“BẤT TUÂN DÂN SỰ” - MỘT THỦ ĐOẠN ĐẦY NGUY HIỂM 

“Bất tuân dân sự” được hiểu là các hoạt động công khai từ chối tuân theo, hoặc vi phạm một cách cố ý và có ý thức đối với quy định pháp luật của nhà nước thông qua việc áp dụng các phương thức bất bạo động. Đây là một phương thức, thủ đoạn mới, nằm trong Chiến lược “Diễn biến hòa bình”của chủ nghĩa đế quốc và phản động quốc tế nhằm tập hợp lực lượng để lật đổ chính quyền.

Nhận diện bản chất

Thứ nhất, mặc dù “bất tuân dân sự” được coi là phương thức bất bạo động, ôn hòa, nhưng qua lịch sử, vận động và biến tướng của phương thức này diễn ra ở một số nước trên thế giới và ở nước ta có thể khẳng định rằng ranh giới giữa bất bạo động, phi vũ trang với bạo động có vũ trang là rất mong manh (thể hiện tính chất nguy hiểm). Bởi lẽ, các thế lực phản động, thù địch thực hiện “bất tuân dân sự” nhằm mục đích cuối cùng là vô hiệu hóa hoạt động của chính quyền, tiến tới lật đổ nhà nước, thay thế bằng một chế độ chính trị mới theo mô hình tư bản chủ nghĩa. Có điều để che giấu mục đích đó, các thế lực thù địch thường che đậy, ngụy trang dưới những hình thức khác nhau, như: tụ tập, tuần hành nhằm “phản kháng ôn hòa”, “phản kháng bất bạo động”. Do vậy, hình thức của “bất tuân dân sự” là phản kháng, không tuân thủ, không phục tùng, không hợp tác, nhưng cơ bản là ôn hòa, bất bạo động. Thậm chí, những người “bất tuân dân sự” quan niệm, hành động vũ trang của kẻ yếu chống lại kẻ mạnh hơn có vũ trang thì được coi là bất bạo động. Điều này thể hiện sự mập mờ về tính chất của các hình thức đấu tranh gọi là bất bạo động; hay nói cách khác, ranh giới giữa bất bạo động và bạo động là rất mong manh, có thể chuyển hóa cho nhau rất nhanh chóng. Thực chất, đây là cách ngụy tạo để biện giải, mở đường chuyển sang đấu tranh bạo động khi bất bạo động đã chuẩn bị đủ điều kiện để “châm ngòi” xung đột.

Cần phân biệt rõ giữa bản chất và hiện tượng. Đối với các hiện tượng cụ thể, có thể ở mức độ thấp, không ảnh hưởng xấu nhiều tới cộng đồng, nhưng ở mức độ cao, khi hướng tới mục tiêu chính trị bằng các hình thức đấu tranh trực tiếp gây tác động tiêu cực đến tình hình an ninh trật tự của đất nước, của địa phương thì cần phải có giải pháp phù hợp.

Thứ hai, trên thực tế, các hành động thực hiện “bất tuân dân dân sự” và “bất hợp tác” có những điểm giống nhau và khác nhau. Điểm chung giống nhau của hai phương thức này là đều vô hiệu hóa chủ trương, chính sách của nhà nước. Điểm khác nhau là “bất hợp tác” từ chối hợp tác với chính phủ trong khi “bất tuân dân sự” đề cập đến việc từ chối tuân theo luật pháp của nhà nước. Về hình thức biểu hiện, “bất hợp tác” từ chối một việc làm, một hành động nằm trong chủ trương, chính sách của nhà nước trong khi “bất tuân dân sự” đi đến tẩy chay, biểu tình, thậm chí chuyển hóa thành bạo lực.

Một số biến tướng

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chiến lược “Diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc ra đời với tư tưởng chủ đạo là chuyển cuộc đấu tranh vào bên trong các nước xã hội chủ nghĩa. Đi cùng với đó, chiêu bài “bất tuân dân sự” được chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động quốc tế lợi dụng, từng bước trở thành một phương thức, thủ đoạn nằm trong mối liên hệ chặt chẽ với các phương thức, thủ đoạn khác của chiến lược “Diễn biến hòa bình”. Các cuộc “cách mạng nhung” ở Tiệp Khắc và Cộng hòa Dân chủ Đức; “cách mạng ca hát” ở các nước vùng Ban-tích (thuộc Liên Xô) vào những năm cuối thế kỷ XX; các cuộc “cách mạng màu” ở một số nước trong không gian hậu Xô-viết; “cách mạng hoa nhài” (Mùa xuân Ả-rập) ở một số nước Bắc Phi, Trung Đông cuối năm 2010, đầu năm 2011; phong trào biểu tình nhằm lật đổ Chính phủ Bolivar ở Venezuela (từ năm 2014 đến nay); phong trào “cách mạng dù” của sinh viên vùng lãnh thổ Hồng Kông (Trung Quốc) năm 2014, năm 2019 và 2020… đều có dấu ấn của thủ đoạn kích động bất tuân dân sự, nhằm gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, gây trở ngại đến hoạt động công quyền, thực thi công lý, gây ra những hiểm họa khôn lường, thậm chí khủng hoảng toàn diện, sâu sắc cho nhiều vùng lãnh thổ và quốc gia trên thế giới.

