Hội thảo diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của đại biểu trong nước và quốc tế (Ảnh: P.V)
Đây là yêu cầu được chỉ ra tại Hội thảo về bảo lãnh thông quan do Tổng cục Hải quan phối hợp với Cục quản lý giám sát bảo hiểm, Liên minh tạo thuận lợi thương mại (GATF) cùng các đơn vị liên quan tổ chức diễn ra ngày 5/4 tại Hà Nội.
Theo đó, nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, nhiều Hiệp định thương mại tự do song phương hoặc đa phương được ký kết, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh công tác cải cách, hiện đại hóa, cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của Việt Nam mở rộng thị trường, tiếp cận được thị trường khu vực và toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết chỉ đạo phải đơn giản hóa, điện tử hóa thủ tục, rút ngắn thời gian, chi phí thực hiện giao dịch thương mại qua biên giới, các Bộ, ngành đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu để đảm bảo đạt được mục tiêu đến năm 2020 môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh đạt mức trung bình ASEAN 3, trong đó thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới là dưới 36 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu và dưới 41 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu.
Để đạt được mục tiêu nêu trên, một trong những yêu cầu được đặt ra là Việt Nam cần thực hiện quyết liệt cải cách, đổi mới áp dụng phương pháp quản lý phù hợp tạo thuận lợi thương mại, thông quan nhanh chóng, trong đó việc áp dụng cơ chế bảo lãnh thông quan của một số nước phát triển trên thế giới như: Mỹ, Canada, Hàn Quốc,… sẽ giúp Việt Nam tiếp cận dần với nhóm các nước phát triển, hướng đến quốc gia có môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh trong tốp 3 nước đứng đầu Đông Nam Á.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018 về “Phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018 - 2020”, Tổng cục Hải quan đã đề xuất Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ xây dựng Đề án kèm Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cơ chế bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để trình Quốc hội xem xét thông qua.
Việt Nam sẽ triển khai thành 3 giai đoạn (Ảnh: P.V)
Tại Hội thảo, Tổng cục Hải quan khẳng định, qua nghiên cứu kinh nghiệm triển khai của Hệ thống bảo lãnh thông quan đã phát triển qua rất nhiều thập kỷ. Sơ nguyên ban đầu được được sử dụng để bảo đảm nghĩa vụ nộp các khoản thuế phí của nhà nhập khẩu – cho đến nay chức năng này vẫn được tiếp tục. Bảo lãnh thông quan sẽ đảm bảo cho tất cả các nghĩa vụ của nhà nhập khẩu xuyên suốt toàn bộ quá trình nhập khẩu hàng hoá, bao gồm cả hoạt động kiểm tra sau thông quan và các thanh kiểm tra khác để xác định tính chính xác của mã HS hay tính phù hợp của giấy chứng nhận xuất xứ - là những yếu tố có thể dẫn đến mức thuế tăng thêm. Ngay cả trong trường hợp nếu nhà nhập khẩu biến mất hoặc mất khả năng thanh toán cho CBP, công ty bảo hiểm sẽ đứng ra thanh toán theo bảo lãnh. Nghĩa vụ chấm dứt khi CBP thanh lý tờ khai nhập khẩu. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật Việt Nam, việc bảo lãnh thông quan chỉ được sử dụng trong trường hợp người khai hải quan đã hoàn thành thủ tục hải quan nhưng được tổ chức tín dụng bảo lãnh về số tiền thuế phải nộp (bao gồm hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuế và hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất) hoặc tiền phạt theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hải quan. Như vậy, về phạm vi bảo lãnh ở Việt Nam còn rất hạn chế so với các nước, mới chỉ áp dụng trong việc bảo lãnh nộp tiền thuế, tiền phạt và chỉ có các ngân hàng thương mại được đứng ra bảo lãnh; việc áp dụng mô hình bảo lãnh tương tự như Hoa Kỳ, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ,… sẽ đáp ứng các yêu cầu về tạo thuận lợi thương mại, đơn giản hoá thủ tục, cắt giảm kiểm tra chuyên ngành, đẩy nhanh tốc độ thông quan, giải phóng hàng hoá, đồng thời nhằm nâng cao tính tuân thủ pháp luật về thương mại, hạn chế rủi ro cho cơ quan quản lý, tránh thất thu ngân sách.
Để tránh ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, quy trình thủ tục hải quan và chính sách quản lý của các Bộ, ngành, việc triển khai dự kiến chia thành 03 giai đoạn: (1) Thí điểm (dự kiến 02 năm 2021 - 2022); (2) Mở rộng (2022 - 2023) và (3) Chính thức (dự kiến từ 2024).
Hà Anh