“TÔI LÀ NGƯỜI DÂN, TÔI CŨNG CÓ QUYỀN PHÊ BÌNH BỘ ĐỘI CHỨ” 

Nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhớ về những dòng thơ của Tố Hữu: “Vì sao trái đất nặng ân tình/ Nhắc mãi tên Người: Hồ Chí Minh/ Như một niềm tin, như dũng khí/ Như lòng nhân nghĩa, đức hi sinh”. Sức lan toả và ảnh hưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh to lớn, kỳ vĩ đến nỗi Tổng thống Mỹ Nixon đã phải cay đắng thốt lên: “Chỉ khi nào xóa bỏ được hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh ra khỏi tâm thức người dân thì đường lối Việt Nam mới ngả theo Mỹ“. Nhưng cao hơn cả, thẳm sâu hơn cả, Bác trường tồn, mãi mãi trường tồn trong tâm trí dân tộc ta, trong non sông đất nước ta với hình ảnh một con người thiêng liêng, gần gũi, xiết bao yêu dấu với tất cả những gì cao quý nhất, tốt đẹp nhất, là tấm gương sáng chói về đạo đức, phong cách mà lớp lớp thế hệ đi sau phải không ngừng cố gắng học tập và làm theo. Có thể khẳng định rằng, cuộc đời của Người, tấm lòng của Người với quê hương đất nước là câu chuyện sinh động nhất về tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong những mẩu chuyện về Người có chuyện: “T

Vào khoảng đầu tháng 8 năm 1945, tiết hè thật là oi ả. Đơn vị chúng tôi sau mấy ngày hành quân vất vả được lệnh trú quân xây dựng lán trại trong một khu rừng khá đẹp ở gần thôn Tân Lập, Tân Trào (Tuyên Quang). Cán bộ và chiến sĩ trong đơn vị ai nấy đều cố sức chặt nứa, dựng nhà…Chẳng bao lâu lán trại nhìn cũng khang trang, đẹp mắt.Chỉ phải cái, phần vì mệt mỏi, phần thì do thói quen luộm thuộm của nhà nông (chúng tôi hầu hết là nông dân mà), nên vào trong lán trại của chúng tôi thì thấy ngay cảnh bừa bộn nhiều khi đến khó chịu. Trong nhà ở của anh em, giường chiếu tuy ngay ngắn, nhưng người thì “chổng ngược”, người nằm xuôi (để hướng ra cửa sổ cho mát), dưới gầm giường thì chao ôi, đủ thứ đồ đạc bằng mây, tre mà anh em làm trong lúc rỗi, đôi khi có cả những cái “bu gà” còn đang đan dở nữa…

Chuyện đó lúc đầu thì cũng có dăm ba ý kiến nhưng sau thì chẳng ai nhắc đến nữa, bởi vì từ cán bộ đến chiến sĩ ai cũng thầm nghĩ “Thôi, dần dần sẽ ổn định”!. “Rồi đâu khắc vào đó mà”!...

Cho đến một hôm… Vào lúc giữa buổi sáng, chúng tôi thấy có mấy bác “đồng bào” đến thăm, (chúng tôi vẫn thường gọi Nhân dân quanh vùng là “đồng bào”). Ban chỉ huy đơn vị được giới thiệu đây là đoàn đại biểu của Nhân dân địa phương, nên sau khi trò chuyện, theo yêu cầu của các đại biểu, chúng tôi dẫn họ đi thăm quan nhà ở, nhà ăn và xunh quanh khu lán trại… Sau khi đi một vòng, quay về nhà của ban chỉ huy đơn vị, một đại biểu dáng trông mảnh khảnh và là người già nhất trong đoàn có ý kiến phê bình cách sinh hoạt luộm thuộm, bừa bộn, thiếu nề nếp của đơn vị. Cái đó thì đúng quá rồi, nhưng dù sao với tư cách chỉ huy bộ đội, tôi cũng vẫn tư ái, nên đáp:

- Phê bình chúng tôi, chuyện ấy đã có cấp trên của chúng tôi.

Ý tôi muốn ám chỉ “không phải việc của cụ!”

Cụ già nhìn tôi rồi ôn tồn trả lời:

- Tôi là người dân, tôi cũng có quyền phê bình, góp ý với bộ đội chứ. Bộ đội cách mạng là bộ đội của dân cơ mà!

Lúc này thì tôi thấy rõ ràng mình sai, nên đành xin lỗi cụ và các đại biểu, đồng thời hứa sẽ sửa chữa.

Ngay sau đó, tôi được biết, cụ già phê bình chúng tôi chính là Cụ Hồ Chí Minh và bài học đầu tiên mà Người dạy cho tôi cũng chính là điều đầu tiên mà bất cứ người chiến sĩ nào cũng ghi nhớ: Phải tôn trọng Nhân dân.

