Nguyễn Ái Quốc vừa là Tổng Biên tập, vừa là phóng viên, viết rất nhiều tin bài cho tờ báo, hầu hết đều không ký tên hoặc bút danh. Người vẽ cả tranh phê bình, châm biếm cho tờ báo. Ngoài Nguyễn Ái Quốc còn có các cộng sự tích cực là các đồng chí Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Trương Vân Lĩnh.. Báo đảm trách nhiệm vụ cơ bản là tuyên truyền tôn chỉ và mục đích của Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội; thông qua những bài viết để trình bày có hệ thống một số vấn đề cơ bản về đường lối chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam, về lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin. Ngoài ra, Báo còn kêu gọi đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước ra sức đoàn kết chiến đấu chống chủ nghĩa đế quốc, giành lại độc lập dân tộc.
Trong những số đầu tiên, báo Thanh niên nhấn mạnh về sự đoàn kết nội bộ, nhờ đó mà đoàn thể có sức mạnh và những cá nhân trong đoàn thể làm việc hiệu quả hơn. Đồng thời, báo cũng kích thích tinh thần độc lập dân tộc và lòng ái quốc mà người Việt Nam lúc bấy giờ ấp ủ, chờ cơ hội để thể hiện, hành động. Trong những số tiếp theo, tờ báo giúp bạn đọc nhìn nhận về tình hình thế giới, đặc biệt là những chuyển biến vừa xảy ra tại các cường quốc và Việt Nam. Các tác giả bài viết và ban biên tập báo đều cố gắng sử dụng những từ ngữ bình dân quen thuộc để chuyển tải tới bạn đọc từ thực trạng Việt Nam đến lý thuyết cách mạng, cộng sản. Báo Thanh niên được phát hành cho người Việt sống ở phía Nam Trung Quốc, một phần chuyển về lưu hành ở Việt Nam và một phần khác được gửi tới các trung tâm phong trào yêu nước của người Việt ở nước ngoài (Pháp, Nga, Thái Lan…). Báo ra đều đặn được 88 số (kỳ) sau đó, báo xuất bản thêm được hàng trăm kỳ nữa, nhưng khoảng cách thời gian giữa các kỳ không đều và lưu hành cũng bí mật hơn vì bị mật thám Pháp theo dõi cùng sự trấn áp gắt gao của chính quyền sở tại. Các kỳ báo cuối cùng không được in trên giấy sáp mà xuất bản dưới hình thức những trang đánh máy.
Báo Thanh niên được chuyển về nước bằng nhiều con đường bí mật, giữ vai trò lịch sử đặc biệt quan trọng, mở đầu cho việc tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa cách mạng theo quan điểm Mác - Lênin, viết bằng quốc ngữ Việt Nam, được phổ biến rộng khắp trong tầng lớp thanh niên, công nhân, nông dân… nhằm chuẩn bị tư tưởng, lý luận chính trị và tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Với ý nghĩa đó, ngày 21/6/1985, nhân kỷ niệm 60 năm ngày xuất bản tờ báo Thanh niên đầu tiên, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quyết định lấy ngày 21/6 hàng năm vinh dự là “Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam”. Ngày 21-6-2000, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi Ngày Báo chí Việt Nam là Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Đăng Khoa