​ Hiệp định EVFTA và EVIPA: Cơ hội cho doanh nghiệp mở rộng thị trường 

(ĐCSVN) - Ngay sau ký kết 1 ngày, ngày 1/7, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam tổ chức buổi “Đối thoại về Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVFTA và IPA): Cơ hội cho doanh nghiệp”.

Kỳ vọng cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ

Đây được coi là cơ hội tốt để các cơ quan Nhà nước, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp có thêm các thông tin hữu ích về Hiệp định, xác định các cơ hội để có sự chuẩn bị tích cực và tốt nhất nhằm tận dụng được tối đa những cơ hội mà Hiệp định mang lại.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại buổi Đối thoại (Ảnh: K.D)

Bên cạnh EVFTA, Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA) cũng giúp vị thế của Việt Nam được khẳng định rất mạnh mẽ trên trường quốc tế, như là một trong những quốc gia đóng góp to lớn và có trách nhiệm trong sự phát triển của toàn cầu hóa, theo hướng tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - EU, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn 7 năm ngay kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, mở ra cơ hội xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông - thủy sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau quả), đồ gỗ… Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong số các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Điều này càng có ý nghĩa khi hiện nay, mới chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình Ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Cùng các FTA khác, EVFTA sẽ cộng hưởng, tạo nên sự phát triển mang tính đột biến, tạo nền tảng cho phát triển, tiến bộ xã hội...

Hơn nữa, EVFTA và EVIPA khi đi vào thực thi, môi trường đầu tư, những điều kiện kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam trước tiên cho các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam sẽ được cải thiện rất đáng kể. Những cam kết đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau trong EVIPA cũng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch. Nhờ vậy, Việt Nam sẽ thu hút nhiều hơn nhà đầu tư đến từ EU và các nước khác. Với việc thuận lợi hóa thương mại như vậy, các nhà đầu tư châu Âu có rất nhiều điều kiện để tiếp tục đầu tư, tham gia phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế tương đối ở Việt Nam hiện nay, như công nghiệp chế biến thực phẩm, ứng dụng công nghệ cao, hay các ngành công nghiệp mũi nhọn như điện tử, ô tô… Qua đó, Việt Nam có cơ hội trở thành địa bàn thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư của EU và là điểm trung chuyển, kết nối các hoạt động thương mại - đầu tư của EU tại khu vực ASEAN.

  Phiên đối thoại về Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư
(Ảnh: K.D)

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc đánh giá đây là 2 hiệp định tốt nhất từ trước đến nay, trong cả 2 yêu cầu là tự do thương mại và đảm bảo các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và quyền lợi cho người lao động. Tuy nhiên, thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam là tương đối lớn, khi doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp siêu nhỏ.

Hiện tại, qua khảo sát của VCCI, có tới 70% số doanh nghiệp được hỏi chưa biết thông tin hoặc chưa quan tâm về EVFTA, trong khi tác động tới doanh nghiệp và thị trường nội địa là rất lớn. Do vậy, EVFTA cần được diễn đạt một cách đơn giản hơn, cần được hướng dẫn tới các doanh nghiệp, ngành hàng và cụ thể từng khung thuế suất…

Cũng theo ông Vũ Tiến Lộc, VCCI đã thống nhất sơ bộ với Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam  (EuroCham) về việc sẽ có một Chương trình hành động chung và thành lập một Hội đồng doanh nghiệp hỗn hợp Việt Nam - EU cũng như thành lập Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - EU tổ chức thường niên hằng năm để có thể thực hiện kết nối các doanh nghiệp, cùng doanh nghiệp hiến kế với Chính phủ Việt Nam và các nước EU về những biện pháp để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên.

