“Vọng" giữa mùa mưa bão 

(HQ Online) - Họa sĩ Trần Thế Vĩnh sinh ra và lớn lên ở làng Phúc Lộc, xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Sau khi tốt nghiệp trường THPT chuyên Lê Quý Đôn - Quảng Trị, Trần Thế Vĩnh thi vào Đại học Mỹ thuật Huế để theo đuổi ước mơ cầm cọ. Hiện nay, Trần Thế Vĩnh là một gương mặt họa sĩ trẻ rất được yêu mến tại TPHCM.
<img data-cke-saved-src="https://haiquanonline.com.vn/stores/news_dataimages/anhntp/102020/22/16/in_article/0531_8-_3520_vong.jpg?rt=20201022160533" src="https://haiquanonline.com.vn/stores/news_dataimages/anhntp/102020/22/16/in_article/0531_8-_3520_vong.jpg?rt=20201022160533" class="__img_mastercms mastercms_lazyload" alt="“Vọng" giữa="" mùa="" mưa="" bão"="" border="0" title="“Vọng" style="margin: 0px; padding: 0px; box-sizing: border-box; border: none; vertical-align: middle; max-width: 100%; overflow: hidden; width: 678px; height: auto !important;">
Trang bìa tập sách “Vọng”.

Vài năm gần đây, họa sĩ Trần Thế Vĩnh say sưa vẽ tranh chân dung các tài danh nước Việt. Tập sách “Vọng” gồm 51 chân dung người nổi tiếng trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục của Việt Nam của họa sĩ Trần Thế Vĩnh, đã được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành cách đây không lâu.

Ban đầu, họa sĩ Trần Thế Vĩnh chỉ có ý định vẽ để bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình đối với các bậc tài danh. Thế nhưng, càng vẽ thì Trần Thế Vĩnh càng đam mê: “Ngày nào tôi cũng vẽ, và thường vẽ vào buổi chiều đến đêm khuya. Vẽ cần sự tĩnh lặng bên trong lẫn bên ngoài và cùng với đó là sự nhập tâm. Dù trước lúc ấy, tôi đã đọc và nghiên cứu nhiều tác phẩm của họ, hiểu thơ ca và tư tưởng, nhưng khi vẽ, tôi quên mọi ngôn ngữ ấy đi để tập trung vào ngôn ngữ của chính mình”

Họa sĩ Trần Thế Vĩnh đã bỏ công tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của các tài danh để mỗi bức tranh bộc lộ đúng thần thái nhân vật. Trong 51 chân dung, chỉ có họa sĩ Vĩnh Phối là thầy dạy của Trần Thế Vĩnh, còn những người khác thì anh chưa có cơ hội gặp gỡ bao giờ. Vì vậy, bên cạnh mỗi chân dung, họa sĩ Trần Thế Vĩnh cũng ghi thêm cảm nhận riêng của mình về bậc tiền bối bằng tất cả sự tôn kính.

Sau khi tập sách “Vọng” ra mắt, nhiều người khuyên họa sĩ Trần Thế Vĩnh tổ chức triển lãm, nhưng anh cứ chần chừ. Tuy nhiên, khi bão lụt liên tục ập xuống miền Trung, trong đó quê nhà Quảng Trị của họa sĩ Trần Thế Vĩnh cũng bị ảnh hưởng nặng nề, nên anh quyết định trưng bày 51 bức tranh tại Mai House Saigon Hotel. Họa sĩ Trần Thế Vĩnh thổ lộ: “Tôi chỉ là một gã trai tha hương, chẳng có gì đáp ta ân tình quê nhà. Tôi hy vọng triển lãm “Vọng” sẽ được công chúng đón nhận, và tôi sẽ dùng số tiền bán tranh để ủng hộ cứu trợ thiên tai cho đồng bào Quảng Trị”.

Triển lãm “Vọng” của họa sĩ Trần Thế Vĩnh giúp công chúng có dịp chiêm ngưỡng chân dung các tài danh Việt Nam trong thế kỷ 20, từ Tuệ Sỹ, Nguyễn Hiến Lê, Trần Đức Thảo, Bùi Giáng, Phan Khôi, Phạm Công Thiện cho đến Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Gia Trí, Đoàn Chuẩn, Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh…

Họa sĩ Trần Thế Vĩnh năm nay 34 tuổi, quan niệm: “Vẽ chân dung là một chủ đề cơ bản của bất cứ ai khi bước chân vào nghiệp họa sĩ. Nhưng cái khó nhất của vẽ chân dung là lấy được thần thái của nhân vật. Khi bạn nhìn thấy ánh mắt Bùi Giáng trông như mắt thật, ấy chính là linh hồn tranh. Phải nghiên cứu về họ, đọc về họ, thấu cảm với họ, tôi mới có thể vẽ họ sống động như thế theo cách riêng của mình.

Phần sáng tạo của chân dung nằm ở bút pháp, bạn có thể thấy những “nét phá”, tưởng chừng như linh tinh trong tranh, lại là cái đặc biệt và đắt nhất của tác phẩm. Để đạt được điều đó, người nghệ sĩ phải biết buông, biết chấm, biết phá và biết thả. Đó chính là bản lĩnh.

Cũng có thể gọi đây là cách vẽ theo trực giác. Trực giác không có nghĩa là cảm giác suy đoán, phán đoán không cần cơ sở nào, mà là nhận thức mang tính trừu tượng. Người nghệ sĩ thường sở hữu trực giác quyết liệt, họ vẽ bằng trực giác ấy và lấy đó làm cơ sở tạo nên phong cách riêng của mình”.

Với tư cách đồng nghiệp, họa sĩ Lương Lưu Biên nhận định về triển lãm “Vọng” của họa sĩ Trần Thế Vĩnh: “Hầu hết chân dung Trần Thế Vĩnh vẽ đều đạt đến những sắc thái sinh động, chân thật này, cộng với bút pháp khoáng đạt, linh hoạt, người xem thích thú với những cá tính sáng tạo khác biệt và mạnh mẽ được thể hiện. Đồng thời, sự tung tẩy của những vệt sơn cũng làm giảm đi độ chuẩn xác chi tiết, gây cảm giác xóa nhòa của thời gian, mang tính gợi ý hay tạo ra những khoảng trống để một lần nữa đến lượt người xem sẽ tự mình lấp đầy bức tranh một cách tự do bằng những cảm xúc và hiểu biết riêng tư của họ với nhân vật được vẽ. Họ sẽ như lần đầu được gặp lại những người quen đã xa cách lâu ngày với đầy tình cảm qua tác phẩm các nhân vật để lại”.

Tuy Hòa

213 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 792
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 792
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87061502