          (Trích trong “120 chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”)

Câu chuyện nhỏ nhưng lại là một bài học đạo đức, phong cách lớn, để lại trong ta biết bao suy nghĩ và cảm xúc. Đó là bài học về “ý thức tôn trọng Nhân dân”, nhưng ẩn bên trong còn là bài học đạo đức và phong cách về sự tôn trọng ý kiến của người khác, biết lắng nghe sự phê bình của mọi người xung quanh và quan trọng nhất là phong cách ứng xử, đối đáp với mọi người.

Tiếp thu tư tưởng dân là quý của các bậc hiền nhân đi trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Có thể nói, đó chính là tư tưởng dân chủ của Người – “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt trong cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh. Trước hết, tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn trọng Nhân dân được thể hiện là phải có thái độ đánh giá cao vai trò, vị trí của nhân dân. Theo Bác, muốn thật sự tôn trọng Nhân dân thì phải hiểu dân. Chính tài dân, sức dân, của dân, quyền dân, lòng dân, sự khôn khéo, hăng hái, anh hùng đã tạo nên “cái gốc” của dân. Cùng với thái độ đánh giá cao vai trò của Nhân dân, ý thức tôn trọng Nhân dân còn phải đặc biệt chú ý không xâm phạm đến lợi ích, quyền lợi hợp pháp, không xúc phạm Nhân dân. Phải luôn luôn tôn trọng và giữ gìn của công, của Nhân dân.

Phát huy dân chủ là một khía cạnh biểu hiện ý thức tôn trọng Nhân dân. Dân chủ không chỉ là một phạm trù chính trị mà còn là một phạm trù đạo đức bởi nó gắn với lý tưởng nhân văn, tôn trọng con người, tất cả vì con người và do con người. Cả cuộc đời của Bác là một tấm gương mẫu mực về dân chủ. Từ công việc quốc gia đại sự đến những việc làm trong cuộc sống hàng ngày Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc thực hành dân chủ. Là Chủ tịch nước, là lãnh tụ cao nhất của Đảng, ở cương vị đầy quyền lực nhưng Người không bao giờ nghĩ đến việc dùng quyền lực. Người luôn coi mình là “nô bộc” của dân và luôn tôn trọng quyền làm chủ của Nhân dân, đặc biệt là quyền dân chủ chính trị được thể hiện rõ trong tổng tuyển cử. Không đặt mình ở cương vị là Chủ tịch nước mà hơn tất cả với tư cách là một người dân.

Tôn trọng Nhân dân gắn liền với phát huy dân chủ. Phát huy dân chủ gắn liền với phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong đó có quyền phát biểu ý kiến của dân. Cho dù ý kiến đó có thế nào thì cũng cần phải được tôn trọng, lắng nghe bởi “nếu quần chúng nói mười điều mà chỉ có một vài điều xây dựng, như thế vẫn là quý báu và bổ ích. Uy tín của người lãnh đạo là ở chỗ mạnh dạn thực hiện tự phê bình và phê bình, biết học hỏi quần chúng, sửa chữa khuyết điểm, để đưa công việc ngày càng tiến bộ chứ không phải ở chỗ giấu giếm khuyết điểm và e sợ quần chúng phê bình” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.421). Chính vì thế mà Người cũng có quyền được phê bình, đặc biệt là phê bình những người “nô bộc” của dân: cán bộ, bộ đội kể cả chủ tịch nước cũng không ngoại lệ. Câu nói: “Tôi là người dân, tôi cũng có quyền phê bình, góp ý với bộ đội chứ. Bộ đội cách mạng là bộ đội của dân cơ mà!” trong câu chuyện trên chính là minh chứng cụ thể cho điều đó. Từ câu nói này chúng ta không chỉ thấy được đạo đức, tư tưởng tôn trọng Nhân dân của Bác mà còn thấy được cả phong cách của Người - Phong cách tôn trọng Nhân dân. Phong cách ấy xuất phát một cách tự nhiên từ nhân cách, cuộc đời, cái tâm, cái đức vì nước, vì dân của Người.

Đất nước ta đã hội nhập và đang trên đà phát triển. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, chúng ta không thể phủ nhận những tồn tại yếu kém cũng như những khó khăn thử thách ở phía trước. Trong bối cảnh hiện nay, thiết nghĩ câu chuyện trên sẽ là bài học về đạo đức, phong cách lớn cho chúng ta noi theo. Ở Bác, dù bận rất nhiều công việc đối nội, đối ngoại, nhưng Người luôn có ý thức về với dân, đến với quần chúng, những người “không quan trọng” để học dân, hỏi dân, hiểu dân, để nghe dân nói, thấy dân làm, để nắm vững dân tình, dân tâm, dân ý… Vượt qua lửa đạn của chiến tranh, vượt qua quy luật khắc nghiệt của thời gian, những bài học đạo đức của Người đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Tấm gương ấy, đạo đức ấy, phong cách ấy sẽ là ngọi đuốc soi đường cho các thế hệ đi sau dõi theo, bước tiếp. Minh Huyền

1249 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 844
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 844
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77133461