“Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” tác động mạnh mẽ và sâu sắc đến tiến trình phát triển nhân loại 

Ở Việt Nam, từ những năm 1929 - 1930, những chiến sĩ cách mạng đã ghi chép từng trang Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản trên mảnh giấy cuốn thuốc lá và truyền tay nhau nghiên cứu ngay ở trong các nhà tù khắc nghiệt của thực dân Pháp. Bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản ra đời đến nay đã 176 năm, trên thế giới đã có nhiều đổi thay, song chỉ có một điều không thay đổi, đó là khát vọng cháy bỏng của giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động được hoàn toàn giải phóng khỏi mọi sự áp bức, bóc lột và bất công, dù bất cứ hình thức và mức độ nào dưới chế độ tư bản chủ nghĩa.

Ngay từ lúc ra đời và kể từ đó trở đi, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản do Karl Marx và Friedrich Engels khởi thảo vẫn luôn rực sáng tư tưởng vĩ đại là giải phóng các giai cấp và tầng lớp cần lao. Đây không chỉ như một văn kiện có tính lịch sử mà còn là ngọn đuốc soi đường cho cả hiện tại và tương lai, có tác động mạnh mẽ và sâu sắc đến tiến trình phát triển của nhân loại. Đối với giai cấp vô sản thế giới, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản được coi là bản cương lĩnh cách mạng đầu tiên. Sự ra đời của Tuyên ngôn đánh dấu phong trào công nhân thế giới đã phát triển từ tự phát đến tự giác. Lý luận khoa học và cách mạng trong tuyên ngôn nhanh chóng thâm nhập vào giai cấp vô sản và lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân lao động. Nhiều cuộc cách mạng đã nổ ra ở các nước, giành được những quyền lợi và quyền lực quan trọng, làm thay đổi bộ mặt của thế giới đương đại.

Trong tuyên ngôn, Marx và Engels đã vạch trần bản chất đích thực của chủ nghĩa tư bản (CNTB); những quy luật vận động của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và các mâu thuẫn nội tại không thể khắc phục trong lòng xã hội tư bản. Các ông đã phân tích rõ lịch sử các cuộc đấu tranh để tự giải phóng của giai cấp vô sản và chứng minh xã hội tư bản nhất định sẽ bị thay thế bằng chế độ xã hội mới - xã hội cộng sản chủ nghĩa. Đó chính là biện chứng của lịch sử phát triển xã hội loài người, được Marx và Engels khái quát bằng luận điểm: “Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau1.

Nội dung của Tuyên ngôn cũng nêu rõ, khi CNTB bước vào giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, giai cấp tư sản ngày càng tỏ ra lỗi thời về mặt lịch sử. Điều đó được các nhà kinh điển mác-xít khẳng định: “Thay cho xã hội tư bản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”2. Marx và Engels nêu ra điều kiện quan trọng hàng đầu cho thắng lợi của cách mạng là sự đoàn kết quốc tế của giai cấp vô sản, với khẩu hiệu: “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!”3; đồng thời chỉ ra vai trò của giai cấp công nhân với bản chất cách mạng và sứ mệnh lịch sử của mình mới có thể thực hiện được khát vọng lớn lao của toàn nhân loại là xóa bỏ triệt để tình trạng áp bức, bóc lột, đem lại độc lập, tự do thật sự cho dân tộc mình và cho các dân tộc khác.

