“BỨC THƯ GỬI ĐỒNG BÀO, ĐỒNG CHÍ, MẤY LỜI DẶN TRƯỚC LÚC ĐI XA” 

Khi giao cho đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký riêng của mình tập tài liệu “Tuyệt đối bí mật”, Bác Hồ nói “đây là bức thư gửi đồng bào đồng chí, mấy lời dặn trước lúc đi xa” và Bác dặn khi nào Bác mất mới giao cho Bộ Chính trị công bố. Đó chính là bản Di chúc lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho Đảng và dân tộc ta, chứa đựng những điều linh thiêng, có giá trị thời đại sâu sắc, thể hiện sức sống và ý nghĩa trường tồn với thời gian.

Nếu tính đến ngày hôm nay thì bản Di chúc của Bác đã được 54 năm lịch sử,   bởi vì Bác viết từ ngày 10-15/5/1965 trong nhà sàn của Bác tại thủ đô Hà Nội, lúc Bác 75 tuổi;  Và đúng hơn là Bác đã về vùng Đá Chông k9, ở đó có một cánh rừng rất đẹp, Bác suy ngẫm, viết và sửa chữa hàng năm một. Vào lúc Bác mất ngày 2/9/1969, Đảng ta công bố bản Di chúc, trong đó có 5 lời thề vĩnh biệt Bác thì tính đến nay tròn 50 năm. Nói về bản Di chúc có mấy dữ kiện quan trọng và rất mong chúng ta thống nhất trong nhận thức:

Một là, Bác viết Di chúc vào dịp sinh nhật, đây là một điều rất kỳ diệu, nó thể hiện bản lĩnh văn hóa của Người. Sinh nhật tức là biểu tượng của sự sống, còn viết Di chúc gợi cho người ta cảm giác sự sống đã đến giới hạn cuối cùng. Tại sao viết Di chúc lại vui? Bác đề là mừng sinh nhật 75 tuổi, bên lề trái của Bản Di chúc Bác ghi là tài liệu tuyệt đối bí mật. Viết Di chúc vào dịp sinh nhật, chọn thời điểm vào 9h – 10 sáng để viết Di chúc và hàng năm cũng vào khoảng thời gian đó Bác sửa Di chúc. Những chi tiết ấy đều nói lên chiều sâu trong thế giới nội tâm của Bác, nói lên bản lĩnh văn hóa của Bác: lấy sự sống vượt lên cái chết. Toàn bộ bản Di chúc là một niềm tin lạc quan mãnh liệt vào thắng lợi của cách mạng, nhất là cách mạng giải phóng miền Nam và niềm tin vào sự phát triển rực rỡ của Việt Nam sau khi chiến tranh kết thúc xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Nói như vậy để làm rõ giá trị văn hóa của bản Di chúc, bản lĩnh văn hóa của Người khi viết Di chúc.

Hai là, cả cuộc đời Bác là một tấm gương về sự khiêm tốn, về sự khiêm nhường. Bác có bảo là Di chúc đâu. Bác chỉ nói là “bức thư để lại cho đồng bào, đồng chí, là mấy lời dặn lại trước lúc đi xa”. Còn Di chúc là chúng ta họa coi như là một trong những tác phẩm cuối cùng của Bác. Ở đây rất mong các đồng chí phân biệt, tác phẩm Di chúc được coi là một trong những tác phẩm cuối đời của Bác, vì Bác viết Di chúc từ lúc Bác 75 tuổi đến 79 tuổi.  Còn tác phẩm cuối cùng, nhất là về mặt lý luận, được Bác cho công bố trên báo, đài vào đúng sinh nhật Đảng lần thứ 39 ngày (3/02/1969), lúc đó Đảng 39 tuổi, còn Bác 79 tuổi là tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Đây là tác phẩm được coi là tác phẩm lý luận cuối cùng của Bác. Tên tác phẩm như vậy là chúng ta đã xin phép Bác để sửa lại, còn nguyên văn lúc đầu trong thiết kế đề cương của Bác là “kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân để nâng cao đạo đức cách mạng”. Nhưng chúng ta đã xin phép Bác, giải thích rõ với Bác, rằng trong Đảng ta đa số là tốt (vào thời kỳ những năm 1960), số xấu xa, hư hỏng ít thôi, cho nên xin phép Bác lấy “xây” là chính và do đó “Nâng cao đạo đức cách mạng” đặt lên hàng đầu để chống chủ nghĩa cá nhân. Bác suy nghĩ một lúc trước lời đề nghị của đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo TW lúc bấy giờ và nói “ý của chú cũng có lý”. Bác rất cẩn thận, Bác lại quay sang hỏi đồng chí Chánh Văn phòng Trung ương cùng đi với đồng chí Trưởng Ban TG: “Còn ý của chú như thế nào?”. Bởi vì khi thảo luận với Bác, chúng ta hoàn toàn nhất trí với đầu đề của Bác, nhưng bây giờ xin phép Bác sửa. Đồng chí Chánh Văn phòng TW trả lời: “Thưa Bác, cháu cũng đồng ý như vậy”. Bác nói một câu rất thấm thía: “Ở đây các chú có 2 người, Bác chỉ có một mình Bác thôi, các chú là đa số, Bác là thiểu số, nhưng vì ý của các chú cũng có lý cho nên Bác tạm cho các chú sửa đầu đề”. Chúng ta đã xin phép Bác để về truyền đạt đúng chỉ thị của Bác đối với đồng chí Tổng Biên tập Báo Nhân dân đăng toàn văn tác phẩm của Bác trên báo Đảng nhân đúng dịp sinh nhật Đảng 39 tuổi (3/2/1969). Bác giữ các đồng chí ấy lại và chưa cho về, Bác bảo một câu rất có ý nghĩa: “Nếu như giả sử các chú giành dụm được tiền mua sắm được một bộ bàn ghế, giường, tủ mới thì liệu các chú có kê ngay vào nhà không hay trước hết là phải quét sạch rác rưởi ở trong nhà đi đã”. Bác tán thành với ý kiến của chúng ta nhưng đồng thời Bác cũng băn khoăn, dường như Bác muốn níu giữ lại cái ý tưởng ban đầu “phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân để nâng cao đạo đức cách mạng”. Lúc đó, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo TW đang suy nghĩ chưa kịp trả lời, Bác lại nói tiếp: “Bác bảo vậy thôi, các chú chưa vội trả lời Bác đâu, bởi đây là vấn đề rất lớn, không đơn giản đâu, các chú cứ suy nghĩ kỹ rồi trả lời Bác sau cũng được, về đăng báo Nhân dân cho kịp” (đây chính là vấn đề tập trung dân chủ - một vấn đề rất lớn). Sau đó Bác nói: “Bác nhờ các chú một việc, nói hộ đồng chí Tổng Biên tập cho Bác một câu: Đầu đề như các chú đề nghị sửa cũng được, nhưng trong ruột bài báo nhất thiết phải in đậm cho Bác một câu: quét sạch chủ nghĩa cá nhân để nâng cao đạo đức cách mạng”. Như thế, dường như Bác Hồ đã làm mẫu cho chúng ta một bài tập thực hành về tập trung dân chủ, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của người khác, không bao giờ áp đặt ai, không bao giờ coi mình là chân lý duy nhất, nhưng đồng thời vẫn giữ được ý kiến riêng, bản sắc độc lập của chính mình. Bác Hồ của chúng ta là như vậy đó. Chính vì vậy mà chúng ta hiểu rõ vì sao trong Di chúc, đoạn nói về Đảng, Bác dạy chúng ta là phải ra sức thực hành dân chủ rộng rãi và thúc đẩy dân chủ trong xã hội. Đây là một trong những phương diện rất có ý nghĩa mang giá trị trường tồn của Bản Di chúc này.

Hoàn cảnh lịch sử viết Bác viết Di chúc là thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta diễn ra hết sức cam go, nhất là trên chiến trường miền Nam. Năm 1965, lúc bắt đầu thảo Di chúc, Bác 75 tuổi là lúc miền Bắc trong mưa bom bão đạn, đã bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chúng đe dọa đưa miền Bắc trở lại thời kỳ đồ đá để ngăn chặn chúng ta chi viện cho cách mạng miền Nam. Trong hoàn cảnh ấy, chúng ta hiểu vì sao ngày 5 tháng 8/1964, Bác triệu tập Hội nghị chính trị đặc biệt và chúng ta coi đây là Hội nghị Diên Hồng của thời đại mới. Ngay sau đó, năm 1965, Bác lặng lẽ viết Di chúc để lại cho đời.

Nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác, xin các đồng chí nhớ cho sự kiện: Những bước ngoặt 20 năm trong cuộc đời của Bác, (nghiên cứu đầy đủ Bác có bước ngoặt 10 năm, bước ngoặc 20 năm, bước ngoặt 30 năm trong cuộc đời và sự nghiệp của Bác). Ở đây chỉ nói đến bước ngoặt 20 năm vì nó gắn với bản Di chúc. Năm 1925, lúc Bác còn rất trẻ, độ tuổi 30, ở phương Tây, ở Pháp, Bác viết tác phẩm lý luận đặc sắc “Bản án chế độ thực dân Pháp” bằng tiếng Pháp. Đây là một công trình chuyên khảo về lý luận rất đặc sắc của Hồ Chí Minh và cũng là một trong những tác phẩm truyền bá chủ nghĩa Mác vào cách mạng Việt Nam. “Bản án chế độ thực dân Pháp” được coi là văn kiện pháp lý kết tội thực dân Pháp xâm lược ngót 1 thế kỷ, để rồi 20 năm sau 1945, Bác viết Tuyên ngôn độc lập, bản Tuyên ngôn dựng nước Việt Nam mới thời hiện đại, Tuyên ngôn lập nước, lập quốc ngang tầm với “Hịch tướng sĩ” của Trần Hưng Đạo, “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi, ngang tầm với với thời Quang Trung Nguyễn Huệ. Nước Việt Nam ra đời với chính thể là Cộng hòa dân chủ, Bác đọc Tuyên ngôn độc lập ở quảng trường Ba Đình với tư cách là Chủ tịch Chính phủ Việt Nam lâm thời. Sau Hội nghị quốc dân Tân Trào từ Tuyên Quang về, đến năm 1946, khi chúng ta có Hiến pháp, có Quốc hội thì Bác là Chủ tịch nước, tức là nguyên thủ quốc gia. Bác làm nguyên thủ quốc gia suốt 45 năm liền, từ 1945 – 1969. Bản Tuyên ngôn độc lập là bước ngoặt 20 năm sau “Bản án chế độ thực dân Pháp”. Với Tuyên ngôn độc lập, có thể coi đây là việc thi hành bản án đó.

Qua theo dõi Đông Dương và hoạt động của Bác Hồ, Pháp dự báo rất chính xác. Trong Hồ sơ của mật thám Pháp ghi rõ: “Biết đâu rồi chính con người này sẽ là kẻ đóng đinh trên quan tài của chế độ chúng ta”. Bản Tuyên ngôn độc lập vừa khai sinh ra nước Việt Nam vừa là bản cáo chung của chế độ thực dân.

Với đồng bào mình, Bác đang đọc Tuyên ngôn thì Bác dừng lại hỏi: “Đồng bào nghe tôi nói có rõ không?”. Bác sợ mình là người xứ Nghệ, đồng bào Hà Nội phát âm nhẹ không nghe rõ. Có lẽ không có một lãnh tụ nào trên thế gian này có sự gẫn gũi đến như thế với dân chúng và đây là sự thể hiện phong cách dân chủ mà Bác thực hiện trong suốt cuộc đời của Bác. Rồi đến 20 năm sau kể từ đọc bản Tuyên ngôn độc lập đến 1965, Bác lặng lẽ viết Di chúc. Bác còn bảo là tài liệu tuyệt đối bí mật. Bác tự tay đánh máy bản đầu tiên và ký tên là Hồ Chí Minh (trong bản Di chúc đầu tiên, Bác tự đánh máy một lần duy nhất, còn các trang sau Bác đều viết tay vì các thầy thuốc khuyên Bác rằng, Bác đau tim rất nặng không nên đánh máy). Trong bản Di chúc, Bác còn ghi một dòng chữ viết tay: Chứng kiến của đồng chí Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương. Đồng chí Lê Duẩn lúc đó là Bí thư thứ nhất được Bác mời đến ký một chữ ký chứng kiến vào bản Di chúc. Với Bác, Di chúc chỉ là một bức thư để lại, nhưng với Đảng là một văn kiện chính trị quan trọng, cho nên cần có một chữ ký sẵn của người đứng đầu Trung ương. Bác dặn riêng đồng chí Vũ Kỳ rằng: “Chú giữ bí mật cho Bác, đừng nói lộ ra ngoài để dân lo, chỉ khi nào Bác đi rồi thì chú mới báo với Trung ương là Bác có bức thư để lại”. Khi Bác mất, Trung ương mở Hội nghị bất thường để bàn việc quốc tang cho Bác, đồng chí Vũ Kỳ báo cáo trước Trung ương toàn bộ tài liệu tuyệt đối bí mật mà đồng chí đã giữ, để Trung ương thảo luận nên công bố Di chúc như thế nào trong Lễ truy điệu Bác, trong hoàn cảnh chiến tranh đang tiếp diễn như thế và bao nhiêu lời Bác dặn chưa thể thực hiện được. Và tại sao trong Lễ truy điệu Đảng ta không thể đọc hết Di chúc, bởi vì có liên quan đến chi tiết này: Bác dặn là: “Thi hài tôi, sau khi đã qua đời tôi yêu cầu được đốt đi, nói chữ là “hỏa táng”, sau này hỏa táng trở thành phổ biến, vừa hợp vệ sinh và đỡ tốn đất”. Trước khi mất, trong lần sửa cuối cùng bản Di chúc, Bác lấy bút mực đỏ thêm vào “đỡ tốn đất ruộng”. Vì những lý do đó mà Đảng ta không công bố hết toàn bộ Di chúc trong Lễ truy điệu Bác, vì Đảng ta quyết định gìn giữ thi hài Bác.

Bác linh cảm rất rõ không đợi được ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Trong Di chúc Bác viết “nếu như sau khi tôi đã qua đời mà miền Nam chưa được hoàn toàn giải phóng thì xin gửi lại một ít tro xương cho đồng bào miền Nam”. Rồi Bác suy nghĩ rất nhiều, Bác gạch chữ “xương” đi và để lại chữ “tro”. Bác gạch chữ “xương” đi là đúng, là rất tinh tế về ngôn ngữ. Bác là một nhà giáo, một nhà ngôn ngữ tinh tế, một nhà thơ, một nhà văn lỗi lạc, một nhà báo nổi tiếng. “Tro xương” là khẩu ngữ, là văn nói, còn đã hỏa táng, đã đốt đi thì trong văn viết chỉ còn lại chữ “tro”. Cả đời người là một bình tro. Sau này, Tố Hữu vĩnh biệt cuộc đời, vĩnh biệt chúng ta, ông để lại mấy vần thơ cuối cùng lấy từ ý này:

Xin tạm biệt đời yêu quý nhất

Còn mấy vần thơ, một nắm tro

Thơ tặng bạn đời, tro gửi đất

Sống là cho và chết cũng là cho.

Tức là dâng hiến. Nói như vậy để chúng ta thấy được hiệu ứng, ảnh hưởng lớn lao từ tư tưởng, đạo đức, phong cách và lối sống của Bác vào đời sống xã hội. Bác lại nghĩ lại miền Nam luôn ở trong trái tim Bác khi Bác dặn là giành một phần tro xương cho đồng bào miền Nam, nhưng rồi Bác lại dặn: “tro thì chia vào 3 hộp sành, miền Bắc một hộp, miền Trung một hộp, miền Nam một hộp. Đồng bào tìm đồi cao mà chôn hộp tro đó xuống cho đỡ tốn đất ruộng”. Bác suốt đời chỉ nghĩ đến dân, suốt đời chỉ thương nông dân (ruộng đất tức là đất trồng lúa). Sau khi Liên Xô đỗ vỡ, chúng ta đã tìm thấy bản thảo Luận án Tiến sỹ sử học của Bác. Bác viết tại Viện Dân tộc thuộc địa Á – Phi ở Liên Xô, Bác học Đại học quốc tế Lê-nin ở nước Nga, và Bác khiêm tốn không bao giờ kể đâu. Bác linh thiêng như thế nào mà phù hộ cho chúng ta trong lần đầu tiên tìm tư liệu của Bác sau khi Liên Xô đổ vỡ, chúng ta tìm được Luận án Tiến sỹ của Bác – Tiến sỹ sử học. Đề tài của Bác rất sâu sắc: “Vấn đề ruộng đất ở Đông Dương”. Thì ra, trong Di chúc này lời dặn của Bác về ruộng đất của nông dân cực kỳ linh thiêng và thể hiện hết tình thương yêu vô hạn mà Bác đã giành cho dân cho nước từ những việc thiết thực, cụ thể như thế. Đó là những điều xung quanh âm hưởng văn hóa, đời sống tâm linh, giá trị tinh thần cao quý của Bác khi mà Bác quyết định viết Di chúc để lại.