Ở nước ta, hoạt động “bất tuân dân sự” đã diễn ra từ nhiều năm trước, có nguy cơ trở thành “phong trào” nguy hại trực tiếp đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nếu không nhận diện và đấu tranh kịp thời.

Những năm gần đây, có một số vụ việc mang bóng dáng “bất tuân dân sự”, như: “bất tuân cưỡng chế” của một số đối tượng khi giải phóng mặt bằng ở Bắc Giang, Hải Phòng, Hà Nội, Đắc Nông, Gia Lai…; “bất tuân” quy định về thành lập hội (nhóm) đòi lập các tổ chức xã hội dân sự (thực chất là phản động trá hình) như: Hội anh em dân chủ, Hội phụ nữ nhân quyền Việt Nam, Hội cựu tù nhân lương tâm Việt Nam, Hội văn đoàn độc lập Việt Nam, Hội nhà báo độc lập Việt Nam, mạng lưới Blogger Việt Nam…; “bất tuân” để phản đối Điều 60 Luật bảo hiểm xã hội (năm 2014), Dự án Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, Luật An ninh mạng (năm 2018)… Các hình thức như: kích động tài xế phản đối trả phí BOT giao thông; từ chối đóng các loại quỹ phúc lợi xã hội; tẩy chay hàng hóa nước ngoài…cũng có nhiều vụ việc bị lợi dụng, biến tướng.

“Bất tuân dân sự” có tổ chức ngày càng chặt chẽ, được một số tổ chức phản động nước ngoài như Việt Tân, Voice công khai giật dây. Chúng lợi dụng các vấn đề dân sinh còn hạn chế, khuyết điểm khiến người dân bức xúc để làm suy giảm niềm tin, tích tụ mâu thuẫn của người dân đối với chính quyền, với Đảng, Nhà nước. Chúng lợi dụng thông qua đó để tập hợp, xây dựng, phát triển lực lượng, hợp thức hóa, công khai hóa việc chống đối chính quyền.

Tổ chức đấu tranh

Để ngăn chặn, làm thất bại thủ đoạn “bất tuân dân sự” của các thế lực thù địch, cần quán triệt và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chủ động tập trung vạch trần bản chất thủ đoạn “bất tuân dân sự”, làm cho người dân hiểu rõ đây là một thủ đoạn tinh vi, nguy hiểm, nằm trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc và lực lượng phản động quốc tế, nhằm phá hoại môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng đất nước của nhân dân ta. Đồng thời tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng văn hóa “thượng tôn pháp luật” cho mội công dân.

Điều quan trọng là tiếp tục đẩy mạnh công tác tư tưởng ở cơ sở, trong đó chú trọng đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; Phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, ban, ngành, đoàn thể ở địa phương để bám, nắm cơ sở; sớm phát hiện và đập tan âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch hòng lôi kéo người dân thực hiện “bất tuân dân sự” ngay khi mới manh nha.

Khi xảy ra vụ việc “bất tuân dân sự”, cần hết sức tỉnh táo; nhận định, đánh giá đúng tính chất, mức độ, xác định rõ nguyên nhân; kiên trì, khôn khéo, lấy biện pháp đối thoại, tuyên truyền, vận động, thuyết phục là chính; thực hiện phân hóa lực lượng cốt cán, cầm đầu với quần chúng bị dụ dỗ, lôi kéo… Xử lý nghiêm minh số đối tượng cốt cán, cầm đầu, những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật; có biện pháp phù hợp quản lý, giáo dục, động viên, giúp đỡ những đối tượng bị dụ dỗ, lôi kéo… 

Nhận diện các biểu hiện lợi dụng “bất tuân dân sự” của các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị để kích động chống phá là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chiến lược trong điều kiện hiện nay. Thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, sẽ góp phần quan trọng làm thất bại mưu toan kích động “bất tuân dân sự” của các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam. Văn Lãn

7368 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 929
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 929
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87007080