Những thông tin tích cực là dòng chủ lưu trong công tác tuyên truyền 

(ĐCSVN) - "Phải tăng cường những thông tin tích cực trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội, coi những thông tin tích cực là dòng chủ lưu trong công tác tuyên truyền...",
Đó là chỉ đạo của đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại Hội nghị giao ban công tác tuyên giáo sáu tháng cuối năm 2018 các tỉnh, thành ủy miền Đông Nam bộ, diễn ra sáng 28/11, tại Đồng Nai. 

Các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Võ Văn Phuông, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai đồng chủ trì hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị

Báo cáo về công tác tuyên giáo sáu tháng cuối năm 2018, định hướng nhiệm vụ năm 2019, đồng chí Võ Văn Phuông nêu rõ, thời gian qua, Ban Tuyên giáo các tỉnh đã thông tin, trao đổi kinh nghiệm trong việc tham mưu cấp ủy tổ chức học tập, tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; công tác nắm bắt dư luận xã hội, kịp thời hướng dẫn tuyên truyền, định hướng tư tưởng đối với các hoạt động, sự kiện lớn của địa phương, đất nước trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo báo chí, xuất bản, hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền miệng...

Trong đó, nổi bật là các Ban Tuyên giáo đã tích cực tham mưu cấp ủy tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện, định hướng tuyên truyền các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 7, Trung ương 8, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, kết quả thực hiện các Nghị quyết của Đảng, của cấp ủy. Kết quả đảng viên học tập Nghị quyết Trung ương 7 của các tỉnh, thành có tỷ lệ khá cao. Theo đó, nơi thấp nhất là Bà Rịa-Vũng Tàu (95,3%), nơi cao nhất là Tây Ninh (98,91%).

Đ/c Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Các Ban Tuyên giáo trong cụm Đông Nam bộ cũng tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Công tác tuyên truyền kết quả thực hiện Chỉ thị 05 được chú trọng, nhất là tuyên truyền các tấm gương điển hình tiên tiến với nhiều hình thức phong phú, tạo được lan tỏa trong xã hội, như: TP.Hồ Chí Minh chuyển tải bài viết sang video, audio nhằm thu hút bạn đọc; Đồng Nai tổ chức Hội thi tuyên truyền với chủ đề "Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên”; Long An tổ chức Hội thảo: Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác xây dựng Đảng bộ tỉnh Long An trong sạch, vững mạnh.v.v…

Công tác tuyên truyền theo đúng định hướng, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương và phục vụ cho nhiệm vụ chính trị của địa phương. Các Ban Tuyên giáo đã biên soạn hàng trăm tài liệu tuyên truyền phong phú, đa dạng, trong đó, nhiều Ban Tuyên giáo tổ chức Hội nghị Báo cáo viên, Hội thi Báo cáo viên giỏi nhằm cung cấp thông tin chính thống, đấu tranh, phản bác những luận điệu vu cáo, xuyên tạc.

Về công tác báo chí, đến nay, Ban Tuyên giáo sáu tỉnh: Lâm Đồng, Bình Phước, Long An, Bà Rịa- Vũng Tàu, Ninh Thuận, Đồng Nai đã tích cực tham mưu cấp ủy triển khai thực hiện Kết luận số 23 của Ban Bí thư về tăng cường chỉ đạo, quản lý, phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Công tác điều tra, nắm bắt dư luận xã hội được các Ban Tuyên giáo quan tâm hơn, kịp thời nắm nhiều thông tin về tình hình tư tưởng, tâm trạng xã hội đối với các vấn đề nổi cộm trên địa bàn để tham mưu cấp ủy, chính quyền chỉ đạo giải quyết. Các Ban Tuyên giáo cũng tiếp tục tổ chức định kỳ các Hội nghị Báo cáo viên, giao ban khối khoa giáo, báo chí, an ninh tư tưởng, cộng tác viên dư luận xã hội để nắm tình hình và định hướng tuyên truyền.

Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành cũng đã tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội, bảo tồn di sản, quảng bá địa phương theo đúng định hướng với nhiều hình thức phong phú, phục vụ nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hóa, văn nghệ của nhân dân.

