Dù cuộc sống còn vất vả, nhưng tất cả vẫn gìn giữ nền nếp văn hóa, sự sẻ chia với cộng đồng bản địa, giúp cho người dân vùng kinh tế mới thêm an tâm, vượt qua khó khăn.
|
Người dân nhân rộng diện tích trồng điều |
Những bàn tay cần cù
Tận thấy những rẫy cà phê, rẫy bắp trải dài màu xanh, chúng tôi rất mừng. Còn ông Nguyễn Hải ở thôn 3, xã Quảng Trị (Đạ Tẻh, Lâm Đồng) chia sẻ “vẫn ngỡ như mình đang mơ”. Ngược dòng thời gian, ông Hải kể: “Từ năm 1980, theo chủ trương của Nhà nước, hàng nghìn hộ dân ở Quảng Trị, Nam Định đến cuối huyện Đạ Tẻh khai khẩn vùng đất hoang hóa và được xác lập địa giới hành chính, lập nên xã Quảng Trị. Khi mới lập xã, 100% nhà nơi đây đều là nhà tranh, vách lá, trạm y tế cũng tạm bợ. Bao quanh xã Quảng Trị là các buôn làng đồng bào Mạ, Cơ Ho. Chúng tôi cùng đùm bọc và cam kết biến vùng đất hoang này thành trù phú, no ấm”.
Ngay khi xắn tay khai khẩn vùng đất mới, những người dân xã Quảng Trị đã bắt nhịp cho những người Mạ, Cơ Ho quanh khu vực đọc vang hai câu thơ trong “Bài ca vỡ đất” của nhà thơ Hoàng Trung Thông, rằng: “Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Ông Lê Văn Tùng kể lại câu chuyện vui: “Đêm đó các anh KMinh, KThanh ở xã Đạ Pal (xã giáp ranh) ùa đến, dựng dân làng xã Quảng Trị dậy, và chất vấn: “Tao ăn thử mấy hòn sỏi rồi, nó không giống cơm, suýt gãy cả răng. Vậy mà bay cứ bảo sỏi đá thành cơm, là sao?”.
Biết chắc chắn cái bụng bà con người Mạ chưa sáng tỏ, ông Tùng và nhiều người giải thích cặn kẽ, điều đó nghĩa là từ những quả đồi sỏi đá, chúng ta chăm chỉ vỡ vạc, trồng hoa màu, trỉa cây ngô, trồng cây sắn, cây lúa, những lương thực ấy chính là “cơm”. Hiểu chuyện, KMinh, KThanh về loan báo cho nhiều buôn người Mạ của mình rồi thúc giục họ cùng háo hức đi khai phá đất hoang, chẳng mấy chốc màu xanh đã phủ kín nhiều ruộng rẫy bao bọc quanh các buôn làng.
Cũng tụ về vùng kinh tế mới, anh Lê Văn Bình (quê gốc Nam Định) từng đi bộ đội, khi xuất ngũ xung phong đi về Lâm Đồng và trở thành y tá, vừa chữa bệnh, vừa làm nương rẫy. Anh Bình nhớ lại cuộc sống trước đây nhiều gian khó, ám ảnh bởi sốt rét, muỗi vắt vây quanh. Vấn đề bảo vệ sức khỏe và miếng ăn trước mắt luôn là bài toán cần đáp số ngay.
Nhớ lại những ngày gian nan đó, anh Bình kể: “Hồi đó hầu như tôi rất ít đêm ngủ đủ giấc. Lo chữa bệnh cho người trong xã rồi cả đồng bào dân tộc thiểu số chung quanh nữa. Vừa chữa bệnh vừa làm kinh tế. Sau mỗi mùa thu hoạch, sản lượng lúa, mỳ, bắp lại tăng lên, nhà lá được xóa dần đi thay vào đó là nhà kiên cố nên sức mạnh tinh thần lại được nhân lên nhiều lần. Nhiều gia đình có của ăn, của để”.
