Tuyên truyền kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, nhiệm vụ, giải pháp năm 2024 

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị vừa ban hành Hướng dẫn tuyên truyền kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, nhiệm vụ, giải pháp năm 2024. Theo đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị các cơ quan, địa phương, đơn vị tập trung tuyên truyền các nội dung trọng tâm sau:

Thứ nhất, cần làm rõ những khó khăn, thách thức của bối cảnh, tình hình thế giới, khu vực và trong nước năm 2023; từ đó khẳng định sự sáng suốt, đúng đắn, nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước

 Từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp; cạnh tranh chiến lược nước lớn, xung đột Nga - Ukraine ngày càng gay gắt, gần đây xảy ra xung đột tại Dải Gaza; kinh tế toàn cầu và nhiều quốc gia, đối tác tăng trưởng chậm lại; lạm phát neo ở mức cao dẫn đến nhiều nền kinh tế lớn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao. Nợ công toàn cầu tăng mạnh, nhiều quốc gia phải đối mặt với khủng hoảng nợ. Các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro; hoạt động xuất, nhập khẩu bị thu hẹp. Tác động của đại dịch Covid - 19 kéo dài; an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh mạng gặp nhiều thách thức; thiên tai, biến đổi khí hậu gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong nước, tình hình kinh tế - xã hội và kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tuy nhiên, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ngày càng khó khăn hơn, do: Nền kinh tế nước ta chịu “tác động kép” từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm bộc lộ rõ hơn trong khó khăn. Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi; quy mô còn khiêm tốn, trong khi độ mở lớn; khả năng cạnh tranh và sức chống chịu từ các cú sốc bên ngoài còn hạn chế, nên chịu áp lực rất lớn từ lạm phát và sự biến động mạnh của giá một số mặt hàng cơ bản, dầu thô trên thị trường quốc tế. Hoạt động xuất, nhập khẩu gặp nhiều khó khăn, thách thức do suy giảm nhu cầu ở các thị trường quốc tế, nhất là những đối tác lớn, trong khi nhiều nước gia tăng tiêu chuẩn, hàng rào mới về kỹ thuật đối với xuất, nhập khẩu, một số chuỗi cung ứng bị gián đoạn, áp lực cạnh tranh từ các nước trong khu vực và Châu Á tăng. Dịch bệnh, thiên tai, hạn hán, bão lũ diễn biến phức tạp, gây nặng nề ở nhiều địa phương.

 Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, Đảng vẫn luôn khẳng định vai trò lãnh đạo, chỉ đạo sự phát triển kinh tế đất nước, nhất là trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ liên quan đến việc quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Sự lãnh đạo kinh tế của Đảng được ghi nhận và thể hiện thông qua cương lĩnh, chiến lược trong các văn kiện Đại hội, các nghị quyết chuyên đề cụ thể hóa các chỉ tiêu Đại hội Đảng đề ra, trong đó có các nghị quyết quan trọng đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội đất nước ở các kỳ họp Trung ương, các nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội 06 vùng chiến lược; Kết luận số 42-KL/TW, Kết luận số 46-KL/TW của Bộ Chính trị…

Quốc hội đã cụ thể hóa sự lãnh đạo của Đảng qua nhiều nghị quyết, tiêu biểu như: Nghị quyết số 68/2022/QH15; số 69/2022/QH15; số 70/2022/QH15, số 101/2023/QH15 … Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực, nhất là việc thực hiện đồng bộ các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác nhằm ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; chỉ đạo rà soát; hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách; trực tiếp làm việc với các địa phương để tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc.

Các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển kinh tế - xã hội được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sát sao, trong đó có các nội dung quan trọng, như: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng xanh, bền vững; đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng các quy hoạch; kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công ở các địa phương; xử lý các ngân hàng yếu kém, các dự án, doanh nghiệp thua lỗ đã kéo dài nhiều năm; tháo gỡ những vấn đề phức tạp phát sinh như trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, cung ứng năng lượng, vật tư, thuốc chữa bệnh, in sách giáo khoa; thực hiện tốt các chính sách phát triển văn hóa, xã hội, người có công, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; các nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; đối ngoại và hội nhập quốc tế…

Thứ hai, khẳng định kết quả đạt được trên lĩnh vực kinh tế - xã hội năm 2023 là sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương; sự ủng hộ, tham gia tích cực của các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế

* Tập trung tuyên truyền những kết quả nổi bật của đất nước

 Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân giảm dần qua hàng tháng. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định. Kim ngạch xuất nhập khẩu duy trì xu hướng tháng sau tăng hơn tháng trước. An ninh năng lượng (điện, xăng, dầu), lương thực, thực phẩm được bảo đảm, thị trường lao động phục hồi nhanh, cơ bản đáp ứng yêu cầu. Các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi, phát triển ngày càng tích cực hơn, trong đó tăng trưởng và phát triển ổn định, là điểm sáng và là bệ đỡ chắc chắn của nền kinh tế trong lúc khó khăn.

