Khách hủy tour nhiều, doanh nghiệp thiệt hại lớn
Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Hanoi Redtours cho biết: Hiện nay, một số đoàn khách từ Trung Quốc sang Việt Nam và từ Việt Nam đi Trung Quốc đã hủy toàn bộ tour, các thị trường khác vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, bắt đầu từ 15/2, nhiều đoàn đã có yêu cầu hủy tour. Theo thống kê của Hanoi Redtours, tỷ lệ hủy tour của khách đến thời điểm này vào khoảng 30%.
Còn ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Vietravel Hà Nội chia sẻ, trong dịp Tết Nguyên đán 2020, Vietravel đã hủy khoảng 60 đoàn khách Trung Quốc sang Việt Nam (tương ứng 1.000 khách). Hiện công ty đã hủy tất cả tour từ Trung Quốc sang Việt Nam đến hết tháng 3, thậm chí lùi thời gian tới tận tháng 4, tháng 5. Theo dự tính, để thị trường du lịch phục hồi và ổn định trở lại thì có thể mất tới 3-4 tháng. Do đó, các doanh nghiệp lữ hành trong thời gian tới sẽ gặp khó khăn và thiệt hại đáng kể.
Theo đại diện doanh nghiệp du lịch Thái Sơn (tỉnh Nghệ An), các chương trình tour hủy tới 95% vì du khách lo sợ dịch. Vừa qua, đơn vị có đoàn 60 khách đi Thái Lan nhưng có tới 50 người ký xác nhận không đi nữa. Nhiều khách đã đề nghị đòi tiền đặt cọc nhưng làm việc với các đối tác, kể cả hãng hàng không, có những tour, đối tác không đồng ý hoàn phí đặt vé vì việc hoàn hủy vé phải theo quy định, có ngày tháng cụ thể, không phải hủy tour là được hoàn phí đã đặt cọc.
|
Khách quốc tế tham quan Phố sách Hà Nội. (Ảnh: HL) |
Tại Lào Cai, lượng khách hủy tour du lịch trên 10.000 lượt, các khách sạn, nhà hàng sụt giảm từ 30-50% doanh thu so với mọi năm, có trên 15.000 lao động làm trong lĩnh vực này cũng bị ảnh hưởng và có thể đối mặt với nguy cơ mất việc. Ông Hoàng Văn Tuyên, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lào Cai cho biết: Lào Cai là tỉnh nằm sát với biên giới Trung Quốc, mỗi năm đón trên 5 triệu lượt du khách nên khi xảy ra dịch bệnh, ngành du lịch địa phương bị ảnh hưởng rất nặng. “Nếu dịch bệnh lần này kéo dài khoảng 3 tháng thì lượng khách giảm không quá nhiều nhưng nếu quá 3 tháng thì sẽ ảnh hưởng rất lớn, sẽ phải rất lâu sau đó chúng ta mới có thể phục hồi lại được”, ông lo lắng.
Theo ông Tuyên hiện nay, Lào Cai đã tạm ngừng tiếp nhận khách Trung Quốc qua cửa khẩu và cũng tạm dừng việc xuất cảnh khách Việt Nam sang Trung Quốc. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên không chỉ lượng khách đến từ Trung Quốc sụt giảm mà nhiều thị trường khách đến từ các nước Nhật, Hàn Quốc, Anh, Mỹ… cũng giảm đáng kể.
Một đại diện Hiệp hội du lịch Đà Nẵng cho biết, khách du lịch quốc tế đến địa phương giảm 67% trong tháng qua và dự báo tiếp tục giảm. Do vậy, đây là thời điểm rất khó khăn của các đơn vị kinh doanh du lịch. Nếu dịch kéo dài rất cần hỗ trợ của Chính phủ trong việc giãn nợ vay ngân hàng và miễn giảm thuế.
