“Tuyên ngôn Độc lập” - văn kiện lịch sử, áng văn bất hủ 

(ĐCSVN) - Cách đây 73 năm, ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình, Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt quốc dân đồng bào đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 02/9/1945.
(Ảnh: Tư liệu)

Bản Tuyên ngôn Độc lập ngắn gọn nhưng chứa đựng những nội dung bất hủ, không chỉ có giá trị lịch sử đối với dân tộc Việt Nam, mà còn có ý nghĩa thời đại.

“Tuyên ngôn Độc lập” - Áng văn lập quốc vĩ đại, là văn kiện có giá trị cao về tư tưởng, lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình, với hình ảnh vị Cha già của dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh cất lời tuyên bố dõng dạc với quốc dân, đồng bào và nhân dân thế giới, vẫn như vang vọng khắp không gian, khắc ghi sâu đậm trong tim mỗi người lời tuyên ngôn: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!” “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”.

Tuyên ngôn Độc lập là bản “Thiên cổ hùng văn”, kết tinh truyền thống lịch sử kiên cường, bất khuất của dân tộc ta, là bản anh hùng ca mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập, tự do và góp phần làm phong phú về quyền tự quyết của các dân tộc trên thế giới - quyền độc lập, tự do. Tuyên ngôn Ðộc lập đã kết thúc với một quyết tâm sắt đá: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Bản Tuyên ngôn chính thức chỉ ra một chính quyền cách mạng mới của nhân dân Việt Nam được xây dựng và trưởng thành theo đúng ý nguyện của mọi tầng lớp nhân dân và cả dân tộc Việt Nam. Tuyên ngôn Độc lập khẳng định ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi và đồng thời là triết lý nhân sinh vĩnh hằng của dân tộc Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát hiện “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Tuyên ngôn Độc lập là sản phẩm của sự kết hợp các giá trị của truyền thống anh hùng, bất khuất và ý chí độc lập dân tộc của Việt Nam với sứ mệnh cao cả của giai cấp vô sản được đề cập trong Tuyên ngôn Đảng Cộng sản (năm 1848). Nó thể hiện rõ nét cách mạng Việt Nam là một bộ phận hữu cơ của cách mạng thế giới và giai cấp vô sản Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời của giai cấp vô sản thế giới, có sứ mệnh lịch sử cao cả và vĩ đại là giải phóng dân tộc và nhân loại.

Bản Tuyên ngôn còn cho thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh có tầm nhìn xa về sự phát triển của lịch sử, có những dự báo thiên tài về tương lai của cách mạng cũng như quá trình hội nhập sâu rộng của cách mạng Việt Nam vào phong trào cách mạng thế giới. Tuyên ngôn Độc lập cũng là áng văn chính luận giàu chất trí tuệ, chứa đựng những tư tưởng cao đẹp, giàu giá trị nhân bản. Không khô khan, lý trí mà giàu cảm hứng, không bi lụy, cảm thương, mà có giọng điệu hùng tráng quyết đoán, uyển chuyển, thuyết phục.

Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp soạn thảo và công bố trước toàn thể nhân dân Việt Nam và thế giới cho thấy trí tuệ sắc sảo và lỗi lạc của Người. Đây là kết quả của một quá trình tư duy khoa học độc đáo và thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đó càng khẳng định rõ ràng và nhất quán một chân lý hết sức giản dị nhưng có tầm khái quát cao là: Tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cũng như trí tuệ sắc sảo của Người mãi mãi soi sáng đường chúng ta đi.

Khẳng định giá trị “Tuyên ngôn Độc lập” trong Lời giới thiệu tập 4, cuốn Hồ Chí Minh toàn tập của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia: “Mở đầu tập 4 là kiệt tác Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tổng kết những giá trị chung của nhân loại trong cuộc đấu tranh vì quyền bình đẳng thiêng liêng của các dân tộc và tiến trình đấu tranh vì nền độc lập của nhân dân Việt Nam. Tuyên ngôn Độc lập là áng văn lập quốc vĩ đại, là văn kiện có giá trị cao về tư tưởng, lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tuyên ngôn trước toàn thế giới về kỷ nguyên độc lập của dân tộc Việt Nam, đồng thời thể hiện rõ thiện chí hòa bình và quyết tâm sắt đá của nhân dân ta quyết bảo vệ nền độc lập mới giành lại được sau hơn 80 năm phải sống dưới ách cai trị của đế quốc xâm lược” [1].

