Di sản văn hóa - Nguồn lực phát triển đất nước 

Nhằm phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, trong thời gian qua, Đảng, Chính phủ đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện1 các mục tiêu, nhiệm vụ trên lĩnh vực văn hóa và đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân.

Đại hội X, XI, XII, XIII, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trong sự nghiệp phát triển đất nước. Văn hóa ngày càng được đề cao trong các mối quan hệ xã hội, các lĩnh vực hoạt động, xây dựng văn hóa con người ở thời kỳ mới. Đặc biệt, sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về “phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam” - lần đầu tiên xuất hiện trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng - đã khẳng định, các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, bản sắc văn hóa Việt Nam và sức mạnh con người Việt Nam đã trở thành cội rễ của sức mạnh mềm văn hóa dân tộc, là sức mạnh nội sinh, là nguồn lực và động lực to lớn của đất nước trong phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Trong những năm qua, song song với việc xây dựng hành lang pháp lý, Chính phủ đã hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng cho các địa phương trên cả nước để bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích. Công tác xã hội hóa hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích cũng đạt được những hiệu quả tích cực, đã huy động được nguồn vốn không nhỏ từ các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng và nguồn vốn viện trợ của UNESCO, các tổ chức chính phủ, phi chính phủ cho bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích.

Cùng với đó, thời gian qua, các di sản văn hóa phi vật thể cũng được sưu tầm nghiên cứu, phục dựng, trao truyền và tổ chức trình diễn, trực tiếp nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở và phát triển kinh tế - xã hội cộng đồng cư dân tại địa phương. Nhiều nhóm cộng đồng tham gia một cách chủ động, có ý nghĩa và tự nguyện để bảo vệ di sản văn hóa. Sự tham gia một cách tích cực và có ý nghĩa của cộng đồng vào việc bảo vệ di sản không chỉ thể hiện ở con số thống kê2, mà còn ở chính sự tâm huyết với di sản, khao khát truyền dạy di sản cho thế hệ sau, sự tự nguyện đầu tư công sức, tiền của cho việc trùng tu tôn tạo và bảo vệ di sản văn hóa...

Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, xã hội về di sản văn hóa và sự ghi danh của UNESCO đối với các di sản văn hóa của Việt Nam không chỉ khẳng định sự đặc sắc của văn hóa dân tộc mà còn là cơ sở để hy vọng vào sự phục hồi và tồn tại một cách bền vững của các di sản văn hóa, cũng như sự đồng hành của di sản văn hóa và phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa, hiện đại hóa hiện nay.

Đối với tỉnh Quảng Trị, có một hệ thống di sản văn hóa khá phong phú, đồ sộ và độc đáo với với hơn 500 di tích đã được xếp hạng các cấp, bao gồm 4 di tích quốc gia đặc biệt, 20 di tích quốc gia và 476 di tích cấp tỉnh. Những năm qua, công tác bảo tồn, gìn giữ di sản văn hóa được tỉnh chú trọng nhằm phát huy giá trị văn hóa trong đời sống và tạo điều kiện cho du lịch phát triển bền vững.

Ngày 07/12/2017, tại Hàn Quốc, Hội nghị lần thứ 12 của Ủy ban Liên Chính phủ UNESCO về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể đã chính thức ra Nghị quyết đưa “Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam” vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Sau khi được UNESCO ghi danh, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định số 1899/QĐUBND ngày 17/8/2018 về việc ban hành Đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2018-2023 với tổng nguồn kinh phí 1,8 tỉ đồng.

Trong thời gian qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Quảng Trị như: tiến hành kiểm kê, số hóa di sản nghệ thuật Bài chòi; tổ chức truyền dạy, đào tạo cho thế hệ trẻ về kỹ năng thực hành di sản nghệ thuật Bài chòi.

Nghiên cứu ban hành chính sách tạo điều kiện, môi trường cho các nghệ nhân, câu lạc bộ và cộng đồng thực hành di sản nghệ thuật Bài chòi; tổ chức khai thác di sản Bài chòi phục vụ phát triển văn hóa và du lịch, tuyên truyền, quảng bá di sản nghệ thuật Bài chòi. Trong đó công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với công tác bảo vệ, phát huy di sản nghệ thuật Bài chòi ở Quảng Trị được thực hiện và đạt kết quả tốt.

