Đây là bước cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo bứt phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cùng với đó là xây dựng, triển khai các kế hoạch, chương trình để cụ thể hóa đề án về chuyển đổi số. Nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã làm chủ các công nghệ cốt lõi, phát triển nền tảng công nghệ cho chuyển đổi số. Trong lĩnh vực cải cách hành chính, khi trục liên thông văn bản quốc gia và Cổng dịch vụ công quốc gia đi vào vận hành sẽ góp phần tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng và hàng chục triệu giờ công lao động. Gần 3.000 dịch vụ công được tích hợp trên hệ thống này đã tạo ra một sự thay đổi chưa từng có nếu so sánh với việc phải đến các cơ quan hành chính như trước. Hàng ngàn cơ sở y tế khám chữa bệnh từ xa mới được kết nối, khoảng cách y tế giữa các vùng miền, giữa tuyến Trung ương và địa phương được liên thông. Ngành Giáo dục đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát, toàn Ngành đã thực hiện khá tốt việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý, giảng dạy và học tập. Những kết quả đạt được đã khẳng định, Việt Nam hoàn toàn có khả năng phát triển mạnh kinh tế số, xã hội số trong thời gian tới đây.
Tuy nhiên, mức độ chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của nước ta còn thấp. Cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế, xã hội. Việc đấu tranh với tội phạm, bảo đảm an ninh mạng còn nhiều thách thức… Đây là những thách thức đặt ra đối với quá trình chuyển đổi số quốc gia, cần phải có các giải pháp mạnh mẽ hơn nữa.
Theo các chuyên gia, để thúc đẩy chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam cần tập trung vào vấn đề chủ lực là phát triển hạ tầng số. Hạ tầng số là nền tảng căn bản để bảo đảm cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế số quốc gia, mà hiện nay hạ tầng thông tin ở nước ta cơ bản được phủ sóng 4G; khả năng tiếp cận các dịch vụ về công nghệ thông tin và tỷ lệ sử dụng các thiết bị di động ở mức khá cao so với thế giới[1]. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin nước ta còn chậm về tốc độ, chưa đáp ứng được các yêu cầu phát triển internet kết nối vạn vật (IoT), thành phố thông minh, phương tiện tự động, sản xuất thông minh… Đây là những “điểm nghẽn” trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia hiện nay. Vì vậy, các chuyên gia đề nghị, cần xây dựng cơ chế chính sách phát triển internet kết nối vạn vật; các hạ tầng về định danh số, trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số quốc gia.
Để góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, công tác tuyên truyền cần chú trọng một số nội dung sau:
Một là, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân về tầm quan trọng và các vấn đề cơ bản của chuyển đổi số. Tuyên truyền nhấn mạnh, chuyển đổi số là nhiệm vụ cần sự vào cuộc quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, triển khai xuyên suốt, đồng bộ.
Hai là, thông tin, tuyên truyền những thành tựu đạt được của chuyển đổi số quốc gia trong thời gian qua và nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Tuyên truyền để từng bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và mỗi người dân chung tay hành động để đưa chủ trương chuyển đổi số quốc gia vào cuộc sống.
Ba là, tuyên truyền nâng cao nhận thức, chuyển đổi nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, mỗi người dân, doanh nghiệp về chuyển đổi số; tầm quan trọng chuyển đổi số là tiền đề căn bản để khởi phát những đổi mới sáng tạo, góp phần thực hiện hiệu quả quá trình chuyển đổi số trong tương lai. Trí Ánh (Tổng hợp)
[1] Việt Nam đang đứng thứ 56 trên thế giới về hạ tầng số.