Còn đại diện Hiệp hội du lịch Quảng Ninh thông tin, trước thời điểm dịch, bình quân vịnh Hạ Long đón 12.000 khách/ngày, nay chỉ đón khoảng 3.000 khách/ngày và dự báo còn tiếp tục giảm. Trong khi đó, đội tàu hơn 500 chiếc với hơn 4.000 nhân sự vẫn phải duy trì. Đây là khó khăn lớn với doanh nghiệp du lịch trên vịnh lúc này.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho hay, tính đến ngày 3/2, số lượng hủy phòng tại các cơ sở lưu trú trên địa bànlà hơn 13.000 phòng, tương đương hơn 16.000 khách; hoạt động lữ hành giảm khi du lịch trong nước (inbound) có hơn 7.600 khách hủy, du lịch quốc tế (outbound) có hơn 7.100 khách hủy; hoạt động của các đơn vị vận chuyển giảm 30-50%; số lượng khách tới các điểm đến giảm 30-50%.
Ông này cho rằng, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp nCov có tác động lớn đến quyết định của du khách trong việc huỷ kế hoạch đi du lịch trong giai đoạn từ tháng 1 đến 4/2020.
Tìm kiếm thị trường thay thế
Để ứng phó với dịch Corona, hiện nay, nhiều đơn vị lữ hành đang gấp rút xây dựng các gói sản phẩm phù hợp nhu cầu và tâm lý của du khách, nỗ lực tiếp thị sang các thị trường thay thế Trung Quốc. Với thị trường khách quốc tế, Vietravel có phương án tập trung khai thác mới và đẩy mạnh thêm nguồn khách đến từ các nước Trung Đông và Ấn Độ. Đối với tour đi nước ngoài, công ty sẽ kích cầu, phát triển thêm các tuyến Đông Bắc Á, Châu Âu, Mỹ... Riêng thị trường nội địa, Vietravel sẽ đẩy mạnh xây dựng, bổ sung các điểm đến có nắng ấm, an toàn cho du khách như miền Trung, Tây Nguyên, miền Tây Nam Bộ…
Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc HanoiRedtour cho biết: Trong những ngày qua, rất nhiều khách quốc tế ngỡ ngàng khi đến các điểm di tích trên địa bàn Hà Nội bị đóng cửa. Ông Hoan cho hay, chúng ta hạn chế tụ tập đông người và tổ chức lễ hội theo khuyến cáo của ngành y tế và không đón khách từ thị trường Trung Quốc và vùng có dịch là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, các đoàn khách của thị trường khác, chúng ta không nên cấm.
Để thích ứng với hoàn cảnh, doanh nghiệp của ông Hoan đã phải điều chỉnh lại hành trình tour. “Thay vì đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám, thì chúng tôi sẽ hướng khách đến các làng nghề như Vạn Phúc, Bát Tràng... Tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, nếu như trước đây, chúng tôi chỉ thuyết minh trong phạm vi khoảng 2 giờ đồng hồ, thì nay, các hướng dẫn viên sẽ thuyết minh kỹ hơn, giới thiệu thêm một số địa danh bên ngoài để làm sao tạo sự hấp dẫn cho du khách, khiến họ không có cảm giác là chương trình bị thay đổi”, ông Hoan cho hay.
Một số doanh nghiệp du lịch cũng cho rằng, lãnh đạo ngành du lịch cần có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy du lịch nội địa phát triển hơn, bởi du lịch nội địa có tiềm năng rất lớn nhưng lại đang bị lỡ cơ hội bởi cạnh tranh kém với du lịch các nước xung quanh.
Năm 2020 Việt Nam đặt mục tiêu đón khoảng 20,5 triệu lượt du khách quốc tế, phục vụ 90 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 830.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu diễn biến dịch bệnh kéo dài, sẽ có không ít doanh nghiệp du lịch bị thiệt hại nặng nề, thậm chí phải đóng cửa vì thất thu. Mục tiêu hoàn thành kế hoạch đề ra của ngành du lịch cũng sẽ rất khó để thực hiện./.