“Thổi” vào trong Nhân dân mạnh hơn nữa khát vọng trỗi dậy vươn lên của đất nước 

(ĐCSVN) – Để kế thừa và phát huy di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta phải “thổi” vào trong Nhân dân mạnh hơn nữa khát vọng trỗi dậy vươn lên của đất nước. Khát vọng đó đã có sẵn trong mỗi người dân Việt Nam, vấn đề chúng ta làm cho “dòng máu ấy sôi trong huyết quản” của mỗi người…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra đi về với thế giới người hiền, để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với cả dân tộc, Nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Cả cuộc đời đồng chí đã cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc ta. Đồng chí đã để lại một di sản quý báu trên nhiều lĩnh vực cho Đảng, đất nước và thế hệ mai sau.

Nhằm góp phần kế thừa và phát huy sự nghiệp của Tổng Bí thư để lại, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện, trao đổi với GS.TSKH Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

 GS.TSKH Vũ Minh Giang trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Phóng viên (PV): Thưa Giáo sư Vũ Minh Giang, khi biết tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – người lãnh đạo đứng đầu của Đảng ta từ trần, cảm xúc của Giáo sư như thế nào?

GS.TSKH Vũ Minh Giang: Khi biết tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, người dân Việt Nam vô cùng thương tiếc, xót xa đến tột cùng và tôi cũng chung tâm trạng như vậy.

Tôi cảm nhận được rằng, chúng ta đang có một mất mát rất lớn. Bởi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người có những cống hiến hết sức lớn lao với Đảng, với đất nước trong những thập niên vừa qua.

Trước hết, phải nói tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người có tầm nhìn chiến lược. Tôi nhớ vào năm 2016, khi Tổng Bí thư trực tiếp gặp gỡ với đại diện các học giả nước ngoài đến dự Hội thảo quốc tế Việt Nam học. Lúc đó, các học giả nước ngoài rất khâm phục về sự uyên bác của Tổng Bí thư. Về sau, họ mới biết đó là một giáo sư, một nhà khoa học đã trước tác, viết sách, viết bài, nghiên cứu rất nhiều. Nhưng đặc biệt, họ ấn tượng về ý chí, quyết tâm rất lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tổng Bí thư đã nói rằng, rồi các bạn sẽ thấy Việt Nam trong vòng khoảng 30 năm nữa thôi sẽ phải đứng trong hàng ngũ những nước phát triển; Nhân dân Việt Nam sẽ có thu nhập cao. Từng bước, từng bước và cho đến năm 2021, tại Đại hội lần thứ 13 của Đảng, nội dung này đã được đưa vào Nghị quyết của Đại hội. Rõ ràng ở đây cho thấy, có cả một quá trình đưa ra ý tưởng và thực hiện từng bước ý tưởng đó.  

Với vị thế đất nước như hiện nay, thời kỳ chúng ta kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa, chắc chắn Việt Nam sẽ có vị thế rất cao, như mong muốn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cũng như thực hiện ước muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ khi mới giành chính quyền vào năm 1945. Đó là Việt Nam phải bước tới đài vinh quang, phải sánh vai với các cường quốc năm châu.

 Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một người có tầm nhìn chiến lược.

Bên cạnh đó, tôi còn thấy ở Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà ngoại giao tài tình. Khi tiếp xúc, tôi cảm nhận Tổng Bí thư là một người rất giản dị, nhưng sâu bên trong là một người có tài ngoại giao đặc biệt, để những cường quốc như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga,…nể trọng. Điều này chứng tỏ vị thế của Việt Nam lên rất mạnh, nhưng đồng thời thể hiện vai trò cá nhân của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tổng Bí thư còn là người hết sức coi trọng văn hóa và coi văn hóa là hồn cốt của dân tộc, là sức mạnh nội sinh của dân tộc. Tổng Bí thư thường xuyên nói với chúng tôi và ở nhiều nơi rằng, chúng ta phải đi học, mọi người học những điều hay của thế giới, nhưng để trở thành một nước hùng cường thì phải đi bằng đôi chân của mình, phải bay bằng đôi cánh của mình. Và điều này chính là phải dựa trên văn hóa của mình, hồn cốt của dân tộc.

