Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh văn hóa là:“Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”[1]. Khái niệm văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra đã khái quát nội dung rộng nhất của phạm trù văn hóa, bao hàm các hoạt động vật chất và tinh thần của con người cùng với các giá trị mà con người sáng tạo ra nhằm đáp ứng lẽ sinh tồn, đồng thời cũng là mục đích sống của loài người, là nguồn gốc, động lực sâu xa của văn hóa.
C. Mác đã từng phân tích: “Lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bằng lực lượng vật chất, nhưng lý luận cũng có thể trở thành lực lượng vật chất một khi nó thâm nhập vào quần chúng”. Văn hóa cũng vậy, khi đã thấm vào quân chúng thì sẽ trở thành sức mạnh vô biên. Một trong những biểu hiện là sức mạnh của văn hóa con người Việt Nam qua các cuộc chiến tranh ái quốc và sự nghiệp xây dựng đất nước hôm nay.
Lịch sử dân tộc Việt Nam 4000 năm thì có đến 1234 năm chống giặc. Hơn 12 thế kỷ để lo chiến đấu, lo tự vệ... so với chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của đất nước quả là một khoảng thời gian không ngắn, nếu không nói quá dài so với sức chịu đựng của một dân tộc. Chủ tịch Phi đen Cat-Xtơrô trong một lần thăm Việt Nam đã nói: "Tôi đã đọc lịch sử, từ trước đến nay chưa từng có cuộc chiến tranh nào mà một nước nhỏ, kinh tế lạc hậu như Việt Nam mà vẫn đánh thắng Pháp và Mỹ. Đây là vô song trên thế giới, chưa từng có, trong lịch sử chưa từng thấy"[2]. Cũng mạch cảm xúc này, nhà văn Nguyên Ngọc, trong tuỳ bút "Đường chúng ta đi" đã rất sâu sắc khi viết "Không biết có nơi nào nữa trên trái đất quyền làm người được bảo vệ bằng nhiều máu đến vậy không? Giá như chúng ta minh hoạ lịch sử dân tộc thì không có trang nào, dòng nào mà không phải vẽ thanh gươm tự vệ và tô đậm một màu máu".
Chiến tranh đã lùi xa, hai năm nữa chúng ta sẽ kỷ niệm 50 năm ngày đại thắng và cũng chừng ấy thời gian các nhà nghiên cứu, chính khách, nhà nghiên cứu quân sự cứ day dứt mãi câu hỏi “Vì sao Việt Nam Thắng Mỹ” mà chưa có câu trả lời đúng nghĩa.
Trong cuốn “Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam” của tướng Mac Namara, cựu Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, “kiến trúc sư” của công trình hàng rào điện tử Macnamara trên đất Quảng Trị đã viết “Chúng ta không hiểu văn hóa Việt Nam”. Thiết nghĩ, một tướng Mỹ, người cùng với lãnh đạo nước Mỹ trong suốt 21 năm, với cuồng vọng nghiền nát lực lượng cách mạng ở miền Nam và đẩy lùi miền Bắc trở lại thời kỳ đồ đá, đã tung vào nước ta một đội quân viễn chinh hơn 60 vạn tên gồm quân Mỹ và quân của 5 nước chư hầu cộng với hơn một triệu quân ngụy. Riêng về quân Mỹ, có lúc chúng huy động cao nhất tới 68 % bộ binh, 60% lính thủy đánh bộ, 32% lực lượng không quân chiến thuật, 50% lực lượng không quân chiến lược. Nếu tính cả số quân đóng ở nước ngoài tham chiến ở Việt Nam thì chúng đã sử dụng hơn 80 vạn quân Mỹ và trong suốt cuộc chiến tranh đã động viên tới 6 triệu lượt binh sỹ Mỹ, ném xuống đất nước Việt Nam tới 7 triệu 850 nghìn tấn bom và tiêu tốn hơn 352 tỉ đô-la. Vậy mà kết cục vẫn thất bại, khi khẳng định Mỹ không hiểu gì văn hóa Việt Nam, điều đó nói lên sức mạnh của văn hóa.
Hiển nhiên, chúng ta không đợi tướng Mac Namara nói mà chúng ta cũng đã thấy rằng văn hóa chống giặc của cha ông ta như một luồng gió mạnh đã động viên, cuốn hút mọi người từ trẻ đến già ra trận với quyết tâm “còn cái lai quần cũng đánh” với một ý chí “không có gì quý hơn độc lập tự do”.
Để văn hóa trở thành mục tiêu, động lực của sự phát triển; phát huy sức mạnh văn hóa vấn đề đặt ra là phải làm tốt công tác thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển văn hóa, xây dựng con người trong đổi mới và phát triển bền vững.
Theo đó, các cấp ủy, tổ chức đảng xác định phát triển văn hóa và xây dựng con người là một nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong nhận thức và hành động phải luôn xác định văn hóa là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển nhanh và bền vững của địa phương. Chấn chỉnh, khắc phục thái độ xem nhẹ việc xây dựng và đấu tranh trên lĩnh vực văn hóa.
Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa và xây dựng con người với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, từng ngành, từng cấp; phát huy năng lực, trách nhiệm người đứng đầu trong việc phát triển văn hóa, xây dựng con người của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị mà Đại hội XVII của Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Trí Ánh
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2011, t.3, tr. 458.
[2] Dẫn theo Trung tướng Hồng Cư (Văn hoá Quân sự số 37 tháng 7-2008).