 Công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được chỉ đạo và triển khai quyết liệt. Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được đẩy mạnh; tập trung điều tra, xử lý dứt điểm nhiều vụ án, vụ việc do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo, theo dõi, góp phần củng cố và tăng cường niềm tin trong Nhân dân và toàn xã hội vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

 Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh; xếp hạng môi trường kinh doanh tăng. Công tác quy hoạch đẩy nhanh. Các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh ở 06 vùng trọng điểm được triển khai quyết liệt. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược được tập trung thực hiện; khởi công nhiều dự án giao thông lớn, trọng điểm; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số; các chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng, hướng tới hoàn thành các mục tiêu cam kết tại Hội nghị COP26 được triển khai. Phát triển nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp và phát triển các ngành, lĩnh vực mới được chú trọng; hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia được phát triển mạnh mẽ; một số cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên bảng xếp hạng uy tín quốc tế. Các lĩnh vực văn hóa được chú trọng phát triển đồng bộ và toàn diện; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân; thực hiện kịp thời các chính sách người có công; trợ giúp xã hội; bảo đảm an sinh xã hội; tạo việc làm; giảm nghèo; trẻ em; đồng bào dân tộc, tôn giáo … Công tác phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân tiếp tục được chú trọng; đã tập trung xử lý, khắc phục cơ bản tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế; công tác khám chữa bệnh thông thường được khôi phục, đáp ứng yêu cầu tốt hơn.

 Kỷ luật, kỷ cương từng bước được chấn chỉnh đi đôi với phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; tiếp tục hoàn thiện bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, có cơ cấu hợp lý và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với cải cách hành chính. Chấn chỉnh một bộ phận cán bộ, công chức đùn đẩy, sợ trách nhiệm, thiếu tích cực trong thực thi công vụ, đề cao tinh thần bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

 Ổn định chính trị, độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả.

* Tập trung tuyên truyền tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh Quảng Trị

-  Những kết quả nổi bật: Năm 2023, năm thứ ba thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; thương mại và đầu tư toàn cầu sụt giảm. Trong nước, trong tỉnh, nhiều khó khăn, thách thức từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm bộc lộ rõ hơn... ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống Nhân dân. Với sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân[1], cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh; sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương; tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2023 của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực: Nền kinh tế của tỉnh tiếp tục phục hồi, tăng trưởng. Trong 09 chỉ tiêu chủ yếu đề ra[2], có 07/09 chỉ tiêu đạt và vượt[3]; 02/09 chỉ tiêu chưa đạt[4]. Tốc độ tăng trưởng GRDP cả năm đạt 6,68%; GRDP bình quân đầu người đạt 70,97 triệu đồng/người. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục có chuyển biến tích cực, tốc độ tăng trưởng đạt 5,41%; năng suất, sản lượng của hầu hết các loại cây trồng, vật nuôi đều tăng; sản lượng lương thực có hạt đạt trên 30 vạn tấn, vượt 15,38% chỉ tiêu kế hoạch. Các chương trình mục tiêu Quốc gia được quan tâm chỉ đạo thực hiện[5]. Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp đạt 7,95%[6], trong đó, ngành công nghiệp năng lượng tái tạo tiếp tục được quan tâm kêu gọi đầu tư phát triển[7]. Thương mại dịch vụ từng bước phục hồi, tốc độ tăng trưởng đạt 6,41%[8]. Quảng Trị vừa được Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050[9]. Các dự án trọng điểm được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là công tác giải phóng mặt bằng[10]. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được củng cố phát triển, đạt kết quả rõ nét, nhất là tổ chức thành công các ngày lễ kỷ niệm lớn và được đánh giá cao[11]. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách người có công, bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Đời sống Nhân dân được cải thiện tốt hơn. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,2%. Chất lượng khám, chữa bệnh tiếp tục được cải thiện. Lĩnh vực lao động, việc làm chuyển biến tích cực.

Quốc phòng, an ninh, đối ngoại được củng cố và tăng cường, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, công tác dân tộc, tôn giáo được bảo đảm. Hoàn thành xuất sắc diễn tập khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự tỉnh năm 2023.