Đặc biệt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn là một nhà lãnh đạo đã có công củng cố lòng tin của người dân đối với Đảng. Chúng ta đã có một giai đoạn bên cạnh những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội xuất hiện một bộ phận cán bộ của chúng ta sa vào vòng lao lý vì tham nhũng, thoái hóa, biến chất.

Việc đó, tất nhiên tổn hại đến ngân sách nhà nước, đến nền kinh tế và tổn hại đến tài sản của Nhân dân, nhưng điều mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhìn ra rất sớm, đó là lòng tin của Nhân dân đối với Đảng bị xói mòn.

Do đó, sự xuất hiện của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong vai trò là người phát động và trực tiếp chỉ đạo công cuộc phòng chống tham nhũng có hiệu quả, đã lấy lại lòng tin, đã củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng. Đây là điều đã làm cho tên tuổi, sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lên tới đỉnh cao.

 Tấm ảnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp chung với các bạn khi đang là sinh viên khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được trưng bày tại Phòng Truyền thống của Đại học Quốc gia Hà Nội.

PV: Với tư cách là người từng công tác, giữ vị trí lãnh đạo tại Đại học Quốc gia Hà Nội, xin Giáo sư cho biết, bản thân Giáo sư cũng như Đại học Quốc gia Hà Nội đã có những kỷ niệm đáng nhớ như thế nào với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?

GS.TSKH Vũ Minh Giang: Tôi có may mắn được gặp gỡ, tiếp xúc với Tổng Bí thư một số lần, trong đó có những kỷ niệm khó quên đối với tôi. Tôi cảm nhận được sự giản dị, chan hòa ở Tổng Bí thư. Mỗi khi gặp gỡ, tôi không thấy có một khoảng cách nào giữa Tổng Bí thư và tôi.

Tôi còn nhớ kỷ niệm khi chúng tôi đặt vấn đề xin Tổng Bí thư một số những kỷ vật để trưng bày ở Phòng Truyền thống của Đại học Quốc gia Hà Nội, Tổng Bí thư đồng ý ngay.

Sau đó, giữ lời hứa, Tổng Bí thư đã gửi cho tôi rất nhiều ảnh quý và đặc biệt có một cuốn luận văn tốt nghiệp. Sau này, tôi được biết, đây là luận văn tốt nghiệp đạt điểm xuất sắc, cao nhất của khóa đó. Hiện nay, luận văn tốt nghiệp ấy đang được trưng bày ở Phòng Truyền thống của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Bên cạnh đó còn có tấm ảnh đang được treo ở Phòng Truyền thống của Đại học Quốc gia Hà Nội khi Tổng Bí thư đang là sinh viên, chụp chung cùng với các bạn - những thanh niên rất trẻ trung, yêu đời.

GS.TSKH Vũ Minh Giang giới thiệu về cuốn luận văn tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (cuốn bên trái) của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. 

Thêm một kỷ niệm nữa, vào dịp kỷ niệm 20 năm Ngày Chính phủ ra Nghị định về Đại học Quốc gia Hà Nội, lúc đó, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội muốn tổ chức trao Kỷ niệm chương. Rất nhiều người có trong danh sách được tặng. Do thời gian hạn hẹp, số lượng người được nhận đông, nên chúng tôi lúng túng, không biết sẽ chọn ai sẽ là người lên nhận.

Lúc đó, tôi mạnh dạn đề nghị với Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với tư cách là cựu sinh viên tiêu biểu nhất lên nhận Kỷ niệm chương. Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội có bảo tôi, liệu Tổng Bí thư có nhận lời? Chúng tôi vẫn mạnh dạn mời Tổng Bí thư. Không ngờ, Tổng Bí thư nhận lời, sẵn sàng thay mặt sinh viên các khóa lên nhận Kỷ niệm chương.

Tôi cảm nhận ở Tổng Bí thư là một con người hết sức giản dị, không câu nệ, không thể hiện mình đang ở vị trí nào. Khi trở về trường, mặc dù lúc đó đang ở cương vị Tổng Bí thư nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như người sinh viên cũ trở về trường. Đối với tôi, đó là một ấn tượng hết sức đặc biệt.