Bà Cecilia Malmström - Cao ủy Thương mại của EU cũng cho rằng, Hiệp định EVFTA là một hiệp định rất hiện đại, mang lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp hai bên và cả người tiêu dùng. Người dân Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận với các sản phẩm chất lượng cao, giá cả cạnh tranh từ EU. Các sản phẩm của Việt Nam cũng sẽ có sự bảo hộ vào thị trường EU. Bên cạnh đó, Hiệp định cũng bao hàm những điều khoản phi truyền thống như phát triển bền vững, bảo vệ quyền lợi người lao động... Hiện nay, chuỗi cung ứng ngày càng có sự hội nhập sâu rộng hơn, mang lại nhiều cơ hội mới. Do đó, cần có cơ chế cho các bên liên quan cùng tham gia vào hiệp định này. “Chúng tôi muốn đảm bảo quan hệ thương mại mang lại những tác động tích cực. Cơ hội mà hiệp định này mang lại không chỉ cho ngày hôm nay mà còn về mai sau” – bà Cecilia Malmström nhấn mạnh.

Cao ủy Thương mại EU, bà Cecilia Malmstrom chia sẻ tại Đối thoại (Ảnh: K.D)

Đại diện của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, ông Nicolas Audier – đồng Chủ tịch EuroCham – khẳng định, hiệp định này chắc chắn sẽ đơn giản hóa các thủ tục đầu tư để hỗ trợ, thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đến từ châu Âu vào Việt Nam. Thực tế, từ 2-3 năm trước đã có những dự án đầu tư của doanh nghiệp vừa và nhỏ đến từ các nước như Ba Lan, Hungarry, Bồ Đào Nha đầu tư vào Việt Nam dưới sự hỗ trợ của Ủy ban châu Âu. “Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng EVFTA và IPA có lực đẩy mạnh mẽ, để đẩy mạnh hơn các doanh nghiệp vừa và nhỏ từ EU đến Việt Nam.” – ông Nicolas Audier chia sẻ.

Doanh nghiệp làm gì để vượt qua thách thức?

Cùng với các cơ hội, việc thực thi Hiệp định EVFTA cũng đặt ra không ít thách thức, đặc biệt là với Việt Nam là nền kinh tế có trình độ phát triển thấp nhất so với các nước trong khu vực đã ký FTA với EU. Ông Vũ Tiến Lộc đưa ra lời khuyên, đối với các doanh nghiệp Việt Nam điều đầu tiên doanh nghiệp phải đảm bảo quy tắc xuất xứ, vượt qua được quy tắc này là nỗ lực rất lớn, sử dụng nguyên liệu từ EU, từ đó tăng cường công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Cùng với đó, rào cản thương mại của EU thuộc cao nhất, vệ sinh dịch tễ tiêu chuẩn rất cao. “Vượt qua và đáp ứng tiêu chuẩn này cần sự nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam, cần sự tạo lập chính sách và sự hỗ trợ của EU về kỹ thuật để nâng cao được chất lượng sản phẩm đáp ứng được yêu cầu đó.” – ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Ông Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, chi phí tuân thủ kèm theo điều kiện rất cao về môi trường và lao động. Điều này đòi hỏi cần có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ, nâng cấp quy trình sản xuất. Bên cạnh đó, hiểu được cam kết nhưng phải vận dụng được- cũng là 1 thách thức. Phải hiểu được, trên cơ sở đó, doanh nghiệp biết cách cơ cấu lại thị trường, đổi mới, để đáp ứng được yêu cầu đó.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, thách thức không nằm trong chủ quan của doanh nghiệp mà nằm trong khách quan, nhưng cũng nằm ở phía chủ quan của chúng ta. Đó là công tác tổ chức thực thi và trách nhiệm của các cơ quan tổ chức liên quan đến bộ luật hóa. Những bộ luật này theo hướng cải cách và kiến tạo hướng tới doanh nghiệp và người dân. Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Việt Nam đã có kinh nghiệm trong quá trình hội nhập trước kia, có nhiều điều làm được. Vì vậy, nếu như có sự tương tác tốt giữa doanh nghiệp và người dân với khu vực công, với mục tiêu cụ thể, chắc chắn rằng, khó khăn sẽ biến thành hiệu quả và cơ hội./.

Kim Dung

310 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1552
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 1553
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78002534