Trồng hoa cúc ở huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: K.V)
Dù mùa mưa năm 2018 đã kết thúc từ tháng 10 nhưng những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trời nhiều mây, ít nắng, xuất hiện nhiều cơn mưa lớn khiến người trồng hoa không khỏi lo lắng. Làng hoa Mỹ Tho đã xuống giống dứt điểm vụ hoa tết năm 2019. Theo Phòng Kinh tế TP. Mỹ Tho, năm nay Làng hoa Mỹ Tho xuống giống trên 1,1 triệu giỏ hoa các loại, tăng khoảng 25.000 giỏ so với năm 2018, trồng tập trung ở xã Mỹ Phong, xã Tân Mỹ Chánh và phường 9. Hoa cúc chiếm đa số với trên 80%, còn lại là các loại vạn thọ, mào gà, cát tường…
Các hộ trồng hoa cho biết, thời gian gần đây, mưa liên tục và sương mù làm cây hoa cúc dễ bị nhiễm bệnh, cộng với tình trạng cúc mâm xôi có dấu hiệu trổ bông sớm sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng hoa sau này. Cũng do mưa kéo dài nên người trồng chưa phát hiện được bệnh ngay. Khi nắng trở lại vài ngày mới có thể thấy bệnh trên cây hoa biểu hiện rõ hơn. Nếu thời tiết cứ thay đổi thất thường như thời gian này, khi thì mưa kéo dài, khi thì nắng gắt, cây hoa dễ bị vàng lá, thối rễ nếu xử lý không tốt.
Ông Đinh Ngọc Tùng, Trưởng phòng Kinh tế TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang cho biết, trước tình hình mưa trái mùa trong những ngày qua, đơn vị đã cử cán bộ xuống các ruộng hoa để nắm tình hình. Bước đầu ghi nhận, làng hoa không ảnh hưởng nhiều do thời tiết bất lợi. Tuy nhiên, đây là thời điểm rất nhạy cảm với các loại hoa nên người trồng phải đặc biệt quan tâm chăm sóc để cây ra hoa đúng và đẹp ngay dịp Tết.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, sản phẩm hoa cảnh năm nay có sự ổn định và đa dạng về mẫu mã, nhiều phân khúc về giá cả, đảm bảo phục vụ thị trường từ bình dân đến cao cấp. Trong đó, tập trung vào các mặt hàng truyền thống, nhiều nhất là hoa treo và hoa nở khoảng 4,5 triệu sản phẩm. Các chủng loại như mai vàng, tắc kiểng, bông giấy ổn định từ 900 ngàn - 1,5 triệu sản phẩm mỗi loại, còn lại là các chủng loại kiểng thú, kiểng xanh, kiểng bon sai, kiểng cây ăn trái.
Cuối năm, thời tiết có nhiều biến động, mưa trái mùa làm hoa cảnh phục vụ thị trường Tết chịu nhiều ảnh hưởng bất lợi. Các loại hoa nở nhạy cảm, khó tính như cúc mâm xôi, vạn thọ hay cây mai vàng đang đối mặt với nguy cơ sâu bệnh, nở sớm. Để ứng phó với mưa trái mùa, nhiều nhà vườn ở huyện Chợ Lách, thủ phủ của cây giống, cây hoa cảnh của tỉnh Bến Tre đã đầu tư hệ thống kỹ thuật như làm nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tự động để cây hoa cảnh đảm bảo chất lượng cho vụ mùa lớn nhất trong năm này.
Để giữ vững thương hiệu cũng như giảm thiệt hại từ yếu tố thời tiết bất thường, người dân trồng hoa huyện Chợ Lách đang dần chuyển đổi sang ứng dụng khoa học kỹ thuật và trồng trọt, sản xuất bài bản, tập trung hơn. Hiện tại, trước tình hình thời tiết cuối năm có những cơn mưa và kỳ hạn mặn đang bắt đầu, ngành chức năng huyện khuyến cáo bà con nông dân không được chủ quan, cần có dự trữ nước ngọt để tưới; đồng thời, kê cao giàn hoa, làm thoáng gốc, chăm sóc kỹ cây hoa, kiểng, kỳ vọng một vụ mùa hoa cảnh Tết bội thu, chất lượng.