“Ly hương không ly tổ”
Nông dân sản xuất giỏi từ rẫy quýt Lê Minh Đạt ở thôn 3 tâm tình: “Thấy người xã Quảng Trị có ti vi, có nhà ngói, có xe máy, nhiều đồng bào Mạ đến hỏi bí quyết. Chúng tôi liền chỉ lên những nương rẫy và giải thích cặn kẽ vào thời hiện đại này phải áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật để tăng năng suất, không nên trồng bắp kiểu chọc trỉa trong kẽ đá rồi không chăm sóc nữa. Cứ giải thích mãi, trao đổi mãi rồi cái bụng của người Mạ cũng hiểu ra”.
Càng mừng hơn, khi điều này đã được lan tỏa, sẻ chia và người dân tộc thiểu số ở các xã chung quanh cũng áp dụng hiệu quả. Ông KTụng ở thôn Hòa Bình (xã Đạ Pal) bộc bạch rằng, nếu không có những người trên vùng kinh tế mới xã Quảng Trị hỗ trợ kỹ thuật, chỉ bảo tận tình thì hàng trăm người Mạ còn chưa biết cái bắp lai, cây mỳ cao sản là gì. Giờ thì biết nhiều thứ rồi, người xã Quảng Trị biết gì là chúng tôi đến tìm hiểu và học hỏi thêm cái đó.
“Truyền đi kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, những người xã Quảng Trị lại được chúng tôi chia sẻ những điệu chiêng, những phong tục đẹp của người Mạ để cuộc sống tinh thần đa dạng. Có đi có lại mà”, ông KTụng nhấn mạnh.
Ngoài ra, những người dân xã Quảng Trị còn gìn giữ những nét đặc trưng của văn hóa vùng quê cũ của mình, “ly hương không ly tổ”. Hàng năm xã Quảng Trị vẫn tái hiện các lễ hội đặc sắc của tỉnh Quảng Trị và hát các ca khúc đầy bi tráng về mảnh đất anh hùng Quảng Trị. Những lễ hội này, người Mạ, Cơ Ho cũng háo hức đến tham dự.
Để nhắc nhớ nguồn cội, ngoài các thôn được đánh số, xã Quảng Trị còn được chính quyền cho đặt nhiều tên làng theo tên làng cũ của họ ở Quảng Trị trước khi di cư vào Đạ Tẻh. Nhiều vẻ đẹp về đời sống văn hóa nơi ở cũ đã được gìn giữ. Ông Võ Văn Đoài kể rằng, người họ Võ đã lập quỹ khuyến học, quỹ thăm hỏi người ốm yếu, vận động con cháu chung tay làm việc công ích, trồng hoa ven đường liên bản, liên xã.
Đặc biệt, ông Trương Thái Anh Quốc còn biến ngôi nhà của mình trở thành “bảo tàng”, lưu giữ những đồ vật thường ngày, những món đồ gắn với văn hóa sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Quảng Trị. Là cán bộ gần dân, tích cực cùng người dân tìm hướng phát triển kinh tế, ông Nguyễn Quốc, Chủ tịch UBND xã Quảng Trị khẳng định: “Người dân ở đây rất cần cù và lan tỏa được điều đó cho các dân tộc sinh sống chung quanh. Tinh thần tương trợ được thể hiện rất cụ thể thông qua việc động viên, giúp nhau vươn lên xây dựng cuộc sống mới. Với trên 700 hộ dân đang sinh sống nhưng chỉ còn chưa đến 5% hộ nghèo, 100% đường nông thôn đã được bê-tông hóa, vùng đất hoang hóa xưa đã trở nên giàu đẹp rồi”.
Con suối Đạ Kho hiền hòa, những nương rẫy hai bên bờ là minh chứng cho nghị lực và tinh thần sẻ chia của những người xã Quảng Trị. Nhiều tấm gương sáng đang hiện diện, như các anh Nguyễn Thành Nhân, Nguyễn Văn Như, đã mở rộng diện tích trồng cam, quýt, cho thu nhập cao hàng tỷ đồng mỗi năm.