Hội thảo đã tập trung chia sẻ các vấn đề liên quan đến ngành dệt may nói chung
(Ảnh:K.D)
Hội thảo đã tập trung chia sẻ các vấn đề liên quan đến ngành dệt may nói chung và triển vọng xuất khẩu dệt may năm 2018 và những năm tiếp theo; những điều chỉnh của chuỗi giá trị dệt may và các vấn đề đối với doanh nghiệp dệt may Việt Nam trong bối cảnh mới; dự báo tình hình xuất khẩu dệt may Việt Nam và cạnh tranh xuất khẩu dệt may, xác định những vấn đề của xuất khẩu dệt may Việt Nam trong giai đoạn tới…
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2016, Việt Nam đạt được những kết quả tích cực trong việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch của năm. Trong sự phát triển chung đó, ngành dệt may đã có phần đóng góp đáng kể: năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành (gồm mặt hàng: xơ, sợi dệt, hàng dệt may, vải mành và vải kỹ thuật khác) đạt 28,1 tỷ USD, tăng 3,3% so với năm 2015; nhập khẩu dệt may là 17 tỷ USD, tăng 2,7% so với năm 2015; tỷ lệ giá trị gia tăng của hàng dệt may là 51,3%, tăng 0,3% so với năm 2015.
Trong 9 tháng năm 2017, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 23 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ, nhập khẩu đạt 14 tỷ USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ; tỷ lệ giá trị gia tăng của hàng dệt may là 50,1%, giảm 2,4% so với cùng kỳ. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong năm 2017 có thể đạt 31 tỷ USD, tăng trên 10% so với năm 2016.
Như vậy, có thể thấy, dệt may là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu cao nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Trần Thanh Hải do phương thức sản xuất chủ yếu là gia công cho các đơn hàng nước ngoài nên tỷ lệ giá trị gia tăng không cao. Một trong những điểm yếu hiện nay là chưa phát triển được chuỗi cung ứng dệt may, và đây là nguyên nhân chính làm cho ngành dệt may có giá trị gia tăng thấp so với nhiều nước trên thế giới.
Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cũng cho rằng, trong suốt hơn một thập kỷ qua, xuất khẩu hàng hóa luôn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam. Trong đó, dệt may là lĩnh vực luôn ghi được dấu ấn đầy ấn tượng. Năm 2016, tuy không đạt mục tiêu đề ra nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 23,8 tỷ USD, tăng 4,5% so với 2015.
Ông Phạm Tất Thắng bàn luận nhiều về triển vọng xuất khẩu 2018 và khả năng tham gia chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu của dệt may Việt Nam và nhấn mạnh, để có thể hội nhập quốc tế, nâng cao giá trị gia tăng trong từng sản phẩm, từng lô hàng của dệt may xuất khẩu cần phải thực hiện ngay những giải pháp “đi bằng hai chân” với nhiều biện pháp đồng bộ.
Hội thảo cũng ghi nhận những sáng kiến, ý kiến đóng góp quý báu cho việc hoàn thiện các chính sách hỗ trợ sự phát triển bền vững của ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh mới của hội nhập và Cách mạng Công nghiệp 4.0./.
Kim Dung