Nếu xét về phương diện lý luận, Bản Di chúc này Bác gửi gắm vào đây 02 định nghĩa rất quan trọng mà thoáng qua thì không thấy được. Đặc điểm tư tưởng Hồ Chí Minh nó không nằm ngay trên câu chữ mà nó ở đằng sau câu chữ, ở bên ngoài câu chữ. Người ta gọi Bác là nhà tư tưởng mà tư tưởng ở giữa hai dòng chữ. Bác mang phong cách phương Đông cổ điển, ý tại ngôn ngoại, hàm súc, dư ba, ý vượt ra ngoài đời. Đặc biệt nói như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là những gì thuộc về đặc điểm, cốt cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì không có gì đúng hơn: Bác là hiện thân của sự giản dị, lão thực và hiền minh.

Đặc biệt cái tên mà Bác ký trong bản Di chúc là Hồ Chí Minh. Bác dùng Hồ Chí Minh từ bao giờ? Không phải từ năm 1941 khi Bác trở về Pắc Bó, Cao Bằng đâu. Khi Bác trở về Cao Bằng mùa xuân năm 1941 sau cuộc hành trình 30 năm tìm đường cứu nước, lúc đó Bác chủ trì Hội nghị TW8 để thay đổi đường lối chiến lược, tập trung tất cả để giải phóng dân tộc: Tổ quốc trên hết, dân tộc trên hết, giải phóng dân tộc là hàng đầu, tất nhiên là trên lập trường giai cấp công nhân và gắn bó với mục tiêu cao quý là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Đến năm sau 1942, khi bắt đầu viết lịch sử nước ta bằng thơ (tức là Việt Nam lịch sử ca) ở giữa núi rừng Pac Bó. Bác có một trí tuệ mẫn tiệp, không quên một chi tiết nào, quá khứ, hiện tại tái dựng lại chính xác, chân thực. Bác còn tiên tri, dự báo là năm 1945 Việt Nam sẽ độc lập. (Đó là thời điểm năm 1942, 3 năm sau cách mạng tháng Tám thành công. Lúc đó Đảng chỉ có 15 tuổi, đội ngũ đảng viên chưa đầy 5 nghìn người). Đặc biệt, không chỉ Bác dự báo năm 1945 đất nước được độc lập mà trong suốt cuộc hành trình của Bác, những dự báo về cuộc kháng chiến chống Mỹ ngày càng ác liệt, nhưng Mỹ nhất định thua, bởi vì chúng là phi nghĩa, Việt Nam nhất định thắng vì ta có chính nghĩa trong tay. Bác nhìn trước xu thế của lịch sử, do đó trong Di chúc bác viết “Cuộc chống Mỹ cứu nước dù có phải kinh qua gian khổ, ác liệt nhiều hơn nữa, nhưng đế quốc Mỹ xâm lược nhất định thua. Cách mạng Việt Nam nhất định thắng. Đó là một điều chắc chắn”. Niềm tin lạc quan ấy có cơ sở khoa học, nắm vững xu thế vận động của lịch sử. Đó là một trong những giá trị tư tưởng hàng đầu của Di chúc, nhất là khi chúng ta đặt trong bối cảnh đẩy mạnh cách mạng giải phóng miền Nam. Chữ “Hồ Chí Minh” Bác viết trong “Lịch sử nước ta” và Bác ghi trong bản “Di chúc” khi dịch ra tiếng Nhật thì “Hồ Chí Minh” trùng với Hồ Tat (Sự kiện này là: ở Nhật Bản có một ngôi chùa cổ nổi tiếng tên là Thanh – Thủy – Tự, ở phía Đông Kyoto, chủ trì của ngôi chùa này là một nhà sư nổi tiếng, gọi là vị đại sư, khi Bác mất cụ sư  này khóc Bác rất cảm động. Cụ từ Nhật Bản sang đến tận Pari, Pháp để trao cho đoàn ngoại giao Việt Nam, lúc đó nhà ngoại giao là Võ Văn Sung bài thơ khóc Bác. Cụ giải thích với chúng ta là chữ “Hồ Chí Minh” nếu phiên âm sang tiếng Nhật thì chữ “Hồ” tức là “Hồ tat”, “Chí Minh” tức là “Tri dân”. Tri là tri thức, là trí tuệ, ánh sáng, minh nhân dân. Hồ Chí Minh là Hồ tat tri dân để chúng ta hiểu Người cộng sản hiện đại mang cốt cách phương Đông, “mang tâm hồn lộng gió thời đại” (Phạm Văn Đồng) thì tên của Bác từ đầu đến cuối trong bản Di chúc biểu hiện bao nhiều điều tốt đẹp mà chúng ta chỉ còn một từ thân thiết “Bác Hồ ơi”. Từ “Bác” là đại từ nhân xưng đó được coi là từ vựng  phổ biến nhất nói về những điều cao đẹp của sự sống là chân, thiện, mỹ - những giá trị căn bản của văn hóa mà bản thân Di chúc của Bác cũng là một hiện tượng văn hóa rất độc đáo.

Một điểm nữa mà chúng ta cũng cần nói đến Di chúc: Bác viết Di chúc giờ nào thì trái tim Bác ngừng đập đúng giờ đó - 9h sáng. Còn 9h47’ sáng như Đảng ta thông báo trong Lễ tang là tính cả giờ cấp cứu hồi sức cho Bác. 6 bác sĩ trong Bộ Y tế đặc biệt của Trung ương do Thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ huy đã liên tục cấp cứu hồi sức cho Bác mà tim Bác không đập lại. Những ngày cuối cùng trên giường bệnh, Bác của chúng ta không ăn uống gì. Nhật ký chữa bệnh cho Bác chúng ta còn lưu giữ đến tận ngày hôm nay, lưu trữ tại Văn phòng Trung ương, mỗi ngày 2 thìa sữa cho Bác, mạch máu của Bác đã giãn. Giáo sư Trần Minh Thước là chuyên gia hàng đầu về Tai-Mũi-Họng thường xuyên được Trung ương mời đến để chữa bệnh cho Bác. Vào đúng giờ này, 50 trước, trên giường bệnh, tại ngôi nhà 67 chúng ta đã thắp nén hương tưởng nhớ Bác.