Dưới ngọn cờ tư tưởng, lý luận mà Marx và Engels đã vạch ra trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đã có bước phát triển cả về lượng và chất. Nhiều cuộc cách mạng bùng nổ trên khắp các châu lục và giành được những thắng lợi quan trọng, biến chủ nghĩa xã hội (CNXH) từ lý luận, học thuyết thành hiện thực sinh động trong cuộc sống. Điển hình đó là: Công xã Pa-ri năm 1871, Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, mở ra thời đại mới trong lịch sử nhân loại. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, CNXH đã trở thành một hệ thống thế giới với Liên Xô làm trụ cột; hàng loạt nước ở châu Âu, châu Á và khu vực Mỹ Latinh đã giành được độc lập ở mức độ khác nhau, làm sụp đổ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ và mới. Đó là những minh chứng cụ thể về sự tác động mạnh mẽ và sâu sắc của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đến tiến trình cách mạng của các quốc gia, dân tộc trên thế giới trong cuộc đấu tranh vì mục tiêu cao cả là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Ngày nay, mặc dù CNXH đang gặp nhiều khó khăn, trở ngại trên con đường phát triển, nhưng ngay trong xã hội tư bản, rất nhiều học giả tư sản có những đánh giá khách quan cho rằng, học thuyết Marx vẫn là đỉnh cao của trí tuệ loài người, luôn tràn đầy sức sống trong một thời đại đầy biến động chính trị. Có một nghịch lý là, chính sự tác động của học thuyết Marx, trong đó có những nguyên lý cơ bản mà Marx và Engels nêu trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, đã buộc CNTB hiện đại phải điều chỉnh, sửa đổi một phần các khuyết tật và lực cản trong lòng xã hội tư bản để thích nghi và tồn tại.

Ở Việt Nam, từ những năm 1929 - 1930, những chiến sĩ cách mạng đã ghi chép từng trang Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản trên mảnh giấy cuốn thuốc lá và truyền tay nhau nghiên cứu ngay ở trong các nhà tù khắc nghiệt của thực dân Pháp. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng từ khi Đảng ta ra đời đến nay, Đảng luôn kiên định giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; đồng thời kiên quyết đấu tranh ngăn ngừa, loại trừ mọi biểu hiện và ảnh hưởng của chủ nghĩa giáo điều, cơ hội, xét lại để bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin; tuyệt đối trung thành với lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, với những nguyên lý cơ bản trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản.

Từ những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) gần 40 năm qua do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Đảng ta tiếp tục khẳng định với đầy đủ căn cứ khoa học và thực tiễn rằng, lịch sử xã hội loài người vẫn tiếp tục tiến lên theo những quy luật mà Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã dự báo. Thời đại ngày nay vẫn là thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH, được mở đầu từ cuộc Cách mạng XHCN Tháng Mười Nga năm 1917 vĩ đại. Sự lựa chọn của Đảng và Nhân dân ta đưa đất nước đi lên con đường XHCN là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với quy luật khách quan của lịch sử nhân loại.

Trong cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tổng kết lịch sử phát triển của thế giới đương đại cũng như thực tiễn cách mạng Việt Nam, từ đó khẳng định một cách khoa học về con đường duy nhất đúng cho sự phát triển của đất nước - đó là con đường XHCN. Tổng Bí thư nêu rõ: Đi lên CNXH là khát vọng của Nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”4. Đó là mục tiêu, lý tưởng của Đảng và Nhân dân ta; là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và Nhân dân ta đã lựa chọn và luôn kiên định, kiên trì theo đuổi. Tổng Bí thư một lần nữa khẳng định: “Chỉ có CNXH và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc”5.

Như vậy, cho dù các thế lực thù địch và những phần tử cơ hội ra sức xuyên tạc, phủ nhận giá trị trường tồn của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, song bản Cương lĩnh cách mạng do Marx và Engels khởi thảo, đến nay vẫn tràn đầy sức sống, có ý nghĩa lý luận và phương pháp luận để soi rọi vào tiến trình phát triển của thế giới đương đại nói chung và cách mạng Việt Nam nói riêng. Lê Thị Liên (tổng hợp từ nguồn Ban Tuyên giáo Trung ương)

----------------------------

1. Karl Marx và Friedrich Engels, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tập 4, tr.613, 628, 646.

2. Karl Marx và Friedrich Engels, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tập 4, tr.613, 628, 646.

3. Karl Marx và Friedrich Engels, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tập 4, tr.613, 628, 646.

4. Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam”, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.23, 22.

5. Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam”, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.23, 22.

30 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 845
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 845
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78060192