luôn vùng, khoảnh, thửa để quản lý tình trạng úng nước trong mùa mưa. Tăng cường khuyến cáo ưu tiên sử dụng các chế phẩm sinh học như phân bón chức năng SH1, nấm đối kháng Trichoderma để nâng cao sức đề kháng cho cây, chỉ sử dụng thuốc hóa học trong bộ thuốc cho phép sử dụng trên cây hồ tiêu, không để dư lượng hóa chất độc hại trên sản phẩm.
Thanh Trúc