Đặc biệt nữa là tại sao Bác lại đi vào ngày Quốc khánh? Sinh lão, bệnh tử. Sinh vô hạn, tử bất kỳ, nhưng đối với Bác là một vĩ nhân, sự kiện ấy trở nên rất linh thiêng. Các đồng chí so sánh vĩ nhân trên thế gian này mấy người như vậy, chỉ có hai người: Một là Tổng thống Mỹ Thomas Jefferson – tác giả Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ 1776 và ông cũng đi vào ngày độc lập của nước Mỹ 4/7; người thứ hai là Bác – tác giả Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam và đi vào ngày Quốc khánh 2/9 sau 24 năm liền là nguyên thủ quốc gia. Một nghìn từ để lại cho dân cho Đảng, rộng hơn là cho cả thế giới nhân loại, Bác chỉ lấy cái phần tối thiểu chỉ có 79 từ thôi giành riêng cho Bác. Trong Di chúc, đoạn nói về Lễ tang viết riêng cho Bác, Bác viết chỉ có 79 từ và Bác viết vào năm 1965, còn các năm sau là Bác sửa chữa thêm, bổ sung thêm dài ra không còn 79 từ nữa: “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, lãng phí thì giờ, tiền bạc của nhân dân. Tôi để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn thể đồng bào, đồng chí, cho các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng. Tôi cũng gửi lời chào với bầu bạn quốc tế. Điều mong muốn cuối cùng của tôi là một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”, đoạn này Bác viết từ năm 1965, đúng 79 từ. Còn bây giờ, đọc vào Cương lĩnh của Đảng (Cương lĩnh 1991, Cương lĩnh 2011) thì tâm nguyện sâu xa đó của Bác trở thành định nghĩa về CNXH Việt Nam. CNXH Việt Nam là gì: là một xã hội mà dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, thể hiện đúng tâm nguyện của Bác, Di chúc chứa đựng định nghĩa về CNXH Việt Nam. Và, đổi mới cũng thế. Tại sao Bác sửa Di chúc Bác lại sửa kỹ nhất vào năm 1968, lúc Bác 78 tuổi, lúc bắt đầu chiến dịch Mậu Thân, lúc chúng ta hạ quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam. Cuộc Tổng tiến công năm Mậu Thân rất vĩ đại, rất ác liệt nhưng không trọn vẹn. Đại thắng mùa xuân năm 1975 thì Bác đã “đi xa” 6 năm và trước lúc ra đi Bác không được chứng kiến trực tiếp miền Nam giải phóng. Đó là nổi đau đớn lớn nhất của Bác, dù tin thì Bác vẫn tin mãnh liệt “đó là một điều chắc chắn”. Cho nên khi sửa Di chúc vào năm 1968, Bác chủ định bao nhiêu vấn đề. Bác nói Đảng và Chính phủ phải có kế hoạch chủ động, sáng suốt để tránh rơi vào bị động và sai lầm ngay sau khi miền Nam toàn thắng, khi tình hình cách mạng chuyển đổi sang giai đoạn mới sẽ diễn biến phức tạp và khó khăn. Bác dặn không sót một việc gì, không quên một nhân vật, một đối tượng nào. Đúng như đồng chí Phạm Văn Đồng nhận xét: “Trong trái tim mênh mông của Bác có chỗ chứa cho tất cả mọi người”. Bác dặn: Theo ý tôi, việc trước tiên phải làm là tập trung chỉnh đốn lại Đảng. Đây là một tư tưởng lớn. Trong bản thảo năm 1968 và bản thảo cuối cùng năm 1969 cũng vậy là tập trung chỉnh đốn lại Đảng. Trước hết nói về Đảng. Công việc đầu tiên là công việc với con người. Hai mệnh đề này là hai điểm sáng, nổi bật nhất trong Di chúc. Bác dặn những gì để lại cho đồng bào, đồng chí thì trước hết là dặn về Đảng và đầu tiên là công việc với con người. Nói về Đảng, Bác lại chọn đoàn kết là việc đầu tiên, đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta và của Đảng ta: Các đồng chí từ Trung ương đến chi bộ phải giữ gìn đoàn kết nhất trí trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Đây là một trong 5 lời thề xúc động nhất là đoàn kết trong Đảng và lúc này trở nên hết sức thời sự.

Đặc biệt, nói về con người là đầu tiên công việc với con người. Bác nhấn mạnh đầu tiên là việc đền ơn đáp nghĩa với người có công với nước, những gia đình thương binh liệt sỹ, tuyệt đối không để họ rơi vào cảnh túng thiếu, đói khổ. Bác dặn tất cả phải làm hết sức mình vì hạnh phúc của nhân dân. Năm 1946, khi chính thể cộng hòa mới ra đời, Bác chỉ thị chúng ta phải làm ngay: làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có chỗ ở, làm cho dân được học hành. Làm  được 4 vấn đề đó để cho dân xứng đáng là người dân một nước độc lập và nhân dân sẽ phát huy tài năng, sáng kiến, hăng hái để xây dựng chế độ mới. Còn trong Di chúc đầu tiên là công việc với con người, chăm lo cho tất cả. Bác đề nghị Đảng miễn thuế cho nông dân ngày sau giải phóng miền Nam. Bác dặn Đảng ta bồi dưỡng thế hệ cách mạng đời sau là một việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết. Bác căn dặn phụ nữ phải chủ động vươn lên, giành lấy quyền bình đẳng và các cấp đảng bộ, chính quyền phải quan tâm đặc biệt đến chị em để phát triển và tiến bộ kể cả phụ nữ tham gia vào công tác lãnh đạo, tham gia vào đời sống chính trị và hiện giờ có rất nhiều đồng chí đã giữ trọng trách của Đảng và Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, đấy là một điều chúng ta thực hiện được lời căn dặn của Bác. Bác dặn phải chủ động vươn lên, khắc phục tự ti, mặc cảm để giành lấy quyền bình đẳng. Đây là một cuộc cách mạng bình quyền. Tình thương của Bác giành cho lớp trẻ và phụ nữ như vậy. Chúng ta thấy rõ chủ nghĩa nhân văn cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc.

Bác còn trù định đổi mới. Người có tư tưởng đổi mới, hội nhập từ rất sớm, có thể nói ngay từ khi có chính thể mới. Và sớm hơn nữa ngay từ khi Đảng ta chưa ra đời. Đảng ta ra đời năm 1930, nhưng năm 1925, khi viết dự thảo Điều lệ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội, Bác nói: sau này đất nước đi vào xây dựng ta phải áp dụng tân kinh tế chính sách  của Lê – nin (tức là chính sách kinh tế mới – NEP). Đó là dấu hiệu đổi mới. Vừa mới giành độc lập, Bác viết thư gửi tổng thống các nước phương Tây. Bác thông báo Việt Nam đã giành được độc lập và xứng đáng có tự do, độc lập. “Nếu các ngài công nhận độc lập của Việt Nam thì  tôi sẵn sàng sẽ đặt quan hệ ngoại giao ngay với chính phủ các ngài và gửi ngay nam nữ thanh niên Việt Nam sang học tập tiến bộ công nghệ phương Tây”. Ngày 25/8/1968, Bác có thông điệp gửi cho Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ. Bác chủ động tháo ngoài nổ bế tắc trong đàm phán kéo dài và Bác mở đường cho sự phát triển của khoa học. Bác nói: Điều kiện tiên quyết là Mỹ rút về nước, công việc nội bộ Việt Nam giải quyết êm thấm ngay. Khi giải quyết xong công việc nội bộ của Việt Nam, đi vào tái thiết đất nước sau chiến tranh, chúng tôi lại trải thảm đỏ để mời các ngài đến vì chúng tôi biết tin vào công nghệ của Hoa Kỳ là như thế nào. Từ nền tảng nhận định như thế của Bác và Di chúc cuối cùng để chúng ta tính đến tư tưởng đổi mới, hội nhập rất sâu sắc và tinh tế trong bản Di chúc này. Nó mang tầm tư tưởng thời đại. Bác nói “Đây là cuộc chiến đấu khổng lồ giữa cái tốt tươi, mới mẻ với cái xấu xa, hư hỏng, lỗi thời”. Đổi mới bắt đầu từ đổi mới tư duy, đổi mới bắt đầu từ Đảng, Đảng đổi mới chính bản thân mình để thúc đẩy đổi mới cả xã hội và do đó đổi mới được tập hợp lực lượng của dân thành phong trào, thành lực lượng để dân thực hiện. Thành tựu vĩ đại của chúng ta hơn 30 năm đổi mới thì nhân dân chính là đồng tác giả của sự nghiệp đổi mới này, thẻ hiện niềm tin vô hạn của Bác về vai trò của quần chúng. Định nghĩa về đổi mới của Bác rất tinh tế. Theo dõi toàn bộ lịch trình hoạt động lý luận của Bác, từ “Đường Kếch mệnh” 1927, Bác đã định nghĩa “kếch mệnh” là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cải xấu giành cái tốt, từ bỏ cái lạc hậu, lổi thời vươn tới cái tiến bộ, phát triển. Một cách nói dung dị, dân gian như thế thôi nhưng tầm tư tưởng thì xứng đáng được coi là một định nghĩa kinh điển về cách mạng. Bác không bao giờ dùng ngôn ngữ hàn lâm bác học, Bác dùng ngôn ngữ của đời sống nhân dân, nói lời nói của dân thể hiện trong Di chúc này. Cho nên hơn 50 năm mà chúng ta thực hiện Di chúc của Bác, chúng ta nghiên cứu kỷ bản Di chúc đúng là Bác đã tổng kết về lý luận và thực tiễn về cách mạng Việt Nam mà gắn bó máu thịt giữa cuộc đời và sự nghiệp của Bác với sự nghiệp của dân tộc và của Đảng. Về giáo dục, trong Di chúc Bác cũng nói: Phải sửa đổi chế độ giáo dục cho thích hợp với hoàn cảnh mới, hãy tìm tòi mô hình giáo dục của nhà trường, một nửa ngày học, một nửa ngày lao động sản xuất, học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn. Bác chỉ ra trong Di chúc là phát triển công tác y tế, vệ sinh, chăm lo sức khỏe của nhân dân tức là công việc của bệnh viện, của thầy thuốc mà luôn luôn Bác coi y đức là hàng đầu. Bác cũng dặn phải xây dựng văn hóa, đời sống mới, lối sống mới và xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Chúng ta phải hiểu không chỉ là giá trị vật chất mà còn cả giá trị tinh thần tức là văn hóa. Có thể nói chúng ta đã tiếp nhận Di chúc với bao nhiêu điều cao quý.