Và sau hết, tôi muốn nói tới điều để lại ấn tượng sâu sắc không chỉ riêng đối với cá nhân tôi, đó là tấm gương của một con người lãnh đạo cao nhất cả nước nhưng không màng tới lợi ích của người có quyền lực. Tôi nghĩ cần truyền lại cho các thế hệ tới đây, mai sau, đặc biệt là thế hệ trẻ về ý chí phụng sự tổ quốc, vì lợi ích của dân tộc để cống hiến, để làm việc mà không màng tới lợi ích, bổng lộc, quyền lợi. Chúng ta cần dần dần giúp cho mọi người, trong đó có thế hệ trẻ tu dưỡng để noi theo tấm gương của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

 GS.TSKH Vũ Minh Giang vẫn còn lưu lại nhiều tấm ảnh kỷ niệm được chụp chung với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

PV: Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất quan tâm đến công tác giáo dục, đào tạo cũng như xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức. Điều này có thể thấy rõ qua các Nghị quyết như: Nghị quyết 45-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới; Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế,…Giáo sư đánh giá như thế nào về những cống hiến của Tổng Bí thư đối với sự nghiệp giáo dục, đào tạo và xây dựng đội ngũ trí thức? Theo Giáo sư, để thấm nhuần tư tưởng về giáo dục, đào tạo, xây dựng đội ngũ trí thức đối với thế hệ trẻ, chúng ta cần triển khai những giải pháp như thế nào?

GS.TSKH Vũ Minh Giang: Đóng góp, công lao rất lớn của Tổng Bí thư thể hiện ở những Nghị quyết  
Nghị quyết 45-NQ/TW; Nghị quyết 29-NQ/TW,…mà phóng viên vừa nêu là phải có sự quan tâm đặc biệt của Tổng Bí thư, những Nghị quyết ấy mới ra đời.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất chú ý đến những lĩnh vực quan trọng đó, coi giáo dục là quốc sách mà chúng ta phải dồn sức, dồn trí tuệ để phát triển. Và những yêu cầu về đổi mới đặt ra như một yêu cầu bức thiết và xây dựng đội ngũ trí thức cũng vậy.

Có một điều trăn trở là làm sao những di sản, tấm gương thể hiện qua cuộc đời, nhất là thời kỳ làm lãnh đạo cao nhất Đảng ta của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được lan tỏa để thế hệ trẻ, thế hệ tiếp theo tiếp bước, lĩnh hội, cảm thụ được những giá trị đó.

Tôi nghĩ rằng, có một điều mỗi người Việt Nam đều có thể lay động, đó là ý thức đối với đất nước mình, đối với dân tộc mình. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất hay nói tới cơ đồ, tiền đồ của một dân tộc, đau đáu về sự phát triển của đất nước.

Do đó, việc tự hào về sự phát triển của dân tộc, đất nước là điều có thể lan tỏa. Mỗi người Việt Nam khi được kích hoạt ý chí này đều sẽ hưởng ứng.

Thứ nữa là tấm gương sống giản dị, không màng lợi ích của Tổng Bí thư chắc chắn sẽ lay động đến rất nhiều người. Do đó, tuyên truyền về tấm gương của Tổng Bí thư chắc chắn là một cách để chúng ta lan tỏa đến tất cả các các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Và tôi nghĩ rằng, tới đây, chúng ta còn phải tiếp tục nghiên cứu và khai thác những trước tác của Tổng Bí thư, gần như lĩnh vực nào cũng có những bài viết, những cuốn sách của Tổng Bí thư về những lĩnh vực đó.

 
 

PV: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi xa, nhưng đồng chí đã để lại một sự nghiệp, di sản quý báu cho Đảng, cho dân tộc ta trên nhiều lĩnh vực. Là một giáo sư, tiến sĩ khoa học, Giáo sư có nhận xét, đánh giá như thế nào về sự nghiệp, di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, để đất nước ta "chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay”?

GS.TSKH Vũ Minh Giang: Tôi muốn nói đến di sản rất quý báu ở đây là các trước tác, các kết quả nghiên cứu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Từ khi còn làm ở Tạp chí Cộng sản, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã là người viết, là tác giả của rất nhiều bài báo có giá trị, sau này là tác giả của rất nhiều cuốn sách đồ sộ. Đây là một di sản khoa học, di sản văn hóa mà chúng ta còn phải tiếp tục nghiên cứu và khai thác.

 Cuốn sách “Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tôi cho rằng, còn một di sản nữa, đó là những đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho sự phát triển của đất nước. Khi chúng ta nói đến đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ như hôm nay, thì rõ ràng, nếu quay trở lại lịch sử, không khó để đi tới kết luận, vị thế quốc tế của Việt Nam hiện nay là chưa từng có. Chúng ta đã từng là Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc. Đó là điều mà xưa nay chúng ta không nghĩ tới nhưng chúng ta đã làm được.