Tuyên ngôn Độc lập với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay

Tròn 73 năm trôi qua, những giá trị lý luận và thực tiễn trong Tuyên ngôn Độc lập vẫn tỏa sáng và là kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng Việt Nam và của Đảng ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Tuyên ngôn Độc lập đã, đang và sẽ là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam hành động của Đảng ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Chúng ta xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong điều kiện quốc tế, khu vực và trong nước có nhiều thời cơ, thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Trước điều kiện đó càng đòi hỏi những người Cộng sản phải kiên định, vững tin vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tiếp tục thực hiện công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Từ khi thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn trung thành với tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập nói riêng, đồng thời vận dụng đúng đắn và phát triển sáng tạo phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể của nước ta, phù hợp với cuộc đấu tranh cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Vì thế, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đặc biệt là đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Phân tích bối cảnh ra đời và quá trình hình thành, phát triển đường lối đổi mới của Đảng ta với những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử mà chúng ta đã đạt được cả về lý luận và thực tiễn, chúng ta mới thấy hết được những giá trị to lớn của những nguyên lý cơ bản đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo cách đây 73 năm trong Tuyên ngôn Độc lập; mới thấy hết được bản lĩnh chính trị vững vàng và tầm cao trí tuệ của Đảng Cộng sản Việt Nam - người khởi xướng, phát động và lãnh đạo công cuộc đổi mới; mới thấy hết được sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong hơn 30 năm qua. Điều đó, một lần nữa chứng minh giá trị to lớn, sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, nhất là những nguyên lý cơ bản mà Hồ Chí Minh đã viết trong Tuyên ngôn Độc lập đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tuyên ngôn Độc lập là ngọn cờ tư tưởng, tiếng kèn xung trận thúc giục toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Văn phong trong Tuyên ngôn Độc lập ngắn gọn và súc tích. Cách hành văn, cách so sánh, lập luận, lý giải hết sức tường minh, đầy tính thuyết phục. Hồ Chí Minh đã sử dụng tối đa nghệ thuật hùng biện trong dẫn dắt, lôi kéo thúc giục con người sẵn sàng dấn thân hành động.

Bản Tuyên ngôn Độc lập là sản phẩm của sự kết hợp các giá trị của truyền thống anh hùng, bất khuất và ý chí độc lập của dân tộc Việt Nam với sứ mệnh cao cả của giai cấp vô sản Việt Nam. Nó thể hiện rõ nét cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới và giai cấp vô sản Việt Nam là một bộ phận của giai cấp vô sản thế giới. Bản Tuyên ngôn Độc lập còn thể hiện sự trung thành tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam với tư tưởng Mác - Lê-nin: “Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại” - đó chính là giá trị vĩnh hằng, không chỉ đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay, mà còn có giá trị đối với phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế cùng với các lực lượng tiến bộ trên toàn thế giới.

Không thể xuyên tạc giá trị của “Tuyên ngôn độc lập” 

Tuyên ngôn Độc lập được Bác Hồ tuyên đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 02/9/1945 là tuyên ngôn lập quốc của dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, thể hiện sâu sắc ý chí, khát vọng của nhân dân ta về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Thế nhưng, vẫn có luận điệu cố tình bóp méo, xuyên tạc giá trị của bản Tuyên ngôn này, cần phải đấu tranh phản bác. 

 Họ xuyên tạc rằng, Tuyên ngôn Độc lập do Hồ Chí Minh khởi thảo và tuyên đọc tại Quảng trường Ba Đình là “khuôn theo” những tư tưởng của Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791(?). Cần khẳng định, đó là những luận điệu sai trái, bóp méo sự thật lịch sử, theo đuổi mưu đồ chính trị lỗi thời, đi ngược với lợi ích, truyền thống văn hóa, nhân văn của dân tộc.

Bản “Tuyên ngôn Độc lập” được khởi đầu bằng câu trích từ bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”[2]. Tiếp sau câu dẫn luận ấy là một câu khác trích từ Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền nổi tiếng năm 1791 của cách mạng Pháp: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi” [3].

Vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lại trích dẫn hai câu trên và coi đó như lời mở đầu cho một văn kiện có tầm quan trọng đặc biệt - Bản Tuyên ngôn Độc lập của dân tộc mình?

Với tầm nhìn xa, trông rộng, sự mẫn cảm về chính trị và thông hiểu thực tiễn, Người thấu hiểu một điều hiển nhiên rằng giành được nền độc lập đã khó, để giữ được nền độc lập còn khó hơn nhiều, hơn nữa để nền độc lập đó được tất cả các nước thừa nhận và tôn trọng còn khó hơn gấp bội lần. Có lẽ vì vậy, ngay khi khởi thảo Tuyên ngôn, Người đã muốn bản Tuyên ngôn như một vũ khí pháp lý - ngoại giao đặc biệt sắc bén để chống lại kẻ thù, đồng thời đó cũng là bước đi đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc ở thời khắc vô cùng khó khăn của lịch sử. Nhìn nhận rất rõ bản chất của kẻ thù và vận mệnh của dân tộc, lấy hai câu được coi là “bất hủ”, là “khuôn thước” của cách mạng Pháp, nước Mỹ làm đề dẫn, là ẩn ý của Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn sử dụng ngay cái “chân lý cao cả” mà nhân dân Pháp, nhân dân Mỹ phải đổ bao xương máu và nước mắt để viết nên, làm vũ khí sắc bén để chống lại kẻ thù. Bởi Người rất thấu hiểu cái lẽ rằng: “Triết lý đạo Khổng, và triết lý phương Tây đều tán dương nguyên tắc đạo đức “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” [4] (điều mà mình không muốn thì đừng làm cho người khác). Đây là lời đáp từ của Người với Chủ tịch Chính phủ Pháp G.Biđôn tại buổi tiệc chiêu đãi Người nhân dịp Người sang thăm nước Pháp vào ngày 2 tháng 7 năm 1946.

