Bàn phương án giải quyết vấn đề quốc tịch cho người di cư tự do 

(QT) - Đoàn công tác Bộ Tư pháp do đồng chí Lương Thị Lanh, Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực dẫn đầu vừa có chuyến công tác nhằm tìm hiểu tình trạng di cư tự do và kết hôn không giá thú tại khu vực biên giới giữa tỉnh Quảng Trị và hai tỉnh Salavan, Savannakhet, (Lào). Đoàn đã đi thực địa và làm việc tại hai xã A Dơi và A Xing, huyện Hướng Hóa.

Đoàn công tác Bộ Tư pháp làm việc tại UBND xã A Dơi

 

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện nay, tại hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông vẫn còn 314 trường hợp kết hôn không giá thú. Cùng với đó, trên địa bàn có 108 hộ với 520 nhân khẩu di cư tự do. Tình trạng di cư tự do xảy ra nhiều ở xã A Dơi, huyện Hướng Hóa và ở xã A Vao, huyện Đakrông.

 

Nguyên nhân làm nảy sinh thực trạng trên là do cư dân hai bên biên giới có quan hệ họ hàng, thân tộc; tập quán du canh, du cư; người dân muốn chuyển đến sống ở nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển hơn; nhận thức của người dân về vấn đề chủ quyền, biên giới còn hạn chế…

 

Một thực tế khác là việc thực hiện Hiệp định về hoạch định biên giới và Nghị định thư về phân giới cắm mốc giữa Việt Nam và Lào dẫn đến tình trạng dịch chuyển dân cư giữa một số địa phương hai nước. Phần lớn người dân trước đây mà Việt Nam bàn giao cho Lào nay muốn quay lại Việt Nam cư trú ổn định, sum họp với bà con, dòng tộc.

 

Trao đổi với đoàn công tác, đồng chí Hoàng Kỳ, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, có khá nhiều khó khăn trong việc xử lý tình trạng di cư tự do và kết hôn không giá thú tại các khu vực biên giới. Trước tiên là số liệu báo cáo giữa các địa phương, đơn vị chưa thống nhất, còn sai lệch.

 

Qua khảo sát tại một số địa bàn, có tình trạng một số người di cư chưa thể xác định là người Việt Nam hay Lào vì không có thông tin ở hồ sơ lưu trữ. Theo ghi nhận, nhiều trường hợp đối tượng ở hai bên biên giới kết hôn song chưa đủ tuổi. Dù UBND xã không cấp giấy chứng nhận kết hôn nhưng họ vẫn chung sống với nhau như vợ chồng. Sau khi sinh con và làm thủ tục khai sinh, cán bộ tư pháp xã ghi vào giấy khai sinh của những đứa trẻ này thông tin về bố mẹ thiếu chính xác…

 

Thực tế trên làm nảy sinh nhiều khó khăn trong việc thực hiện Quyết định 133/QĐ-TTg ngày 3/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ ngày 3/2/2017 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới 2 nước được gia hạn có hiệu lực đến ngày 14/11/2019.

 

Sau khi lắng nghe các ý kiến trao đổi, đồng chí Lương Thị Lanh, Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực đề nghị trước mắt tỉnh Quảng Trị cần kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng để sớm có số liệu chính xác về các trường hợp di cư tự do và kết hôn không giá thú.

 

Về vấn đề đăng ký giấy khai sinh, phía Sở Tư pháp cần có ngay một công văn hướng dẫn việc đăng ký khai sinh cho các đối tượng có cha lẫn mẹ là người di cư từ Lào sang vùng biên giới Việt Nam mà không có quốc tịch và hộ khẩu hoặc trường hợp có bố hoặc mẹ một bên là công dân Việt Nam, một bên là công dân Lào di cư tự do, sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn.

 

Đồng chí Lương Thị Lanh khẳng định, để giải quyết tình trạng di cư tự do và kết hôn không giá thú cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành liên quan trong tỉnh và phía nước bạn Lào.

 

Q.H

561 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 964
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 964
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87197498