Đồng thời, các tỉnh, thành đều đẩy mạnh hơn việc chống “diễn biến hòa bình”. Theo đó, tỉnh Tây Ninh, Lâm Đồng, Ninh Thuận đã tham mưu triển khai Nghị quyết số 29 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng và Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị về Chiến lược an ninh mạng quốc gia…

Về công tác lịch sử: Tiếp tục thực hiện tọa đàm, nghiên cứu, biên soạn, thẩm định, giáo dục lịch sử, truyền thống cho cán bộ, đảng viên, nhân dân. Đến nay đã có bốn tỉnh là Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng tham mưu triển khai Chỉ thị 20 của Ban Bí thư “Về tiếp tục nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”…

Tuy nhiên, theo đồng chí Võ Văn Phuông, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn hạn chế trong công tác tuyên giáo, đó là: một số nội dung tham mưu cho cấp ủy vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; việc tham mưu sơ kết, tổng kết một số Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng còn chậm, có khi chất lượng chưa cao. Một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cơ sở chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của văn hóa, văn nghệ nên chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên. Thái độ học tập nghị quyết ở một số cán bộ, đảng viên chưa thật sự nghiêm túc. Công tác tuyên truyền Nghị quyết của Đảng trong nhân dân còn hạn chế; công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về các lĩnh vực của công tác tuyên giáo chưa thường xuyên…

Đại biểu Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội nghị

Nêu vấn đề và kiến nghị để công tác tuyên giáo được triển khai tốt hơn trong thời gian tới, các đại biểu đã đóng góp nhiều giải pháp phù hợp với thực tế, đó là cần sớm tổ chức đánh giá kết quả 10 năm triển khai thực hiện Quyết định 185-QĐ/TW, ngày 3/9/2008 của Ban Bí thư về chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện và có định hướng cho mô hình hoạt động trong tình hình mới. Đồng thời sớm ban hành tài liệu mới và hướng dẫn về thực hiện chương trình Sơ cấp lý luận chính trị; chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên các cấp. Tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý định hướng các cơ quan báo chí do Trung ương quản lý, yêu cầu đưa thông tin khách quan, kịp thời, tránh suy diễn, gây bức xúc trong xã hội; xử lý nghiêm, dứt điểm, và có kiểm tra sau xử lý đối với các cơ quan báo chí có sai phạm.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề xuất, cần kịp thời cung cấp thông tin liên quan chủ trương, quan điểm, nghị quyết, chỉ thị, những vấn đề thời sự nóng, nổi cộm để kịp thời định hướng tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đồng thời, cần quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể công tác khoa giáo hàng năm, chú trọng công tác sơ kết, tổng kết các mặt công tác khoa giáo, giúp Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy xác định rõ hơn nhiệm vụ, giải pháp công tác này…

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã chỉ ra những kết quả đạt được cũng như những hạn chế, tồn tại trong công tác tuyên giáo của các tỉnh, thành phố trong khu vực Đông Nam bộ. Cũng theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, thời gian qua, công tác tuyên giáo của các tỉnh ủy, thành ủy khu vực Đông Nam bộ có tiến bộ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác tuyên giáo trong tình hình mới. Công tác tuyên giáo đã chủ động đi trước, mở đường trong thông tin, định hướng dư luận xã hội, khắc phục dần tình trạng đi theo, chạy theo và nói lại.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị, ngành tuyên giáo các địa phương cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả, để công tác tuyên giáo đóng góp xứng đáng vào công tác xây dựng Đảng và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để làm được điều này, phải làm tốt công tác giáo dục lý luận chính trị, tuyên truyền phổ biến đường lối, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng và Nhà nước. Rà soát việc triển khai thực hiện các nghị quyết chuyên đề, chỉ thị, kết luận về công tác tuyên giáo được thực hiện như thế nào, hiệu quả ra sao ở từng địa phương.

Ngoài ra, phải tăng cường những thông tin tích cực trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội, coi những thông tin tích cực là dòng chủ lưu trong công tác tuyên truyền. Đồng thời tăng cường đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch. Đối với công tác báo chí, đồng chí đề nghị, ngành tuyên giáo các địa phương cần chỉ đạo sâu sát hơn, cơ quan báo chí nào viết sai sự thật, có những vi phạm nghiêm trọng sẽ kiên quyết xử lý, đình bản kể cả báo điện tử và báo in./.

Tin và ảnh: K.V

302 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 958
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 958
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87081896