Đến nay ở hầu hết các địa phương trong tỉnh đều có các Câu lạc bộ, hội chơi Bài chòi như ở các làng Tùng Luật, làng Cổ Mỹ xã Vĩnh Giang; làng Đơn Duệ, xã Vĩnh Hòa; xã Trung Nam (huyện Vĩnh Linh); làng Ngô Xá Thanh Lê, xã Triệu Trung (huyện Triệu Phong); làng Hà Thượng, thị trấn Gio Linh; xã Hải Thái (huyện Gio Linh); xã Hải Lệ (thị xã Quảng Trị)…

Ngoài di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam trên địa bàn tỉnh Quảng Trị” đã được vinh danh, Quảng Trị còn có nhiều di sản có giá trị đặc sắc như “Nghệ thuật trình diễn dân gian Hò giã gạo tỉnh Quảng Trị” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nhiều lễ hội truyền thống, lễ hội cách mạng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như Lễ hội chợ Đình Bích La, Lễ hội Cầu Ngư, Lễ hội Thống nhất non sông, Lễ hội hoa đăng trên sông Thạch Hãn, Lễ hội A riêu ping của đồng bào Pa Kô…Đây chính là sản phẩm văn hóa tinh thần được kết tinh từ trong quá trình sống, lao động, xây dựng, chiến đấu, bảo vệ và phát triển của con người Quảng Trị, là nguồn tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn mạnh mẽ và từng bước trở thành sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của địa phương.

Ngoài 4 di tích quốc gia đặc biệt thuộc loại hình di tích lịch sử, tỉnh Quảng Trị còn có 4 bảo vật quốc gia (Hai bức Phù điêu lá nhĩ Trà Liên, Tượng Uma Dương Lệ và Trống đồng Trà Lộc). Những năm qua, với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước cũng như từ các nguồn xã hội hóa, các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh đã từng bước được đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp và phát huy giá trị. HĐND tỉnh cũng đã ban hành 2 nghị quyết chuyên đề về bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa.

Xác định công tác bảo tồn, tôn tạo di tích và trên cơ sở lợi thế của hệ thống di tích lịch sử chiến tranh cách mạng mang tính độc đáo, riêng có của tỉnh, Quảng Trị gắn công tác đầu tư bảo tồn, tôn tạo di tích với công tác phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và tiến tới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị.

Theo đó, có 3 di tích quốc gia đặc biệt: Thành Cổ Quảng Trị, Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh, Di tích Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải đã được đầu tư tu bổ, tôn tạo với hàng trăm tỉ đồng, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ du lịch phát triển. Các di tích lịch sử, di sản văn hóa đang ngày càng góp phần quan trọng vào sự phát triển du lịch nói riêng, KT-XH của tỉnh nói chung.

Trên thực tế, giá trị của các di sản không chỉ góp phần làm dày hơn, phong phú, đa dạng hơn kho tàng văn hóa đậm đà bản sắc, mà còn có thể trở thành một động lực, góp phần vào sự tăng trưởng KTXH của tỉnh. Để di sản văn hóa thực sự trở thành sản phẩm thế mạnh của du lịch địa phương, bên cạnh việc đầu tư cho công tác bảo tồn, tôn tạo di tích, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh ưu tiên, tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, xây dựng được các sản phẩm đặc trưng, hấp dẫn, song song với đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất phục vụ du lịch.

Mặc dù mảnh đất Quảng Trị phải chịu nhiều cuộc tàn phá của chiến tranh và thiên tai nhưng với ý thức gìn giữ và bảo tồn từ bao đời nay của các thế hệ người Quảng Trị, để hôm nay khi tìm lại kho báu văn hóa vật thể, phi vật thể, chúng ta có thể tự hào và khẳng định đây là một gia tài di sản văn hoá truyền thống khá đồ sộ và vô cùng quý báu, bởi nó khá nhiều về số lượng, phong phú về loại hình, độc đáo về nội dung và hình thức mà các thế hệ cha ông đã lưu truyền lại cho hậu thế./. Phan Văn Lãn

1. Ngày 24/02/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg về việc lấy ngày 23/11 hàng năm là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam”. Ngày 21/9/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2017/NĐ-CP Quy định về bảo vệ và quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới có ý nghĩa đối với cộng đồng xã hội và quốc tế...

2. Số lượng các di tích được trùng tu, tôn tạo, số lượng câu lạc bộ nghệ thuật được thành lập, số lượng người tham gia thực hành di sản...

88 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1237
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1237
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87113885