Trong Di chúc, Bác dành một đoạn nói về tình hình quốc tế: “Là người suốt đời phục vụ cách mạng và nhân dân, tôi càng tự hào về sự lớn mạnh của cách mạng bao nhiêu tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa của các đảng anh em, của các nước anh em. Tôi mong Đảng ta phải sự đoàn kết hết sức mình để củng cố sự đoàn kết đó lại. Và tôi cũng tin rằng các Đảng anh em rồi cũng nhất định phải đoàn kết lại”. Một người như Bác suốt đời lạc quan, hy vọng và tin tưởng mà hạ đặt bút viết chữ “đau lòng” thì nổi đau này sâu sắc đến nhường nào.

Các đồng chí biết, trong Lễ truy điệu Bác, Đảng ta mời 40 nước và 40 Đảng khác nhau đến dự lễ tang. Trong Lễ truy điệu tại quảng trường Ba Đình, khi đồng chí Lê Duẩn công bố đoạn “… tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa của các đảng, các nước anh em…” thì không vị một trưởng đoàn nào không lấy khăn lau nước mắt, cảm thấy có lỗi với Bác, bởi vì Bác không chỉ ảnh hưởng đến Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến tầm quốc tế.

Sau Lễ tang Bác, Đảng và Chính phủ ta tiễn các đoàn về nước, vì chiến tranh rất căng thẳng, vậy mà Trưởng đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Liên xô thay đổi lịch trình, đồng chí Cuôc-xơ-ghi - Ủy viên BCT, Chủ tịch Chính phủ Liên Xô, Trưởng đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Liên xô sang Việt nam dự Lễ tang Bác chủ động đi Bắc Kinh để đàm phán với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Người ta coi cử chỉ cao thượng này của Cuôc-xơ-ghi là người quốc tế đầu tiên học Di chúc và làm theo Di chúc của Bác. Chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa quốc tế vô sản chân chính và trong sáng là cả một sự phấn đấu của cuộc đời Bác. Chúng ta biết chi tiết và sự kiện này để thấy được tầm ảnh hưởng tư tưởng của Bác, để chúng ta nhận thức cho đầy đủ hơn giá trị thời đại, sức sống và ý nghĩa trường tồn của bản Di chúc 1000 từ này.

Bản Di chúc ấy qua năm tháng thời gian, bây giờ đã chính thức trở thành bảo vật quốc gia (tức là quốc bảo). Với Bác không chỉ là quốc bảo đâu, Bác hợp thành phương pháp cho nên gọi là pháp bảo nữa, quốc bảo đồng thời là pháp bảo nhất là Di chúc này. Tất cả những tác phẩm lý luận của Bác, qua nghiên cứu, đánh giá, nhất là thẩm định qua thực tiễn thời gian, bây giờ Đảng và Nhà nước ta đã trân trọng đưa 5 tác phẩm của Bác vào hàng quốc bảo. 5 tác phẩm đó chúng ta đều biết và đã học: Tác phẩm thứ nhất là Đường Kếch mệnh, Bác viết năm 1927 khi Bác 37 tuổi; Đường Kếch mệnh viết sau Cách mạng tháng Mười Nga 10 năm; Tác phẩm thứ hai là  Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19/12/1946). Các đồng chí về lại Mạn Phúc, Hà Đông thì sẽ chứng kiến nơi Bác viết Lời kêu gọi. Bác thảo luận với Thường vụ Trung ương lúc bấy giờ để quyết định khởi sự toàn quốc kháng chiến. Người ta kể lại rằng, trong thời gian căng thẳng ấy, mỗi đêm Bác chỉ có chợp mắt có nửa tiếng đồng hồ và phải thay đổi chỗ ở cho Bác liên tục để bảo toàn tuyệt đối tính mạng cho Bác trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng như thế. Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến đó (Bác đọc trong hang núi đá chùa Thầy nhưng Hà Nội lúc đó đã mịt mù trong khói lửa chiến tranh, đạn pháo của kẻ thù) có câu nói nổi tiếng: “Thà hy sinh tất cả, quyết không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Khi rời khỏi chùa Thầy để trở về ATK, Bác đưa ra một câu đối với nhà sư trụ trì chùa nhưng thực ra cốt yếu của đường lối kháng chiến kiến quốc: kháng chiến tất thắng để kiến quốc tất thành. Vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Tác phẩm này là quốc bảo dù là một lời kêu gọi rất ngắn gọn. Lúc đó Bác 56 tuổi, là Chủ tịch nước Việt Nam DCCH chính thức ở tầm nguyên thủ quốc gia sau cuộc đi Pháp kéo dài 5 tháng liền đàm phán mà không có kết quả. Bác còn kêu gọi thanh niên: Các em quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Tổ quốc ngàn đời ghi công các em, hãy tiến lên chiến lũy bảo vệ Hà Nội. Và cảm động nhất, Bác hỏi đồng chí Võ Nguyên Giáp, lúc đó là Bộ Trưởng Bộ Nội vụ, sau là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: Hà Nội cầm cự được bao lâu? Dạ, Thưa Bác, cố lắm thì được 60 ngày đêm. Bác bảo: Thế là tốt rồi. Thế các tỉnh khác thì sao? Sẽ nhiều hơn. Nông thôn thì sao nữa? Nông thôn càng lâu hơn. Như thế là đủ thời gian để cơ quan đầu não Trung ương rút về Việt Bắc chấp nhận một cuộc trường chinh mới: 9 năm trường kỳ kháng chiến. Trước đây nhờ Việt Bắc mà cách mạng thành công, bây giờ nhờ Việt Bắc một lần nữa để kháng chiến tất thắng để kiến quốc tất thành. Bác suốt đời lo cho dân nên lúc đó Bác hỏi ông  Lê Văn Hiến – Bộ trưởng Bộ Tài chính lúc bấy giờ mấy câu hỏi thiết thực: Chú cho Bác biết đến giờ này chú chuẩn bị được bao nhiêu gạo, lên núi rừng phải có gạo cho quân, cho dân. Bao nhiêu muối, bao nhiêu dầu hỏa để thắp sáng? Và hơn nữa chú chuẩn bị được bao nhiêu thuốc kí ninh (thuốc chống sốt rét). Bác lo cho dân, lo cho quân trong cuộc trường chinh kháng chiến mới. Trên đường lên chiến khu Việt Bắc, Bác dừng chân rất lâu ở Thanh Hóa. Bác dặn Thanh Hóa phải xây dựng tỉnh trở thành một tỉnh kiểu mẫu cho cả nước noi theo. Rời Thanh Hóa để trở về chiến khu Bác có buổi làm việc với các vị già làng, trưởng bản mà Bác gọi là các vị Lang nở, vì chăm lo đời sống cho bà con ở đây trông sự nhờ cậy ở các vị Lang nở. Bác dặn Thanh Hóa trước tiên là phải xóa đói, không được để ai nhịn đói, cũng như dặn các đồng chí lãnh đạo ở quê nhà Nghệ An 3 tháng trước khi Bác mất là không để dân đói; thứ hai là xóa ngay nạn mũ chữ, trong thời hạn 6 tháng toàn dân phải biết chữ. Rồi tìm đến giúp nhau cùng tăng gia sản xuất, lá lành đùm lá rách, cộng đồng trách nhiệm như nhau để tiến tới đủ ăn, từ đủ ăn tiến tới khá giả, từ khá giả đến giàu có, đã giàu có rồi thì giàu có nữa, giàu có mãi miễn là bằng sức lao động chính đáng của mình. Bác nói với Thanh Hóa vào thời điểm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp mà bây giờ chính là tư tưởng của CNXH, một CNXH giàu có, văn minh, hiện đại chứ không phải là một CNXH khắc khổ, trong đói nghèo, thiếu thốn. Tư tưởng của Bác hiện đại như thế.

