Khoa học công nghệ sát cánh cùng các ngành, địa phương 

(ĐCSVN) - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh khẳng định, trong giai đoạn gần đây, bám sát tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, ngành KH&CN đã sát cánh cùng các ngành, địa phương để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

 

 


Ảnh minh họa. Nguồn: Bộ KH&CN

 Bộ trưởng cho biết, nếu như trước đây, KH&CN thường dùng khẩu hiệu “gắn với kinh tế - xã hội”, thì hiện nay KH&CN đã tập trung vào hoàn thiện cơ chế, chính sách theo yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội để giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn của các ngành, lĩnh vực. Sự chuyển hướng từ chính sách có thể thấy trong tinh thần các Nghị quyết và sự chỉ đạo của Chính phủ đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.

Theo đó, các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương, các viện nghiên cứu, trường đại học phải tập trung cao độ nâng cao năng lực của doanh nghiệp để có thể cạnh tranh thông qua vũ khí là KH&CN. Trên cơ sở của chính sách, KH&CN đã chuyển dịch mạnh theo hướng bám sát để phát triển các sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực, các chuỗi sản xuất trong nông nghiệp, công nghiệp với sự tham gia của toàn bộ đội ngũ KH&CN.

Bên cạnh những thuận lợi, Bộ trưởng cũng trăn trở về việc thiếu bóng các “trưởng ngành”, thiếu nhà khoa học đầu ngành đảm nhiệm các nhiệm vụ trọng điểm Nhà nước. Để khắc phục tình trạng này, vừa qua, Bộ KH&CN cũng tập trung cao độ những chính sách thiết thực nhất trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Theo đó, đã có gần 100 nhóm nghiên cứu từ các quốc gia trên thế giới cùng phối hợp với các nhóm nghiên cứu trong nước, sẵn sàng đem công nghệ từ các quốc gia tiên tiến để chung sức giải quyết các vấn đề của thực tiễn trong nước.

Theo Bộ trưởng, có rất nhiều giải pháp thiết thực đã được triển khai trong thời gian gần đây, tạo điều kiện huy động nguồn lực của toàn xã hội cho KH&CN mà tín hiệu phấn khởi nhất là gần đây, đã xuất hiện các viện nghiên cứu tư nhân huy động được các nhà khoa học tài năng từ nước ngoài về làm việc, cùng chung sức phát triển khoa học nước nhà, phát triển lực lượng khoa học trong nước.

Nhấn mạnh KH&CN Việt Nam có vị trí so với thế giới, Bộ trưởng đã nêu đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới thông qua xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam hiện đang ở vị trí dưới 50, điểm số xếp hạng cao hơn nếu so với trung bình của các chỉ số khác liên quan đến lĩnh vực kinh tế.

Và để có được kết quả nêu trên thì không chỉ là nỗ lực của riêng ngành KH&CN mà còn là sự song hành của các chính sách đầu tư, chính sách kinh tế. Tuy nhiên so với kỳ vọng thì cần thêm rất nhiều sự chung tay của tất cả các ngành, các địa phương để cùng với cộng đồng khoa học tiếp tục triển khai những nhiệm vụ, giải pháp và kế hoạch của ngành KH&CN trong những chặng đường sắp tới.

Bộ trưởng cũng cho biết, trong năm qua, Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi đã được Quốc hội thông qua với tinh thần, tất cả các dự án đầu tư xây dựng mới sẽ được điều chỉnh chặt chẽ bởi Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, để có phân cấp, điều chỉnh và sửa đổi cụ thể, đảm bảo không có nguy cơ công nghệ lạc hậu trong giai đoạn tiếp theo.

Ngoài ra, theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&CN đảm nhận thêm 2 vai trò: Một là làm sao chủ động được nguồn lực trong nước, đặc biệt các dự án mà người Việt Nam làm tổng thầu; thí điểm một số dự án đã cho phép sự tham gia của cộng đồng khoa học và doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hai là, Chính phủ cũng giao Bộ KH&CN phối hợp với các bộ nghiên cứu hướng sử dụng tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện sản xuất ra vật liệu xây dựng phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam.

Trên thực tế, nhiều kết quả ban đầu đạt được khá tốt như: Dự án DAP Đình Vũ đã nghiên cứu sử dụng tối đa tro, xỉ, thạch cao, thay thế đất sét và làm phụ gia để sản xuất xi măng, từ đó sản xuất vật liệu xây dựng thay thế nhập khẩu (công suất khoảng 700 nghìn tấn/năm).

Đề cập đến việc kiểm soát an toàn hạt nhân và chất thải phóng xạ, Bộ trưởng KH&CN cho biết, Bộ đã phối hợp với cơ quan chức năng đánh giá lại công nghệ của phế liệu nhập khẩu đầu vào làm nguyên liệu sản xuất.

Ngoài ra, Bộ KH&CN cũng tiến hành rà soát, quản lý chặt chẽ hoạt động kiểm tra chất lượng trên toàn lãnh thổ, phối hợp với Bộ TN&MT có danh sách các nhà nhập khẩu, danh sách doanh nghiệp sản xuất. Đồng thời, Bộ đã chỉ đạo Sở KH&CN tại địa bàn phối hợp với Sở TN&MT và cơ quan chức năng rà soát, phát hiện trên địa bàn để đánh giá và kịp thời có biện pháp xử lý.

“Với việc ứng phó nguy cơ phóng xạ hạt nhân, trên cơ sở tham mưu của Bộ KH&CN, Thủ tướng đã phê duyệt mạng lưới quan trắc phóng xạ và mạng lưới quản lý sự cố. Mạng lưới này đã triển khai được 05 điểm tại Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Phòng và Hà Nội và kết nối online về Bộ. Năm sau, mạng lưới này sẽ được mở rộng ra một số tỉnh. Hiện Thủ tướng đã phê duyệt kế hoạch ứng phó quốc gia và 45 tỉnh, thành phê duyệt kế hoạch ứng phó của địa phương”, Bộ trưởng cho biết./.

Bích Liên

353 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 498
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 499
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 85481431