Theo ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một nghiên cứu gần đây về các rào cản đối với khu vực doanh nghiệp tư nhân của trường Đại học Kinh tế quốc dân cho thấy, khu vực kinh tế tư nhân vẫn tiếp tục gặp nhiều rào cản, khó tiếp cận vốn ngân hàng và gặp nhiều khó khăn liên quan đến các thủ tục thuế và hải quan.

Cụ thể, xác suất hồ sơ xin vay vốn được chấp nhận giải ngân sẽ bị giảm khoảng 23,7 đến 26 điểm phần trăm nếu doanh nghiệp nộp hồ sơ thuộc doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, sẽ tăng khoảng từ 2,3 đến 2,8 điểm phần trăm nếu đó là doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước. Tính toán từ mẫu điều tra 699 doanh nghiệp của Báo cáo cho thấy khu vực tư nhân phải tiêu tốn nhiều thời gian cho các thủ tục này nhiều hơn so với khu vực doanh nghiệp nhà nước. Có tới 34,1% doanh nghiệp khu vực tư nhân phản ánh phải bỏ ra trên 20% thời gian trong một tháng để giải quyết các thủ tục thuế và hải quan, trong khi con số này ở khu vực doanh nghiệp nhà nước chỉ là 14,7%.

“Chính sách về tín dụng” là  "đòn bẩy" để phát triển kinh tế tư nhân (Ảnh: K.D)

Ngoài những khó khăn đặc thù như trên, khu vực kinh tế tư nhân cũng gặp phải những thách thức tương tự như các doanh nghiệp khác trong nước như về vấn đề chất lượng nguồn nhân lực, chi phí lương và bảo hiểm ngày càng cao, chi phí logistics lớn...

Đây là những thách thức cần phải giải quyết để giúp doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cạnh tranh được với các doanh nghiệp trên thế giới.

Doanh nghiệp cần minh bạch thông tin để tăng khả năng tiếp cận vốn

Chia sẻ với những những khó khăn của doanh nghiệp tư nhân, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV, Thành viên hội đồng thành viên Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia cho biết, khu vực kinh tế tư nhân hiện đang đóng vai trò vô cùng quan trọng cho nền kinh tế khi đã đóng góp 43% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước, đóng góp 30% cho ngân sách nhà nước (theo số liệu từ Tổng cục Thống kê).

Về vấn đề vốn đầu tư, vốn đầu tư cho kinh tế ngoài nước chiếm khoảng 39%, vốn cho kinh tế nhà nước gần 38%. Vấn đề là kinh tế ngoài nước nhưng đóng góp cho GDP 43% trong khi khu vực kinh tế nhà nước chỉ chiếm 29% GDP.

"Tính sơ bộ chỉ số ICOR của 3 khu vực kinh tế, kinh tế ngoài nhà nước có ICOR luôn thấp hơn khu vực kinh tế nhà nước, đồng vốn bỏ ra mang lại hiệu quả hơn. Như vậy, phân bổ nguồn lực có vấn đề, ưu tiên “có vấn đề” - ông Cấn Văn Lực nhận định.

Theo TS. Cấn Văn Lực hiện nguồn vốn còn khá khập khiễng, chưa có sự cân đối khi lượng lớn nguồn vốn còn tập trung nhiều từ ngành ngân hàng. Cụ thể, với vốn tín dụng dành cho khu vực tư nhân, riêng ngân hàng chiếm khoảng 41-42% nguồn vốn cho khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là cho vay cá thể, hộ kinh doanh chiếm khoảng 30%. Trong khi đó, nguồn vốn nhà nước còn có hai quỹ rất quan trọng dường như bị bỏ quên và ít dùng đến đó là quỹ phát triển doanh nghiệp, quỹ bảo lãnh vay vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Phát triển kinh tế tư nhân cần thay đổi từ nhận thức đến hành động

Để gỡ khó cho doanh nghiệp tư nhân, ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cần có bước chuyển nhịp nhàng giữa nhận thức và hành động trong việc phát triển kinh tế tư nhân.

Cụ thể, theo ông Kiên, Quốc hội đã thể chế hoá những vấn đề cốt lõi của Cương lĩnh 2011 trong Hiến pháp 2013, với nội dung cốt lõi về kinh tế là công dân, doanh nghiệp tư nhân chỉ được phép làm những việc mà pháp luật cho phép, thành công dân và doanh nghiệp được phép hoạt động trong mọi lĩnh vực, cơ quan quản lý nhà nước muốn hạn chế tự do kinh doanh của công dân phải được luật hoá.

Để triển khai đồng bộ đưa Hiến pháp 2013 vào cuộc sống, trong thời gian 4 năm từ 2013 đến 2018, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều đạo luật để tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển, củng cố địa vị pháp lý của kinh tế tư nhân để sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của xã hội cho phát triển kinh tế, phát triển đất nước.

Bên cạnh việc sửa đổi một số điều luật quan trọng như Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư… ông Kiên cho biết, việc đổi mới trong Luật doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2014 là một bước thể chế hoá quan điểm của Cương lĩnh 2011 và Hiến pháp 2013 về quyền tự do kinh doanh của công dân đã khẳng định người dân và doanh nghiệp được tự do đầu tư kinh doanh, các cơ quan quản lý Nhà nước chỉ được áp dụng các biện pháp hạn chế kinh doanh theo quy định của luật.

"Các đạo luật cũng đề ra những giải pháp khuyến khích kinh tế tư nhân mua cổ phần, góp vốn vào doanh nghiệp nhà nước để dần thay thế phần vốn Nhà nước trong doanh nghiệp hoạt động tại những ngành, lĩnh vực mà kinh tế tư nhân có thể đảm nhận được để phấn đấu nâng cao hiệu quả kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân, đảm bảo duy trì được tốc độ tăng trưởng cao của khu vực này", ông Kiên nói./.

Kim Dung