Đặc biệt nữa, tại sao Bác dặn chúng ta một điều rất quan trọng, 4 chữ “thật” ở trong một đoạn văn ngắn về Đảng cầm quyền: “Thật sự đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; thật sự chống bệnh chủ nghĩa cá nhân; thật sự trong sạch vững mạnh xứng đáng là người lãnh đạo cách mạng để thật sự là đại biểu trung thành với lợi ích của nhân dân;”. Người ta coi 4 chữ “thật” trong đoạn ngắn của Di chúc là hình ảnh chủ thuyết về xây dựng Đảng cầm quyền của Hồ Chí Minh. Như vậy, trong Di chúc có tư tưởng về CNXH, có tư tưởng về Đảng cầm quyền, có tư tưởng về thực hành dân chủ, có tư tưởng về quản lý xã hội mà lấy an sinh của dân làm gốc, lo tất cả cho cơm ăn áo mặc của dân, thực hiện cho được hệ giá trị của phát triển là độc lập, tự do, hạnh phúc. Chỉ có 1000 từ thôi mà Di chúc phản ánh, đề cập bao nhiêu vấn đề lớn như thế trong hiện tại, trong tương lai mà bắt đầu bằng một niềm tin lạc quan nhất định chiến thắng, để xây dựng Việt Nam nhất định đàng hoàng hơn, to đẹp hơn và có mặt xứng đáng trong đời sống quốc tế. Đó là tầm tư tưởng lớn trong Di chúc mà chúng ta có thể khái quát.

Từ Đại hội XII trở đi, nhất là Chỉ thị 05 của BCT sau Đại hội, Đảng ta có một nhận thức rất mới và quan trọng về Bác. 10 năm trước, chúng ta chỉ nhấn mạnh tấm gương đạo đức của Bác, học và làm theo. Còn từ Đại hội XII trở đi, hiện nay và mãi mãi về sau này phải học tập và làm theo Bác về tư tưởng, đạo đức và phong cách. Đó là một chỉnh thể: tư tưởng đồng thời là đạo đức mà tư tưởng và đạo đức kết tinh thành phong cách. Phong cách chính là con người. Câu nói rất nổi tiếng của nhà văn Pháp Buy – phông từ thế kỷ XVIII “Phong cách chính là con người”. Hồ Chí Minh là kết tinh tất cả nét đặc sắc của phong cách Hồ Chí Minh, trong đó có tư tưởng, có đạo đức, có phong cách. Tư tưởng ở tầm cao thời đại, đạo đức mẫu mực trong sáng của người cách mạng. Còn phong cách của Bác trong Di chúc là thế nào? Đây là cả một đề tài rất có ý nghĩa, chúng ta có thể dành nhiều thời gian để nghiên cứu, thâm canh với nhau về tư tưởng này thì sẽ thu được rất nhiều điều quý báu. Phong cách của Bác thể hiện trong Di chúc có thể rút ra được mấy điều nhận xét như thế này: Một là thực sự vĩ đại cho nên thực sự giản dị, giản dị mà vĩ đại, vĩ đại thực sự nên giản dị thực sự. Lời văn của Bác, câu chữ của Bác cân nhắc đến từng từ thể hiện trí tuệ, tâm hồn, tình cảm của Bác. Bác giản dị chứ không giản đơn. Giản dị là tột cùng phong phú và sâu sắc, trải nghiệm cuộc sống rồi mới đi đến những lẽ đời thường, tự nhiên, hồn nhiên, làm chủ hoàn cảnh, làm chủ chính mình, làm chủ số phận của mình nữa. Một câu danh ngôn nổi tiếng của thế giới: “Giản dị là nỗ lực cao nhất của bậc thiên tài”. Hai là, Người có khả năng dùng cái tối thiểu để tải cái tối đa, chữ thì ít nhất mà nghĩa thì nhiều nhất. Đây chính là phong cách Hồ Chí Minh. Ba là, phong cách Hồ Chí Minh là sự tinh tế trong ứng xử và lối sống. Đọc bản Di chúc từ năm 1965 đến năm 1969 chúng ta sẽ nhận ra: tại sao trong bản viết năm 1965, Bác viết “… Ai mà đoán biết được tôi còn sống để phục vụ Tổ quốc và đồng bào được mấy tháng, mấy năm nữa”? Khi viết Di chúc vào năm 75 tuổi, Bác hình dung Bác đi vào năm này, cho nên Bác dẫn ra cụ Đỗ Phủ. Nhà thơ Đỗ Phủ: “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”. Đến năm 1968, nhờ kiên trì chống chọi với bệnh tật, vượt lên trên đau đớn và chữa bệnh, Bác đi ra nước ngoài mà không có cố vấn, nhất là sang Trung Quốc chữa bệnh, Bác viết “Ai mà đoán biết được tôi còn sống để phục vụ Tổ quốc và đồng bào mấy năm, mấy tháng nữa”. Đến năm 1969, bao nhiêu sự kiện làm Bác lo lắng, dằn vặt và Bác cũng không thể sống lâu hơn nữa, sức khỏe giảm sút từng ngày, lần chữa Di chúc cuối cùng năm 1969, Bác lại về Đá Chông, Bác lại sửa Di chúc ngay nơi ở của Bác. Hôm sửa Di chúc lại đúng tình cờ ngày họp Trung ương mà Bác là Chủ tịch Đảng phải chủ trì cùng với đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn. Bác nhìn đồng hồ 9h sáng, Bác nói với các đồng chí Trung ương nghỉ giải lao. Giải lao xong, chú Ba (tức Lê Duẩn) chủ trì ngay cho Bác, Bác có việc phải về nhà. Chỉ có đồng chí Vũ Kỳ, Lê Duẩn là biết Bác về sửa Di chúc. Bác sửa Di chúc trong nhà ở, phòng 67. Đặc biệt, bản Di chúc năm 1969 khi đọc lên chúng ta thấy điều này: không còn là sự sống nữa, không còn thời gian năm và tháng nữa, chỉ còn giây phút thôi: “Ai mà đoàn biết được tôi còn có thể phục vụ Tổ quốc và đồng bào được bao lâu nữa”. Chỉ riêng thể hiện chữ nghĩa theo 3 cách viết khác nhau của 3 năm này, chúng ta thấy Bác tinh tế biết nhường nào. Vì thế chúng ta hiểu vì sao năm 1969, Bác kiên quyết không cho tổ chức sinh nhật Bác. Tổng Bí thư Lê Duẩn thiết tha đề nghị Bác: Thưa Bác, ngoài Bác ra còn có Trung ương, còn có Mặt trận, có Chính phủ và nhất là có đoàn ngoại giao, mấy chục vị đại sứ đang chờ chúc thọ Bác, nhưng Bác không cho nên không biết làm thế nào. Đồng chí Lê Duẩn đề nghị đến thế thì Bác miễn cưỡng nói: Thôi, nếu vậy thì các chú làm nhanh lên cho Bác, đừng kéo dài, đừng bày vẽ tốn kém làm gì, chỉ cho Bác mấy bông hoa là được rồi. Bác còn dặn thêm: Chỉ 5 bông hồng đỏ thôi. Có ngờ đâu, bó hoa của Trung ương chúc thọ Bác là bó hoa cuối cùng chúc thọ Bác, vẻn vẹn đúng 5 bông hồng đỏ. Tinh tế trong ứng xử, kể cả trong chữ nghĩa là thế. Tại sao Bác nói làm người suốt đời phục vụ cách mạng và nhân dân. Bác nói: Nay dù từ biệt thế giới này (Bác không một lần dùng từ “chết). Trong Di chúc 1.000 từ không một từ nào là “chết”: Bác chỉ dùng: “đi tìm gặp các cụ Các Mác, cụ Lê- nin, các vị cách mạng đàn anh khác” hay là “từ biệt thế giới này” hay là “qua đời”, ngay cả khi Bác 79 tuổi, Bác vẫn nói “ngoài 70 xuân”). Bác dặn chúng ta một điều rất quan trọng: Bác không có điều gì hối hận cả vì đã hết lòng vì dân vì nước, Bác chỉ còn một điều nuối tiếc: “Chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ Tổ quốc và nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”, Bác không bao giờ hưởng thụ chỉ có dâng hiến. Sự nuối tiếc của Bác là một sự nuối tiếc đầy cao thượng. Dâng hiến, hóa thân, dấn thân vào dân vào nước, không một lời nào đòi hỏi thụ hưởng. Câu nói nổi tiếng của Mác “Hạnh phúc là đấu tranh”, ai hy sinh cho người khác nhiều thì nhất định người ấy hạnh phúc nhất. Với Bác là tình thương mênh mông dành cho dân cho nước và cho cả thế giới. Bản Di chúc cao thượng là ở chỗ đó. Tại sao Bác trả lời các nhà báo nước ngoài ở những thời điểm khác nhau thì khác nhau: Năm 1946, Bác là Chủ tịch. Trong đời Chủ tịch cái gì quan trọng nhất? Bác trả lời rất hiện đại, đúng là 30 năm ở châu Âu, ở phương Tây nên tư duy rất hiện đại: “Độc lập cho Tổ quốc tôi, tự do cho dân tộc tôi, hạnh phúc cho đồng bào tôi, đó là tất cả những gì tôi muốn, đó là tất cả những gì tôi hiểu”. Còn năm 1969, năm cuối đời, một nhà báo trẻ của đoàn Thanh niên Cộng sản Cu Ba bay nửa vòng trái đất để phỏng vấn Bác một câu rất cảm động: Thưa Bác, trong cuộc đời của Bác, đâu là điều thiêng liêng nhất? Bác trả lời đúng một câu: Bác đặt tay lên ngực nơi trái tim: Tôi tự nguyện dâng hiến đời tôi cho nhân dân tôi, cho dân tộc tôi và cho cả thế giới nhân loại. Nói đến Bác, nhất là bản Di chúc Bác để lại ta không bao giờ quên những điều Bác đã tâm sự. Bác tâm sự thế này: “Mỗi người có một nổi đau riêng, mỗi gia đình có một nổi khổ riêng, cộng tất cả nổi khổ đau đó lại là nổi đau của chính bản thân tôi”. Bác là một con người mang nổi đau vĩ đại, ôm trùm tất cả. Khi đồng bào chúc thọ Bác sinh nhật đầu tiên 56 tuổi, Bác trả lời thế này: “Tôi cảm ơn đồng bào đã có công, có quà, có bánh cho tôi, chúc thọ tôi ngày sinh nhật, năm nay tôi mới có 56 tuổi thôi, chưa đến cái tuổi để đồng bào chúc thọ đâu. Từ trước đến giờ tôi đã là người của đồng bào thì từ giờ về sau và mãi mãi tôi vẫn là người của đồng bào, vẫn thuộc về đồng bào”. Tức là dâng hiến và như thế là từ chối, từ chối tất cả phần thưởng, huân chương, chỉ có một điều “miền Nam trong trái tim tôi”, đến huân chương sao vàng Bác cũng từ chối. Bác nói là tặng riêng cho Bác Tôn, Bác Tôn đại diện cho miền Nam. Còn với Bác chưa muộn, đợi đồng bào miền Nam được giải phóng, Nam – Bắc sum họp một nhà, đồng bào miền Nam được Quốc hội cho phép, thay mặt cả nước gắn huân chương cho Bác cũng chưa muộn, cho nên khi Bác ra đi, trên ngực áo không một tấm huân chương. Khi Bác mất hai bên giường gối ướt đẫm nước mắt, vì chúng ta muốn mời Bác rời Hà Nội. Trong thời kỳ đó căng thẳng lắm, đê bị vỡ như thế, bom Mỹ ném như thế, đảm bảo an toàn cho Bác bên giường bệnh ở nơi rất xa (chỗ Đá Chông), nhưng Bác có đi đâu, Bác nói rằng Bác không thể bỏ dân mà đi được. “Đưa Bác đi các chú chỉ đưa được một mình Bác thôi, còn dân các chú tính sao. Dân mới là quan trọng”. Và dân chính là nổi đau đáu cả cuộc đời của Bác, đến phút chót của cuộc đời Bác chỉ nghĩ đến dân, trong dân có một nửa là phụ nữ, trong dân đó có “miền Nam trong trái tim tôi”.

