‘Giải vô địch bóng đá 7 người toàn quốc sẽ còn tiến lên cấp quốc gia’ 

Tổng giám đốc Công ty cổ phần bóng đá Việt Vietfootball, ông Phạm Ngọc Tuấn cho biết giải đấu vô địch bóng đá 7 người toàn quốc chưa phải quy mô lớn nhất dành cho bóng đá phong trào cả nước. Hiển Nguyễn (Vietnam+)
‘Giải vô địch bóng đá 7 người toàn quốc sẽ còn tiến lên cấp quốc gia’

Công ty cổ phần bóng đá Việt Vietfootball là đơn vị tổ chức giải vô địch bóng đá 7 người toàn quốc đồng thời sở hữu hệ thống giải đấu phong trào lớn mạnh trên cả ba miền. Giải đấu vô địch bóng đá 7 người miền Bắc (HPL) đã được tổ chức liên tiếp 9 năm qua, trong đó gồm hệ thống các hạng thi đấu thấp hơn như Hạng Nhất, Hạng Nhì.

Các giải đấu thuộc hệ thống của Vietfootball được đánh giá chuyên nghiệp nhất cả nước về quy mô tổ chức, chuyên môn và thương hiệu hình ảnh. Sau 2 năm bị tạm hoãn bởi dịch COVID-19, giải đấu vô địch bóng đá 7 người toàn quốc không chỉ được tổ chức trở lại, mà còn mở rộng thêm ở hai khu vực Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. 

‘Giai vo dich bong da 7 nguoi toan quoc se con tien len cap quoc gia’ hinh anh 1Tổng giám đốc Công ty cổ phần bóng đá Việt Vietfootball, ông Phạm Ngọc Tuấn. (Ảnh: CTV/Vietnam+) 

Chia sẻ với Báo Điện tử VietnamPlus, Tổng giám đốc Vietfootball, ông Phạm Ngọc Tuấn cho biết giải đấu vô địch bóng đá 7 người toàn quốc chưa phải "nấc thang" cuối cùng trong hệ thống phát triển bóng đá phong trào. Giải đấu còn nỗ lực tiến lên cấp quốc gia, sau đó mở ra các hệ thống thi đấu như tranh Cúp Quốc gia.

Không chỉ còn là “bóng đá phủi

- Cảm xúc của ông lúc này thế nào sau khi giải vô địch bóng đá 7 người toàn quốc 2022 đã đi được một nửa chặng đường sau 2 năm bị tạm hoãn?

Tổng giám đốc Phạm Ngọc Tuấn: Chúng tôi không hề gặp áp lực nào quá lớn khi tổ chức giải đấu sau thời điểm tạm hoãn. Công ty đã có kinh nghiệm tổ chức giải đấu nhiều năm qua nên yên tâm về khâu tổ chức và sẵn sàng đón nhận mọi thử thách.

Năm 2022, lần đầu chúng tôi mở rộng giải toàn quốc trên 5 khu vực (Bắc, Trung, Nam, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long – PV). Cùng lúc ấy, công ty Vietfootball còn tổ chức 6 giải bóng đá bãi biển miền Trung. Có những ngày, chúng tôi phải lo tổ chức 3 giải đấu ở 3 tỉnh khác nhau.

Việc mở rộng quy mô của giải đấu toàn quốc đã được chúng tôi định hướng từ lâu. Nhờ lợi thế từ các mối quan hệ trực tiếp và gián tiếp, ban tổ chức gặp nhiều thuận lợi. Nhưng chúng tôi luôn chủ động nghiên cứu, lường trước mọi vấn đề khi đưa giải đấu đến những vùng đất mới. Quan trọng, chúng tôi luôn nhận được sự ủng hộ từ các cơ quan chuyên môn như Liên đoàn bóng đá Việt Nam, Tổng cục Thể dục Thể thao.

- Khi mở rộng giải đấu bóng đá 7 người toàn quốc đến những khu vực mới như Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, Ban tổ chức giải đấu có gặp những trở ngại gì không, thưa ông?

Tổng giám đốc Phạm Ngọc Tuấn: Chúng tôi phải đi khảo sát rất nhiều, rồi mới có thể mở rộng. Muốn triển khai giải đấu ở những tỉnh, thành khác nhau, chúng tôi cần phải nắm vững tình hình. Trong những bước chuẩn bị quan trọng, tài chính đóng vai trò rất lớn.

Năm nay, chúng tôi may mắn có được sự đồng hành của nhiều nhãn hàng, trong đó có đối tác chính Bia Sài Gòn. Bây giờ, vị thế của Vietfootball với các nhãn hàng không phải là khách hàng đơn thuần, trao nhau những giá trị tương xứng, mà còn là đối tác vì những mục tiêu chung. Chúng tôi có được sự hậu thuẫn về tài chính nhờ cùng chung mục tiêu, nỗ lực đưa giải đấu vươn tầm xa hơn nữa. Cách làm chuyên nghiệp với đội ngũ dày dặn kinh nghiệm và chuyên môn cũng thu hút được nhiều nhà tài trợ.