- Những khó khăn, hạn chế: Thu ngân sách nhà nước và tổng vốn đầu tư toàn xã hội, giải ngân đầu tư công[12] đạt thấp so với kế hoạch; môi trường và khả năng hấp thụ vốn còn hạn chế. Công tác giải phóng mặt bằng vẫn khó khăn, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm[13]; một số vướng mắc về thủ tục đầu tư, vật liệu san lấp… chậm được tháo gỡ. Các dự án trọng điểm của tỉnh[14] tiến độ còn chậm. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư nước ngoài kết quả chưa cao. Một số quy hoạch tiến độ triển khai chậm[15]. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Thứ ba, phân tích thời cơ, thách thức, dự báo những yếu tố tác động đến nền kinh tế đất nước và của tỉnh; làm sâu sắc các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2024

Tập trung làm rõ một số nội dung sau:  Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, những yếu tố bất định gia tăng; cạnh tranh chiến lược các nước lớn gay gắt hơn; xung đột Nga – Ukraine có thể còn kéo dài; tăng trưởng kinh tế và một số mặt hàng cơ bản, dầu thô biến động mạnh; rủi ro về nợ công và các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản ở nhiều quốc gia còn hiện hữu; các yếu tố an ninh truyền thống và phi truyền thống, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến nhiều quốc gia, trong đó có nước ta.

 Trong nước, tăng trưởng kinh tế dự báo tiếp tục phục hồi tích cực; nhiều dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia được đưa vào khai thác; tình hình chính trị - xã hội - kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định. Tuy nhiên, khó khăn còn rất lớn, tác động của những yếu tố bất lợi bên ngoài rất hiện hữu và những hạn chế, bất cập, yếu kém nội tại kéo dài của nền kinh tế phải rất nỗ lực để vượt qua. Các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Kết luận số 64-KL/TW, ngày 18/10/2023 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII về kinh tế - xã hội năm 2023 - 2024; Nghị quyết số 103/2023/QH15, ngày 09/11/2023 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và các văn bản chỉ đạo thường xuyên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

 Chương trình hành động của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, ngày 01/01/2024 của Chính phủ; Kết luận số 497-KL/TU, ngày 29/11/2023 của Tỉnh ủy; Nghị quyết số 99/2023/NQ-HĐND, ngày 07/12/2023 của HĐND tỉnh và Nghị quyết số 06-NQ/BCSĐ, ngày 02/01/2024 của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và các chỉ tiêu cụ thể về kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2024.

Thứ tư, tiếp tục tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực kinh tế - xã hội

Các nghị quyết ban hành trong năm 2023 và nghị quyết các Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) năm 2024; Chương trình (Kế hoạch) hành động thực hiện nghị quyết Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của các cấp, các ngành, các địa phương.  Quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước; quan điểm, mục tiêu, giải pháp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hình mới, nhất là những nội dung liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước, của tỉnh thể hiện trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 34-NQ/TW ngày 9/1/2023; Kết luận số 53-KL/TW, ngày 28/4/2023; Kết luận số 57-KL/TW, ngày 15/6/2023; Kết luận số 59-KL/TW, ngày 8/8/2023; Nghị quyết về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 8 khóa XIII… Các hoạt động đối ngoại lớn của Đảng, Nhà nước ta, các hoạt động ngoại giao nhân dân tiêu biểu; vai trò và sự tham gia giải quyết những vấn đề quốc tế; kết quả và sự nỗ lực thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.

 Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông chính sách mới; tuyên truyền nội dung các kỳ họp của Quốc hội, HĐND tỉnh, các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, UBND tỉnh triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ năm. phản ánh thực tiễn triển khai đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội

 Sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở bộ, ngành, địa phương; kết quả thực hiện các Chương trình (Kế hoạch) hành động thực hiện các Nghị quyết.

 Phản ánh khách quan, toàn diện, thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đạt được qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; làm rõ những bài học kinh nghiệm được rút ra, các nhiệm vụ, giải pháp được bổ sung từ đánh giá kết quả nửa nhiệm kỳ và năm 2023 nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu của cả nhiệm kỳ 2020 - 2025.

 Đẩy mạnh tuyên truyền phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, cổ vũ, biểu dương nhân tố mới và nhân rộng mô hình mới, cách làm hay, điển hình tiên tiến trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc về tình hình kinh tế - xã hội; quan điểm, đường lối phát triển kinh tế - xã hội đất nước của Đảng, Nhà nước ta.

Thông qua công tác tuyên truyền các kết quả đạt được của năm 2023, tạo sự phấn khởi, tin tưởng, thống nhất trong toàn Đảng và các tầng lớp Nhân dân; cổ vũ ý chí quyết tâm, khắc phục khó khăn, phát huy nội lực thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 - năm có ý nghĩa quyết định để hoàn thành Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Lệ Thu

 

[1] Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức nhiều phiên làm việc với các sở, ngành, địa phương để tập trung định hướng, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Qua đó, ban hành trên 40 thông báo kết luận về lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh; HĐND tỉnh đã ban hành 116 nghị quyết, trong đó có 29 nghị quyết quy phạm pháp luật; UBND tỉnh và các sở ban ngành cấp tỉnh, các địa phương đã tích cực làm việc, tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương để huy động nguồn lực tập trung thúc đẩy phát triển.