Bây giờ 50 năm qua, việc thực hiện Di chúc của Bác trở thành một vấn đề thiêng liêng. Nó kết tinh ở 5 lời thề vĩnh biệt Bác.

Hoàn cảnh ra đời Tờ Điếu văn: 9h sáng cử hành Lễ truy điệu mà đến giờ chót bản Điếu văn hay nhất mới được Trung ương chấp thuận, còn trước đó không có bản Điếu văn nào được Bộ Chính trị thông qua. Vì chúng ta có một đề nghị là phải có một bản Điếu văn hay nhất cho Bác, cảm động nhất cho Bác và xứng đáng nhất với Bác. Bản Điếu văn hay nhất, cảm động nhất 5h sáng ngày 9/9/1969 mới được thông qua.

Trong Điếu văn của Đảng ta cách đây 50 năm có 5 lời thề vĩnh biệt Bác, bây giờ không có gì thiết thực hơn là chúng ta nhìn lại 5 lời thề đó đã được thực hiện như thế nào và những vấn đề gì đang được đặt ra hiện nay, đang cần tiếp tục thực hiện để xứng đáng với Bác hơn nữa.

“Vĩnh biệt Người, chúng ta thề:

- Giương cao mãi mãi ngọn cờ độc lập dân tộc, quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước để thoả lòng mong ước của Người.

- Đem hết sức mình tiếp tục phấn đấu thực hiện lý tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa cao đẹp mà Người đã vạch ra cho giai cấp công nhân và nhân dân ta, đem lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc cho đồng bào.

- Hết lòng hết sức giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình, tăng cường sức chiến đấu của Đảng, làm hạt nhân cho khối đoàn kết toàn dân, bảo đảm cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam hoàn toàn thắng lợi.

- Luôn luôn phát huy tình cảm quốc tế trong sáng của Hồ Chủ tịch, hết lòng góp sức vào việc khôi phục và tăng cường sự đoàn kết nhất trí trong phe xã hội chủ nghĩa và giữa các Đảng anh em trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản; thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc Đông Dương; ra sức ủng hộ phong trào cách mạng của nhân dân các nước, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

- Suốt đời học tập đạo đức, tác phong của Người, bồi dưỡng phẩm chất cách mạng, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, rèn luyện mình thành những chiến sĩ trung thành với Đảng, với dân, xứng đáng là đồng chí, là học trò của Hồ Chủ tịch. Noi gương Người, toàn thể nhân dân ta, thanh niên ta nguyện ra sức trau dồi mình thành những con người mới, làm chủ đất nước, làm chủ xã hội mới, mang lá cờ bách chiến bách thắng của Hồ Chủ tịch tới đích cuối cùng”.

(Điếu văn của Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất, đọc tại Lễ truy điệu trọng thể Hồ Chủ tịch, ngày 9 tháng 9 năm 1969)

Năm nay 2019 trùng hợp bao nhiêu sự kiện: 50 năm Bác mất, 50 năm thực hiện Di chúc của Người, 65 năm chiến thắng Điện Biên phủ, chiến khu Việt Bắc và riêng tác phẩm lý luận của Bác là 70 năm tác phẩm Dân vận (Bác viết năm 1949) và 70 năm tác phẩm “Cần, kiệm, liêm, chính”. Bốn chuẩn mực đạo đức đó thành đầu đề tác phẩm của Bác (Bác viết vào tháng 6/1949 lấy tên là Lê Quyết Thắng). Tên của Bác dùng cho các tác phẩm cũng rất có ý nghĩa: Viết đời sống mới thì Bác lấy tên là  Dân Sinh, viết cần, kiệm, liêm, chính lấy tên là Lê Quyết Thắng, tức là quyết đánh bại chủ nghĩa cá nhân và xây dựng cho được 4 đức để làm người mà có 2 yêu cầu cao như thế này: Phải đủ cả 4 đức mới thành người hoàn toàn, thiếu một đức cũng không thành người. Ở đời “nhân vô thập toàn” nên không ai là hoàn toàn cả, ai cũng có cái hay, cái dở, cái tốt, cái xấu cho nên phải rèn đạo đức suốt đời đau đớn như giã gạo. Để có đạo đức trong sáng thì lời thề đạo đức này Đảng ta nói về đạo đức cách mạng. Và suốt 50 qua nhờ giữ được đạo đức cách mạng một cách phổ biến cho đội ngũ của chúng ta mới có được ngày hôm nay như thế này và bây giờ quyết tâm chỉnh đốn Đảng làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh. Chính vì vậy mà Đảng ta phải xây dựng Đảng về đạo đức mà đạo đức là cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư của Hồ Chí Minh.