Theo ông Hồ Thanh Sơn, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Chợ Lách, năm nay, tại các thị trường hoa cảnh Tết truyền thống như ở TP. Bến Tre, các điểm chợ hoa xuân tại TP. Hồ Chí Minh như Quận 2, Quận 4, Quận 8, chợ Bình Điền đã hoàn tất việc đăng ký lô để bà con bán trong dịp Tết, ổn định như mọi năm. Bên cạnh đó, ngành chức năng huyện đã chủ động liên hệ với thị trường ở TP. Biên Hòa, Đồng Nai để đăng ký mua lô cho bà con, giúp bà con an tâm buôn bán.
Tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, những ngày qua, trên địa bàn xảy mưa rào và dông, tình hình thời tiết này được đánh giá là có tác động bất lợi đối với các loại hoa cảnh đang vào vụ Tết. Ông Nguyễn Ngọc Vinh, ở Gia Kiệm, Thống Nhất, Đồng Nai cho hay, thời tiết mưa nhiều thời gian qua là nguy cơ khiến cây hoa nở dễ sinh bệnh, nhất là đối với cây mai và các loại hoa nở như cúc mâm xôi, vạn thọ. Do có sự hướng dẫn của các ngành chuyên môn, ông và các hộ trồng hoa ở Gia Kiệm đã tiến hành kê cao giàn chậu hoa, làm cho thoáng gốc, đồng thời phun thuốc ngừa sâu bệnh và chăm sóc kỹ, sử dụng phân bón có nhiều Kali để tăng sức chống chịu của cây.
Trên địa bàn phường Thới An, quận 12, TP. Hồ Chí Minh có hàng chục hộ trồng hoa Tết. Sau cơn bão số 9 vừa qua, và nhất là những trận mưa trái mùa gần đây, rất nhiều hoa bị chết do ngập úng khiến hộ trồng hoa thiệt hại khá nặng. Còn tại địa bàn xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn hiện cũng có trên chục hộ trồng hoa Tết bị thiệt hại. Để có tiền đầu tư trồng hoa Tết, nhiều gia đình đã phải vay mượn từ nhiều nguồn, do đó, khi gặp phải thời tiết bất lợi họ như "ngồi trên đống lửa". Không chỉ các hộ trồng hoa cúc, hoa thược dược, mào gà… lo lắng, mưa nhiều cũng làm cho các hộ trồng mai đứng ngồi không yên. Chỉ cần một vài trận mưa trái mùa là cây mai chờ đón Tết nở rộ vàng cả vườn.
Theo các chủ vườn mai ở TP. Hồ Chí Minh, thời tiết năm nay ban đầu khá thuận lợi, nên việc chăm sóc cây mai tiến triển tốt, các gốc mai phát triển nhanh. Tuy nhiên, cách đây ít ngày, tại khu vực này xuất hiện nhiều cơn mưa trái mùa khiến nhiều cây mai có hiện tượng phát triển không như theo tính toán. Nếu như các vườn mai chờ dịp Tết hiện mới bung nở mà giờ đã có hiện tượng phát triển đột biến sẽ làm cho công sức, tiền bạc suốt cả năm trời chăm sóc mai của bà con bị tổn thất. Để giúp bà con trồng hoa phục vụ dịp Lễ, Tết sắp tới, ngành chức năng của TP. Hồ Chí Minh đã cử người xuống hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc hoa, cây cảnh, phòng trừ sâu bệnh khi có sự thay đổi bất thường của thời tiết, qua đây phần nào giúp bà con tránh được thiệt hại và yên tâm sản xuất./..
K.V