Hội nghị thu hút đông đảo doanh nghiệp tham dự (Ảnh: K.D)
Tại hội nghị, các tham luận đã cùng chia sẻ thực tế ứng dụng doanh nghiệp số tại Việt Nam; những thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh kinh doanh thay đổi, hướng đến cạnh tranh toàn cầu.
Các ý kiến đều cho rằng, Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động hết sức mạnh mẽ, làm thay đổi sâu sắc phương thức sản xuất, quản trị xã hội, dịch vụ, thương mại… làm cho cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp với nhau mang đậm màu sắc công nghệ hiện đại hơn so với trước rất nhiều. Sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường trong nước trong thời gian qua thể hiện rất rõ giữa các doanh nghiệp truyền thống và các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới.
Do đó, nếu không chủ động doanh nghiệp sẽ phải chấp nhận thua ngay trên sân nhà khi làn sóng đầu tư nước ngoài vào nhiều lĩnh vực ngày càng mạnh. Điểm mấu chốt của Cách mạng Công nghiệp 4.0 chính là việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, đẩy mạnh tự động hóa, từ đó kéo theo sự dư thừa công nhân và lao động. Và hệ lụy là các quốc gia sẽ đối diện với những thách thức trong vấn đề an ninh, an sinh do vấn nạn thất nghiệp gây ra.
Ông Henry Nguyễn Hữu Thái Hòa – Chuyên gia cao cấp, Giám đốc Trung tâm Khoa học tư duy CTS – Bộ Khoa học Công nghệ chia sẻ, tác động của kỹ thuật số trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ khiến các cỗ máy làm việc thay thế con người nên thế mạnh về nhân công rẻ không còn là thế mạnh của Việt Nam. Theo đó, nhiều nước sẽ đưa nhà máy tại các nước nhân công giá rẻ về nước, trong đó không loại trừ Việt Nam. Vì thế, các nước có nhân công giá rẻ đang đứng trước một loạt thách thức về lao động việc làm.
PGS. TS Nguyễn Văn Nam - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cũng cho rằng, Cách mạng Công nghiệp 4.0 mở đầu 1 thời kỳ mới, là cơ hội gần như duy nhất để quốc gia kém phát triển đuổi kịp các quốc gia phát triển. "Lực lượng chủ lực khởi nghiệp sẽ là các doanh nghiệp số. Họ là doanh nghiệp đi đầu ở Việt Nam. Tuy nhiên, lực lượng doanh nghiệp phải được tổ chức lại, có tiếng nói và Chính phủ có chính sách thiết thực để hỗ trợ. Nếu cứ lẽo đẽo công nghiệp hóa thì ta vĩnh viễn đi sau"- PGS. TS Nguyễn Văn Nam nhấn mạnh.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng bên cạnh những khó khăn, Việt Nam đã có những yếu tố quan trọng là tiền đề cho việc làm chủ công nghệ trong cuộc cách mạng lần thứ 4 này như: tỷ lệ dân số và doanh nghiệp sử dụng Internet cao - khoảng 54% dân số vào năm 2016, đứng thứ 5 ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương; tỉ lệ dân số sử dụng điện thoại thông minh đạt 55%. Bên cạnh đó, ngành công nghệ thông tin đang có sự phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng lên đến 16%. Việt Nam cũng đang đứng trong Top5 nước tăng trưởng công nghệ thông tin nhanh nhất thế giới.
“Nếu biết tận dụng những lợi thế trên, chúng ta sẽ phát triển mạnh mẽ. Ngược lại, nếu không biết tận dụng Việt Nam sẽ rơi vào bẫy tụt hậu về kinh tế... "- ông Nguyễn Hữu Thái Hòa chia sẻ thêm./.
Kim Dung