Bên cạnh đó, còn phải kể đến, hiện nay, Việt Nam là nước có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với hầu hết các nước trong Thường trực Bảo an Liên Hợp quốc, với nhiều cường quốc lớn trên thế giới.

Thứ nữa, công cuộc phòng chống tham nhũng của chúng ta đã có tác động rất mạnh. Chỉ số minh bạch của chúng ta tăng vọt và thương hiệu quốc gia của chúng ta trong 10 năm trở lại đây được coi là tăng nhanh nhất thế giới. Những kết quả đó gắn với vai trò lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Thêm một di sản nữa của Tổng Bí thư mà tôi cho rằng, sẽ được Nhân dân nhớ mãi. Đó là chúng ta từng bước xây dựng được một bộ máy lãnh đạo trong sạch, có được lòng tin mạnh mẽ của Nhân dân.

Đó là những cống hiến vô cùng lớn lao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tấm gương và những cống hiến của Tổng Bí thư đối với sự nghiệp cách mạng, đối với đất nước và đối với Nhân dân là vô giá. Đấy chính là di sản rất lớn lao mà Tổng Bí thư đã để lại cho Nhân dân ta.

PV: Như Giáo sư vừa trao đổi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại một sự nghiệp, di sản quý báu cho Đảng và dân tộc ta trên nhiều lĩnh vực. Vậy để kế thừa và phát huy di sản đó, biến đau thương thành hành động, theo Giáo sư, thời gian tới chúng ta cần triển khai những giải pháp như thế nào?

GS.TSKH Vũ Minh Giang: Trước hết, chúng ta cần phải tiếp tục sự nghiệp của Tổng Bí thư để lại. Việc tiếp tục ở đây thể hiện ở việc phát triển mới.

Đó là trên cơ sở chúng ta đã có những thành công trong sự nghiệp phòng, chống tham nhũng, phải xây dựng được một bộ máy lãnh đạo trong sạch, vững mạnh, đưa đất nước phát triển nhanh, mạnh.

Di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại cho chúng ta là lòng tin của dân đối với Đảng, đó là một bộ máy lãnh đạo trong sạch hơn. Do đó, phải có một quyết tâm lớn để tiếp tục thực hiện ý nguyện của Tổng Bí thư.

Thứ hai là trong toàn dân, trong các cơ quan, trong nhà trường,… phải tìm các giải pháp để nâng cao giáo dục về những giá trị tinh thần cao đẹp của con người Việt Nam. Thay vì chúng ta chưa chú ý đúng mức, để một bộ phận thế hệ trẻ còn đề cao giá trị vật chất và luôn coi đó như mục tiêu cao nhất, xem nhẹ những giá trị tinh thần. Chúng ta cần giáo dục làm sao để mỗi người Việt Nam nhận ra rằng danh dự là điều quan trọng nhất.

Thứ nữa, cũng cần phải có những giải pháp để lan tỏa tấm gương giản dị, trong sáng, vì nước, vì dân của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Như vừa rồi, tôi thấy, nhiều người rất bất ngờ về hình ảnh chiếc xe Tổng Bí thư vẫn thường đi, rất giản dị, hoặc Tổng Bí thư vẫn thường hay mặc chiếc áo khoác cũ màu nâu,…Những câu chuyện nhỏ đó là sự giáo dục, có sức lay động suy nghĩ của rất nhiều người.

Đặc biệt, để kế thừa và phát huy di sản của Tổng Bí thư, chúng ta phải “thổi” vào trong Nhân dân mạnh hơn nữa khát vọng trỗi dậy vươn lên của đất nước, để đưa nước ta đứng trong hàng ngũ những nước phát triển. Tôi nghĩ rằng khát vọng đó đã có sẵn trong mỗi người dân Việt Nam, vấn đề chúng ta làm sao để mỗi người nhận thức được điều đó một cách đầy đủ hơn, làm cho “dòng máu ấy sôi trong huyết quản” của mỗi người, thì đó là cách giáo dục tốt nhất để kế thừa sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của GS.TSKH Vũ Minh Giang!./.

 
Nhóm PV
96 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1242
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1242
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87172032