‘Giai vo dich bong da 7 nguoi toan quoc se con tien len cap quoc gia’ hinh anh 2Giải đấu vô địch bóng đá 7 người toàn quốc lần đầu xuất hiện tại khu vực Tây Nguyên. (Ảnh: CTV/Vietnam+) 

Ngày trước, giải đấu bóng đá 7 người thuờng được gọi là “bóng đá phủi,” nhưng bây giờ các giải đấu không còn “phủi” nữa. Chúng tôi đưa mô hình giải đấu dần dần tiến lên bán chuyên và đi theo hướng chuyên nghiệp hóa. Bây giờ, mọi giải đấu trên các khu vực đều đã thu hút nhiều trọng tài nổi tiếng điều hành và cầu thủ chuyên nghiệp tham gia. Nhờ vậy, mọi khâu tổ chức được quy hoạch bài bản, có thể áp dụng ở nhiều tỉnh, thành.

Giữ vững tinh thần bóng đá vì cộng đồng

- Những giải đấu lớn đang đưa phong trào bóng đá 7 người toàn quốc phát triển mạnh mẽ với rất nhiều đơn vị tổ chức, điều hành giải đấu khác nhau. Công ty Vietfootball có lo ngại rằng sẽ bị cạnh tranh?

Tổng giám đốc Phạm Ngọc Tuấn: Bóng đá phong trào nói chung luôn cần rất nhiều nhà đồng hành. Bây giờ, ngày một nhiều những đơn vị tổ chức giải đấu phong dành cho sinh viên, khối công sở, doanh nghiệp… Điều đó góp phần đưa bóng đá phong trào Việt Nam phát triển hơn nữa.

Bóng đá phong trào 7 người luôn phù hợp với Việt Nam từ cơ sở vật chất, tinh thần thi đấu, cách thức chơi bóng… Ví dụ ở miền Nam, trước đây cộng đồng chỉ tập trung chơi bóng đá 5 người, nhưng bây giờ ngày một thay đổi và chuyển sang thi đấu 7 người vì tính phù hợp.

Chúng tôi luôn vui mừng khi có nhiều nhà đầu tư và tổ chức bóng đá phong trào. Điều ấy sẽ đóng góp cho nền bóng đá nước nhà nói chung và chúng tôi luôn giữ vững tinh thần bóng đá vì cộng đồng.

‘Giai vo dich bong da 7 nguoi toan quoc se con tien len cap quoc gia’ hinh anh 3Vòng chung kết giải bóng đá 7 người toàn quốc 2022 diễn ra tại Hà Nội, đã xác định được 8 đội bóng góp mặt. (Ảnh: CTV/Vietnam+) 

Nếu Vietfootball là lá cờ đầu và thu hút được nhiều đơn vị khác thì càng tốt. Bóng đá phong trào còn rất nhiều mảnh đất để phát triển. Nước lên thì thuyền lên. Buôn có bạn, bán có phường. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ các đơn vị khác để cùng phát triển. 

- Liệu hệ thống thi đấu 7 người toàn quốc đã là nấc thang cao nhất trong hệ thống thi đấu hoặc kế hoạch phát triển của công ty hay chưa?

Tổng giám đốc Phạm Ngọc Tuấn: Chúng tôi đã lên đề án tổ chức giải đấu 7 người cấp quốc gia, lớn hơn mức độ bây giờ. Đề án đã được trình lên những cấp cao như Liên đoàn bóng đá Việt Nam xem xét và nhận được nhiều sự ủng hộ. Đây vẫn luôn là mũi nhọn của chúng tôi.

Không chỉ phát triển hệ thống của bóng đá 7 người toàn quốc, chúng tôi đã có kế hoạch cho nhiều giải đấu khác, có thể là theo thể thức thi đấu tranh Cúp Quốc gia, giống với hệ thống bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

- Nhưng muốn phát triển mạnh hơn nữa, công ty đã chuẩn bị thế nào về kinh phí và chất lượng chuyên môn cho giải đấu?

Tổng giám đốc Phạm Ngọc Tuấn: Với những đơn vị thuần túy hoạt động kinh doanh, họ có 3 đồng lãi và 7 đồng gốc. Nhưng chúng tôi đi theo hướng khác. Để có thể phát triển hệ thống mới, chúng tôi chấp nhận thực hiện dự án ngay cả khi không có nhà tài trợ. Chúng tôi đầu tư trước, chứng minh hiệu quả rồi thu hút các đối tác hỗ trợ. Chứ chúng tôi không phải cứ có tiền rồi mới làm.

‘Giai vo dich bong da 7 nguoi toan quoc se con tien len cap quoc gia’ hinh anh 4Giải vô địch bóng đá 7 người có thể tiến lên cấp chuyên nghiệp quốc gia. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Còn sự phát triển chuyên môn phải từ cả hai phía, cầu thủ và ban tổ chức. Nhưng đầu tiên, chúng tôi có những người làm chuyên môn có nghề, có tầm để quy hoạch và phát triển. Ví dụ, chúng tôi có sự đồng hành của Trưởng phòng tổ chức thi đấu của Liên đoàn bóng đá Việt Nam để tập trung cho công tác chuyên môn.

Hay vấn đề sân bãi, chúng tôi đưa ra những quy chuẩn chuyên nghiệp hơn về kích thước sân thi đấu, kích thước khung thành. Điều ấy góp phần thay đổi chiến thuật, tính chất trận đấu từ đó góp phần phát triển chuyên môn. Thậm chí, chúng tôi tiến tới xây dựng cả những bộ luật riêng dành cho bóng đá 7 người tại Việt Nam./.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Hiển Nguyễn (Vietnam+)
382 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Thể thao

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 915
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 915
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87150942