[2] Tại Kết luận số 372-KL/TU, ngày 06/12/2022.

[3] Chỉ tiêu đạt: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,68% (kế hoạch 6,5 – 7%); Tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về nông thôn mới: 73/101, đạt 72,3%, đạt kế hoạch; Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,15%, đạt kế hoạch; Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,2% (kế hoạch từ 1 - 1,5%), đạt kế hoạch; Tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 49,8% (kế hoạch từ 49,7 -  49,8%), đạt kế hoạch. Chỉ tiêu vượt: Chỉ tiêu về thu nhập bình quân đầu người  70,97 triệu/người (kế hoạch 67 – 69 triệu đồng/người); chỉ tiêu tạo việc làm mới thực hiện được: 13.245/12.000, vượt 10,4% so với kế hoạch.

[4] Chỉ tiêu chưa đạt: Thu ngân sách nhà nước ước thực hiện được 3800 tỷ đồng/4.050 tỷ đồng, đạt 93,8% kế hoạch; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện được 24.220 tỷ đồng/27.000 tỷ đồng, đạt 89,7% kế hoạch.

           [5] Hiện đã có 69/101 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 68,3%; trong đó có 09 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; bình quân tiêu chí toàn tỉnh là 14,58 tiêu chí/xã (hiện nay bình quân toàn quốc là 16,9 tiêu chí/xã). Dự kiến đến cuối năm 2023, sẽ có 74/101 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm tỷ lệ 73,26%), trong đó có 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (chiếm tỷ lệ 11,8%). Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội được chỉ đạo triển khai đồng bộ; đã kịp thời thực hiện các chính sách hỗ trợ chương trình; triển khai thực hiện 02 dự án lĩnh vực y tế (Dự án Đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Quảng Trị, 09 Trung tâm y tế tuyến huyện và 07 trạm y tế tuyến xã, tỉnh Quảng Trị có 09 dự án thành phần và 01 dự án lĩnh vực giao thông (dự án Đường tránh phía Đông thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị- đoạn từ nút giao đường Nguyễn Hoàng đến Nam cầu sông Hiếu).

           [6] Trong đó, ngành khai khoáng tăng 1,15%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,88%; sản xuất và phân phối điện tăng 21,7%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,9%

          [7] Dự kiến đến hết năm 2023, có thêm 02 dự án điện gió đưa vào vận hành thương mại với tổng công suất 60MW; 10 dự án tổng công suất 394MW dự kiến đưa vào vận hành giai đoạn 2024 - 2025.

 [8] Tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 30.704 tỷ đồng, tăng 15,1% so với năm 2022 và đạt 95,9% kế hoạch.

[9] Quyết định số 1737/QĐ-TTg, ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

[10] Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 24/3/2023 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Thành lập Ban Chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng tỉnh. Kết quả giải phóng mặt bằng của dự án Khu công nghiệp Quảng Trị đã đạt 99,25%, phấn đấu khởi công trong tháng 12/2023; dự án cao tốc Cam Lộ - Vạn Ninh: Đã bàn giao mặt bằng đạt 76,33%; dự án Cảng Mỹ Thủy giai đoạn 1 đã giải phóng mặt bằng đạt 85%, phấn đấu khởi công vào đầu năm 2024; dự án Cảng hàng không Quảng Trị đã phê duyệt FS, hồ sơ mời thầu và đến nay đã mở thầu.

[11] Lễ hội Thống nhất non sông và Khai trương mùa du lịch Quảng Trị năm 2023; Lễ kỷ niệm 50 năm ngày ra mắt Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Tổ chức kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Khe Sanh - giải phóng huyện Hướng Hóa gắn với Liên hoan nghệ thuật quần chúng “Rừng xanh vang tiếng Ta Lư” tỉnh Quảng Trị, lần thứ V - năm 2023; Kỷ niệm 50 năm ngày Chủ tịch Cuba Fidel Castro thăm vùng giải phóng tỉnh Quảng Trị (tháng 9/1973 - tháng 9/2023); Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Đoàn Khuê (29/10/1923-29/10/2023) và các hoạt động kỷ niệm khác.

[12] Tính đến ngày 31/10/2023, kết quả giải ngân của tỉnh Quảng Trị đạt 48,77%  so với số vốn được giao

[13] Nhất là công tác giải phóng mặt bằng dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9 đoạn từ ngã tư Sòng đến Cửa Việt

[14] Dự án Khu công nghiệp Quảng Trị, Đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông – Tây, Cảng biển Mỹ Thủy; Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9 đoạn từ Cửa Việt đến Quốc lộ 1…

[15] Điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị; điều chỉnh quy hoạch chung Khu Thương mại đặc biệt Lao Bảo; Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các quy hoạch vùng huyện, quy hoạch đô thị…

455 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 803
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 803
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87049251