|
Giá gạo đã có sự ổn định hơn trong những ngày qua sau - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Tại cuộc Họp báo Chính phủ chiều 1/3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, về giá gạo, ngày hôm qua, tổ điều hành thị trường trong nước đã có cuộc họp thống nhất bản chất của vấn đề giá gạo hiện nay là câu chuyện “cung và cầu”. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: “Có việc giá gạo trong một thời gian nào đó không được như mong đợi. Vừa qua lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương và các đơn vị, bộ, ngành liên quan đã đến Cần Thơ và một số tỉnh, thành khác như Đồng Tháp… những nơi có lượng gạo lớn để có thể gặp gỡ trực tiếp, đề xuất tạm trữ về lúa, gạo và có biện pháp thu mua gạo của bà con. Trong mấy ngày gần đây giá lúa, gạo đã tăng lên một cách đáng khích lệ”.
Cũng tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ NN&PTN Phùng Đức Tiến đưa ra nhận định, sản xuất lúa gạo ảnh hưởng rất nhiều bởi thị trường, thời tiết, nhiều giai đoạn giá lúa gạo bị xuống ảnh hưởng đến tâm lý người trồng lúa, nhưng phải khẳng định là nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói chung và người nông dân trồng lúa nói riêng luôn được sự quan tâm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Do vậy, ngày 19/2 vừa qua Chính phủ đã chủ trì họp bàn về các giải pháp tháo gỡ khó khăn tiêu thụ lúa, gạo. Ngày 18/2, Bộ NN&PTNT đã làm việc với doanh nghiệp Trung Quốc về việc nhập khẩu gạo của Việt Nam. Ngày 22/2, Công ty lương thực miền Nam cùng với doanh nghiệp Trung Quốc đã ký biên bản ghi nhớ việc nhập khẩu 100.000 tấn gạo, trong đó có 70% gạo tẻ, 30% gạo nếp. Sau đó, giá lúa, gạo tại ĐBSCL đã có bước chuyển biến tích cực và đã tăng liên tục, ổn định.
Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), khối lượng gạo xuất khẩu tháng 2/2019 ước đạt 399.000 tấn với giá trị đạt 169 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm 2019 ước đạt 837.000 tấn và 364 triệu USD, tăng 1,1% về khối lượng nhưng giảm 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Nguyên nhân là do giá gạo xuất khẩu bình quân tháng 1 năm 2019 đạt 446 USD/tấn, giảm tới 8,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Về thị trường xuất khẩu, Philippines đứng vị trí thứ nhất với 46,7% thị phần, đạt 222.000 tấn và 91,2 triệu USD, tăng 53,8% về khối lượng và tăng 41,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Tháng 1 năm 2019, các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là Hong Kong (gấp 3,3 lần), Australia (gấp 2,4 lần), Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (tăng 85,5%), Ghana (tăng 47,9%) và Philippines (tăng 41,6%).
Về loại gạo xuất khẩu, giá trị xuất khẩu gạo trắng chiếm 64% tổng kim ngạch; gạo Jasmine và gạo thơm chiếm 23%; gạo nếp chiếm 9% và gạo Japonica, gạo giống Nhật chiếm 4%. Các thị trường xuất khẩu gạo trắng lớn nhất của Việt Nam là Philippines (68%), Cuba (20%). Với gạo Jasmine và gạo thơm, thị trường xuất khẩu lớn nhất Bờ Biển Ngà (21%), Ghana (14%) và Malaysia (11%).
Hong Kong là thị trường xuất khẩu gạo nếp lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 54% tổng khối lượng gạo nếp xuất khẩu của Việt Nam, tiếp theo là Trung Quốc (20%) và Philippines (13%). Với gạo Japonica và gạo giống Nhật, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Quần đảo Solomon (15%) và Papua New Guinea (9%).
Ông Nguyễn Quốc Toản, Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) cho biết thêm. “Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các ngân hàng phải làm việc trực tiếp, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của DN để phối hợp, có giải pháp tháo gỡ cụ thể như: xem xét tăng hạn mức vay vốn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tạo điều kiện để thu mua kịp thời lúa gạo tại khu vực ĐBSCL trong thời gian tới. Tính đến cuối tháng 1/2019, dư nợ cho vay lúa gạo của toàn ngành ngân hàng ước đạt khoảng 100.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là cho vay thu mua, tiêu thụ lúa gạo với dư nợ ước khoảng 28.000 tỷ đồng.
Để tăng cường xuất khẩu gạo, giảm tồn kho, “Các doanh nghiệp cần tăng cường tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và một số thị trường khác ở khu vực Châu Phi”, ông Nguyễn Quốc Toàn nhìn nhận.
Đỗ Hương