Việc đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của thị trường xuất khẩu cũng như tăng cường xúc tiến thương mại được xem là các giải pháp trọng tâm để thực hiện mục tiêu trên.
Năm 2019, ngành nông nghiệp hướng tới giá trị kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 43 tỷ USD (Ảnh minh họa: QH)
Năm 2018, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đã đạt ngưỡng 40,02 tỷ USD. Đây là kết quả “kỷ lục” của ngành nông nghiệp trong nhiều năm qua, thể hiện sự nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng, bà con nông dân và sự vào cuộc, đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước cùng với các địa phương. Bước sang năm 2019, ngay từ những ngày đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra nhiệm vụ của ngành cần vươn tới con số 42-43 tỷ USD cho giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.
Trước mục tiêu trên, năm 2019, ngành nông nghiệp nhận định là một năm khó khăn, không thể chủ quan. Trong đó, bối cảnh quốc tế nhiều biến động với xung đột thương mại của các thị trường lớn, bức tranh xuất khẩu có nhiều thay đổi,…tác động lớn đến việc xuất khẩu nông sản. Một năm khó khăn nhưng mục tiêu cao hơn đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của ngành.
Phụ trách về vấn đề thị trường của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), tại buổi họp báo mới đây, ông Nguyễn Quốc Toản - Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản cho biết, việc đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của thị trường xuất khẩu là vấn đề cấp thiết của ngành, đặc biệt là yêu cầu về truy xuất nguồn gốc.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, đây là vấn đề tự thân đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu cần đáp ứng để phù hợp với tình hình. “Từ các yêu cầu của thị trường, các doanh nghiệp đã vào cuộc với vấn đề truy xuất nguồn gốc. Đó là tự sản phẩm của doanh nghiệp đã áp dụng dán tem nhãn QR code để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, minh bạch thông tin” – ông Nguyễn Quốc Toản cho hay.
Đơn cử như thị trường trọng điểm của Việt Nam là Trung Quốc, đòi hỏi về vấn đề truy xuất nguồn gốc, minh bạch hóa sản phẩm ngày càng tăng lên. Ông Toản cho rằng, đây chính là nhu cầu của chính thị trường và cũng chính là hướng đi của các doanh nghiệp trong thời gian tới cần phải làm tốt. Về phía cơ quan nhà nước, Bộ NN&PTNT có cơ quan quản lý về mặt chất lượng là đơn vị đầu mối sẽ có những giải pháp về mặt thể chế đối với vấn đề này.
Vấn đề tổ chức liên kết gắn với chế biến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính, ông Toản cho biết, năm nay, Cục Chế biến sẽ phối hợp với các doanh nghiệp, địa phương làm sao tính toán bài bản việc kết nối vùng nguyên liệu và các nhà máy chế biến. Bản thân các nhà máy chế biến cần liên kết với bà con nông dân để đảm bảo đầu vào nguyên liệu, đảm bảo đủ nguồn cung nguyên liệu và đảm bảo giá không bị thiệt cho bà con.
Theo Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn, năm 2019 giải pháp cần tập trung vào chỉ đạo trước hết là thích ứng với biến đổi của thị trường. Hiện nay, thị trường có nhiều thời cơ nhưng nếu không được tận dụng, những thời cơ này có thể sẽ trở thành những rủi ro rất nguy hại. Đồng thời, cần duy trì được thị trường tất cả các ngành hàng thông qua việc tăng cường đàm phán, hài hòa hóa những quy định đối với những thị trường chủ yếu, nhất là thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ đang chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xác định, với 43 tỷ USD, ngành định hướng giá trị xuất khẩu nông sản 21 tỷ USD, thủy sản khoảng 10,5 tỷ USD, lâm sản và đồ gỗ khoảng 10,5 tỷ USD, còn lại là các mặt hàng khác.
Trong đó, để thực hiện mục tiêu, Bộ xác định các giải pháp cần chú ý gồm: Tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, giữ ổn định các thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng các thị trường tiềm năng, hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào một số thị trường nhất định.
Nâng cao chất lượng thu thập, phân tích thông tin, dự báo thị trường, đặc biệt là những thị trường trọng điểm như: Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc,… nhằm kịp thời cảnh báo các quy định về rào cản, vấn đề phát sinh có thể gặp đối với hàng xuất khẩu.
Đặc biệt, tham gia các Hội chợ quốc tế lớn ngành nông nghiệp tại các thị trường trọng điểm (Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản) và các thị trường tiềm năng (ASEAN, Liên bang Nga, Trung Đông) để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đang có triển vọng mà Việt Nam còn dư địa mở rộng thị trường, đơn cử như: rau quả, thủy sản, gạo và sản phẩm chăn nuôi. Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu hàng nông sản, nhất là các loại nông sản chủ lực, quảng bá mạnh mẽ thương hiệu “Gạo Việt Nam”.
Song song với đó, tập trung tháo gỡ rào cản kỹ thuật, giải quyết vướng mắc sản phẩm thủy sản, trái cây, hồ tiêu…với thị trường EU. Quảng bá sản phẩm thủy sản kết hợp giải quyết các vướng mắc, rào cản đối với sản phẩm gạo, thịt lợn, sữa với thị trường Trung Quốc; thủy sản, rau quả, cà phê đối với thị trường Nhật Bản; thủy sản, cao su, trái cây đối với thị trường Hàn Quốc, tháo gỡ khó khăn về cơ chế thanh toán trong xuất khẩu sản phẩm gạo và một số nông sản khác với Châu Phi. Tháo gỡ rào cản thương mại cho sản phẩm thủy sản (tôm) tại thị trường Úc.
Ngoài ra, tăng cường công tác quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm nông thủy sản thông qua các biện pháp quản lý theo chuỗi từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến xuất khẩu, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (GAP, GMP, HACCP, ISO 22000,…). Qua đó, nâng cao chất lượng của các mặt hàng nông sản Việt Nam./.
BT