993 ha lúa bị chuột và ốc bươu vàng gây hại 

(QT) - Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh Quảng Trị, tính đến thời điểm này toàn tỉnh có 993 ha lúa bị chuột và ốc bươu vàng gây hại. Trong đó, diện tích lúa bị ốc bươu vàng gây hại là 565 ha, mật độ ốc phổ biến từ 3 - 6 con/m2, nơi cao từ 30 - 40 con/m2.

Cán bộ Chi cục TT&BVTV kiểm tra đồng ruộng để kịp thời phát hiện sâu bệnh hại lúa​

 

 Đối với chuột, do năm 2018 không có lũ lụt xảy ra nên số lượng chuột tồn tại trên đồng ruộng rất lớn, mặc dù trước khi triển khai gieo cấy lúa vụ đông xuân các địa phương đã tổ chức ra quân diệt chuột nhưng hiện nay trên các trà lúa chuột đã gây hại trên diện tích hơn 428 ha, trong đó hại nặng 15 ha, tỉ lệ hại phổ biến từ 5 – 10%, nơi cao từ 25 – 30%. Ngoài ra, đến thời điểm này đã có hơn 94 ha lúa bị bệnh đạo ôn lá, trong đó hại nặng 2 ha, tỉ lệ bệnh phổ biến 3 - 5%, nơi cao 10 - 15%.

 

Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh Trần Minh Tuấn khuyến cáo: Với tình hình thời tiết có nhiều sương mù như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn tiếp tục lây lan, gây hại nếu không được phun trừ kịp thời hoặc phun trừ không đúng kỹ thuật, đặc biệt trên các giống nhiễm như HC95, Ma Lâm 48, IR35366, HT1…, ruộng gieo dày, bón thừa đạm.

 

Ngoài ra các đối tượng như chuột, ốc bươu vàng, bọ trĩ tiếp tục gây hại; rầy các loại, sâu cuốn lá, bệnh lùn sọc đen... có khả năng phát sinh gây hại trong thời gian tới. Để hạn chế thiệt hại do bệnh đạo ôn lá, người dân cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng, khi phát hiện bệnh phải ngừng bón tất cả các loại phân, kể cả phân bón qua lá; phun thuốc phòng trừ sớm khi bệnh mới phát sinh, tỉ lệ bệnh khoảng 5% bằng các loại thuốc có hoạt chất Tricyclazole, Isoprothiolane,  Fenoxanil + Isoprothiolane... như: Beam, Fillia, Vista, Fujione, Ninja,... theo liều lượng khuyến cáo; chú ý phải phun ướt đẫm lá, vùng bị nặng phải phun tiếp lần hai sau lần một 5 - 7 ngày; sau khi phun thuốc, bệnh ngừng phát triển mới được bón phân.

 

 Đối với chuột, cần tổ chức diệt chuột bằng các biện pháp như dùng biện pháp thủ công đào bắt, sử dụng các loại bẫy (bẫy lồng, bẫy bán nguyệt, bẫy dính,...), dùng thuốc diệt chuột sinh học, hóa học để diệt chuột liên tục từ nay đến hết vụ.

 

Đối với ốc bươu vàng cần tăng cường bắt bằng tay hoặc dùng các loại thuốc hóa học. Ngoài ra nông dân cần kiểm tra các đối tượng sâu bệnh khác như rầy các loại, sâu cuốn lá nhỏ... để có biện pháp quản lý kịp thời nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra.

 

Thục Quyên

532 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 813
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 813
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87080999