Để nhìn lại sự kiện này, xin các đồng chí đừng quên một số sự kiện: Ngay sau khi Bác mất, Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương lúc bấy giờ không thông báo công khai trên báo đài một chủ trương, một quyết định quan trọng là giữ gìn vĩnh viễn thi hài Bác và chuẩn bị khởi công xây dựng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh khi điều kiện cho phép (tức là khi giải phóng xong miền Nam). Lăng Hồ Chí Minh là công trình viện trợ không hoàn lại của Liên Xô, cho nên chúng ta ngàn đời biết ơn Liên Xô về tất cả những gì Liên Xô đã làm cho chúng ta, về Bác Hồ.

Quyết định thứ hai là cho phép Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam lúc đó (tức là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh bây giờ), đội thiếu niên tiền phong, đội nhi đồng mang tên Bác.

Quyết định thứ ba là kết nạp lớp đảng viên Hồ Chí Minh năm 1969, đến năm này là tròn 50 tuổi đảng.

Khi Bác mất, tổ chức truy điệu Bác xong, chúng ta chứng kiến một nổi đau vô hạn nữa là đã đến chúng ta sẽ xa Bác rất lâu vì Trung ương quyết định đưa Bác đi Liên Xô thì mới bảo vệ, giữ gìn được thi hai Bác. Trong hoàn cảnh ấy, đó là một giải pháp tốt nhất, giải pháp tối ưu mà thỏa thuận giữa hai Đảng, hai Nhà nước, có cả bản Thỏa thuận, thời bấy giờ đóng dấu Tối mật, rồi sau đó có điều kiện để đón Bác về. Nhắc lại để chúng ta biết và ghi lại công lao của Liên Xô trong việc giữ gìn một biểu tượng tinh thần cho dân tộc chúng ta.

Chắc chúng ta đều biết nhà thơ Tố Hữu – ngọn cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam, ngày khởi đầu viếng Bác, sáng 6/9/1969, Tố Hữu đã chạy về viếng Bác và viết bài thơ “Bác ơi”:

Chiều nay con chạy về thăm Bác

Ướt lạnh vườn rau mấy gốc dừa…

Đoạn đau đớn nhất là nhà thơ cho chúng ta biết là nổi đau đớn phải nuốt nước mắt vào trong, không thể khóc òa như trẻ nhỏ được:

Ôi Bác Hồ ơi những xế chiều

Nghìn thu nhớ Bác biết bao nhiêu

Ra đi Bác dặn còn non nước

Nghĩa nặng lòng không dám khóc nhiều.

Chúng ta đọc lại bài thơ “Bác ơi” của Tố Hữu để tái hiện lại cảnh đau đớn mùa thu năm 1969 đó. (Nhà thơ Tố Hữu không chỉ bị bệnh đau tim mà còn bị bệnh ung thư máu. Ông không chỉ là nhà thơ mà còn là nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng, khi đến Liên Xô chữa bệnh, nhà thơ hỏi các GS Liên xô: tôi còn sống được bao lâu nữa? Hỏi như thế là để lòng mình vượt qua thời gian, vượt qua cái chết và để hoàn thành bằng được trường ca “Theo chân Bác” 500 câu. Vì lý do nhân đạo các bác sỹ Liên Xô chỉ trả lời: mong ông yên lòng, nhiều khi niềm tin chiến thắng được số phận. Nhà thơ viết 26 ngày đêm liên tục trường ca đó ở Liên Xô). Đọc lại trường ca “Theo chân Bác” của Tố Hữu để chúng ta có thêm xúc cảm, những suy tư để tin vào điều vĩ đại, tin vào sự thánh thiện của cuộc đời.

50 năm qua bao nhiêu tin vui, bao nhiêu thành tựu đã đạt được bắt nguồn sự động viên tình thương lớn của Bác, sự thúc giục từ trong Di chúc của Bác và lòng trung thành của chúng ta với 5 lời thề vĩnh biệt Bác.

Đã hơn 30 năm đổi mới, trải qua bao nhiêu bước ngoặt, chúng ta đã vượt qua lạc hậu, kém phát triển, chúng ta đạt mức phát triển trung bình và đang phấn đấu đến trình độ cao hơn. Chúng ta quyết tâm một hai thập kỷ nữa xây dựng một nước công nghiệp hiện đại, đúng như lời Bác là xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Và chúng ta đã hội nhập quốc tế: Việt Nam có một vị thế xứng đáng trên trường quốc tế. Sự kiện gần đây nhất, Việt Nam được lựa chọn cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều củng đủ để thế giới tin tưởng và đủ khẳng định uy tín Việt Nam. Đây là một điều đáng tự hào. Và gắn với Đảng ta, một đảng duy nhất cầm quyền mà cầm quyền liên tục 74 năm nay với bao nhiêu chiến công vĩ đại, hiển hách như thế, dù có hạn chế, khiếm khuyết ta vẫn quyết tâm sửa chữa nhưng về căn bản âm hưởng chủ đạo của cách mạng Việt Nam là tích cực và thành tựu của chúng ta là tốt đẹp. Biết bao nhiêu con người tốt đẹp: Những người dân hiền lành, bình dị hiến đất cho sự nghiệp công không một tính toán; những người bố mẹ nuôi một đàn cháu trẻ mồ côi thơ dại bằng nồi cháo tình thương.

Trên báo chí của chúng ta hằng ngày đăng những tấm gương bình dị mà cao quý. Giải thưởng “Búa liềm vàng” về xây dựng Đảng ta trong sạch vững mạnh đã triển khai liên tục mấy năm nay đã tôn vinh bao nhiêu con người cao quý. Đó là niềm tin và hy vọng của chúng ta. Và hiện nay, Đảng ta quyết tâm lấy lại niềm tin. Đảng ta đưa ra một nhận định rất quan trọng: Vào lúc này, sự hài lòng của người dân phải được coi là thước đo về hiệu quả lãnh đạo và uy tín, chất lượng của cán bộ và niềm tin của dân với Đảng phải coi là tài sản tinh thần vô giá nhất. Tất cả những gì chưa làm được từ những năm qua với sự đánh giá như thế thì chúng ta vẫn vững tin rằng chúng ta sẽ làm tốt.

Vừa rồi có một sự kiện rất cảm động: Ở Nghi Sơn, trong 204 người hiến giác mạc trước khi chết để đem ánh sáng cho người sống, thì riêng đồng bào giáo dân Ninh Bình đã có 104 trường hợp hiến giác mạc. Một nghĩa cử đầy cao thượng, chứng tỏ về tình thương, đạo đức, sự quan tâm đến người khác, chia sẻ nổi đau với những người bất hạnh; là sự thúc giục của lương tâm của tất cả chúng ta. Đấy là cơ sở để chúng ta tin rằng, với di sản Hồ Chí Minh, với Di chúc của Bác để lại chúng ta có sức mạnh tinh thần vô giá để xây dựng một đất nước tốt đẹp, xứng đáng với niềm tin của Bác đã giao cho chúng ta. Có một câu danh ngôn: “Với thế giới thì bạn chỉ là một người nhưng với một người bạn có thể là cả thế giới”. Câu nói của nhà hiền triết Trung Quốc thời cổ đại Hy Lạp để nói về sự nhân đạo, bao dung, tình thương, dâng hiến của chúng ta vì hạnh phúc cho người khác trong cộng đồng. Với biết bao tấm gương như vậy mà Đảng ta tổng kết để tôn vinh bao nhiêu tấm gương người tốt việc tốt từ trung ương đến cơ sở, kể cả các nhà lãnh đạo đến đảng viên bình thường, đến người dân bình thường. Đó là bằng chứng thực rất sinh động về sức sống và ý nghĩa trường tồn của bản Di chúc Hồ Chí Minh.

Cả đời Bác chỉ có mong có hai điều: Dân tộc Việt Nam sẽ trở thành một dân tộc thông thái và CNXH Việt Nam phải là một xả hội văn hóa cao. Bác dùng chữ “văn háo cao” chứ không phải “học vấn cao”. Học vấn chỉ là nền tảng của văn hóa. Vì văn hóa cao nên Đảng phải là đạo đức, là văn minh và Đảng thật trong sạch mới vững mạnh. Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi đảng viên lòng dặn lòng “yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”./. Nguyễn Trọng Nhân (TH)

8559 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 994
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 994
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87026394