Có thể khẳng định rằng, độc lập, tự do, chủ quyền dân tộc là tư tưởng chủ đạo của bản Tuyên ngôn độc lập. Đó cũng là mục đích lớn nhất trong sự nghiệp cách mạng của Người. Trước sau Người vẫn luôn trăn trở, luôn tìm mọi cách để khẳng định cái quyền thiêng liêng mà hiển nhiên người Việt Nam phải được hưởng đó.

Người cũng hiểu rằng, đương thời các thế lực thực dân, đế quốc không dễ gì chấp nhận một nước Việt Nam độc lập. Chúng muốn tiêu diệt chính quyền cách mạng non trẻ của người Việt Nam. Vì thế, không những chỉ trong Tuyên ngôn, mà ngay cả trong rất nhiều bài viết, bài nói chuyện sau này, Người luôn muốn dùng chính cái câu khẩu hiệu: “Tự do - bình đẳng - bác ái” mà kẻ thù đang lợi dụng cho cái gọi là “khai hóa văn minh” ở Việt Nam, cũng như các thuộc địa, để khẳng định cái quyền thiêng liêng đó của một dân tộc.

Lại có luận điệu cho rằng “Tuyên ngôn độc lập” đã rơi vào “chủ nghĩa dân tộc”. Đây là một cách diễn đạt thiếu chính xác, không đầy đủ. Cách diễn đạt này dù vô tình hay hữu ý đã bỏ qua tính giai cấp, làm mờ đi lập trường, quan điểm giai cấp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nhận thức và giải quyết vấn đề dân tộc ở Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận thiên tài của cách mạng Việt Nam. Người đã để lại một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, một cuộc cách mạng vừa phải giành độc lập dân tộc thực sự, vừa phải giải quyết vấn đề dân chủ triệt để, giải phóng nhân dân lao động hoàn toàn thoát khỏi áp bức, bóc lột. Và, luận điểm trung tâm, xuyên suốt để giải quyết triệt để cả hai vấn đề ấy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Như thế, vấn đề dân tộc cần phải được giải quyết theo lập trường của giai cấp vô sản. 

Ngay từ những năm đầu đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Người đã phân biệt rõ “chủ nghĩa dân tộc bản xứ” - chủ nghĩa dân tộc truyền thống ở các nước thuộc địa, với “chủ nghĩa quốc tế” - chủ nghĩa dân tộc theo lập trường của giai cấp vô sản. Người viết: “Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước... Phát động chủ nghĩa dân tộc bản xứ nhân danh Quốc tế Cộng sản... Khi chủ nghĩa dân tộc của họ thắng lợi... nhất định chủ nghĩa dân tộc ấy sẽ biến thành chủ nghĩa quốc tế” [5]. Người luôn nhắc nhở khi giải quyết vấn đề dân tộc phải đứng vững trên lập trường vô sản, tích cực đấu tranh chống chủ nghĩa dân tộc tư sản, chủ nghĩa sô-vanh cũng như chống chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa xét lại.

V.I.Lênin đã từng cảnh báo: “Chừng nào người ta chưa phân biệt được lợi ích của các giai cấp này hay giai cấp khác, ẩn đằng sau bất kỳ những câu nói, những lời tuyên bố và những lời hứa hẹn nào có tính chất đạo đức, tôn giáo, chính trị và xã hội, thì trước sau bao giờ người ta cũng vẫn là kẻ ngốc nghếch bị người khác lừa bịp và tự lừa bịp mình về chính trị” [6].

Tuyên ngôn Độc lập ra đời đã hơn 70 năm, song tinh thần và giá trị của Tuyên ngôn Độc lập vẫn đang tỏa sáng. Đây là một di sản văn hóa, sức mạnh nội sinh của dân tộc ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vẫn sống mãi trong lòng bao thế hệ con người Việt Nam không chỉ bởi giá trị lịch sử, pháp lí mà còn bởi giá trị nhân văn về quyền con người và quyền dân tộc. Ngày nay, nước Việt Nam đã trở thành một quốc gia độc lập, hòa bình thống nhất; là quốc gia có vị trí và uy tín trên trường quốc tế. Ánh sáng và tinh thần của Tuyên ngôn Độc lập mãi là ngọn đuốc soi đường cho toàn Đảng, toàn dân ta vững bước đi lên./.

Chú thích

[1], [2], [3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.VII; tr.1; tr.1;

[4] Sđd, tập 4, tr.304

[5] Sđd, tập 1, tr.511

[6] V.I. Lênin, Toàn tập, tập 23, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.57.

Thiếu tá TS Hà Sơn Thái

613 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1200
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1200
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87133873