Ngày 4/7, tại Hà Nội, Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018.
Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: BT)
Theo Tổng cục Thủy sản, trong 6 tháng đầu năm 2018, điều kiện thời tiết khá thuận lợi cho sản xuất thủy sản. Đồng thời, với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của lãnh đạo Bộ NN&PTNT, sự phối hợp tích cực của các hiệp hội ngành hàng, nỗ lực của bà con nông, ngư dân, cộng đồng doanh nghiệp, ngành thủy sản tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 3.561 nghìn tấn, trong đó, sản lượng khai thác 1.767 nghìn tấn, sản lượng nuôi trồng 1.793 nghìn tấn; kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 4.026 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2017, tổng sản lượng thủy sản tăng 5,7%, sản lượng khai thác tăng 5%, sản lượng nuôi trồng tăng 6,4%, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng 12,9%.
Nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm, kết quả sản xuất ngành thủy sản tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng với mức tăng khá, đồng bộ tăng cả về sản lượng và xuất khẩu, tạo cơ sở để hoàn thành kế hoạch cả năm.
Trong nuôi trồng thủy sản, không để xảy ra dịch bệnh, vật tư đầu vào, chất lượng con giống được kiểm soát; kết quả sản xuất các đối tượng chủ lực tiếp tục theo định hướng tái cơ cấu, có hiệu quả hơn, sản lượng tôm nước lợ và cá tra đều tăng so với cùng kỳ. Trong khai thác thủy sản, tiếp tục bảo đảm an toàn đối với người và tàu cá; chất lượng hải sản khai thác đã được cải thiện.
Dù vậy, theo Tổng cục Thủy sản, trong 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm triển khai các giải pháp khắc phục thẻ vàng của EU tuy đã được quan tâm thông qua các hội nghị, hội thảo của Bộ NN&PTNT và Tổng cục Thủy sản, được nhiều địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện, tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu của EU.
Những tháng cuối năm, ngành thủy sản đặt ra nhiệm vụ đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng ngành. Cụ thể, tổng sản lượng thủy sản 6 tháng cuối năm đạt 3.956,9 nghìn tấn và 5.974,1 triệu USD kim ngạch xuất khẩu.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, những tháng cuối năm, so với yêu cầu, ngành thủy sản vẫn còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt trong việc đảm bảo chỉ tiêu giá trị xuất khẩu của ngành.
Thứ trưởng lưu ý, trong nuôi tôm và cá tra, làm sao cần tăng năng suất, giảm giá thành, không sử dụng hóa chất, kháng sinh để vượt qua các hàng rào kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu. Trong nuôi tôm cần tập trung phương thức nuôi theo hướng công nghệ cao để từ đó nhân rộng các mô hình. Đặc biệt, cần quan tâm quản lý tốt khâu giống – yếu tố quan trọng để nâng cao năng suất.
Với nuôi cá tra, cần kiểm soát tốt chất lượng con giống và thị trường. Đồng thời, với mùa mưa bão đang đến gần, cần đảm bảo tránh rủi ro cho ngư dân trên biển, đồng thời, giúp ngư dân yên tâm bám biển.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị, những tháng cuối năm 2018, trong lĩnh vực khai thác, cần rà soát lại các thiết chế hạ tầng về các khu neo đậu, cảng cá,…để đưa ra những kiến nghị kịp thời. Cùng với đó, đánh giá lại tổng thể năng lực phương tiện tàu thuyền đánh bắt; năng lực chế biến. Rà soát lại kết quả điều tra các ngư trường, luồng cá di cư để đưa ra các kịch bản bổ sung, có cơ sở chiến lược cho việc hoạch định khai thác.
Trên lĩnh vực nuôi trồng, cần quan tâm đến nhân rộng các mô hình nuôi hiệu quả đến với người dân; tập trung cùng tỉnh Bạc Liêu để xây dựng khu nuôi nông nghiệp công nghệ cao về tôm, trong đó, giải quyết các khâu căn cốt về giống, thức ăn, công nghệ, chế biến để tạo ra chuỗi ngành hàng khép kín. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Ấn Độ; đồng thời quan tâm hơn đến thị trường nội địa.
Đặc biệt, trong việc tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu, cần bám sát vào Luật Thủy sản sửa đổi, xem những công việc cần làm là trách nhiệm để xây dựng nghề cá bền vững; trong đó, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng để cùng thực hiện./.
BT