“Tiếng loa Biên phòng”: Cầu nối thông tin của Đảng, Nhà nước với người dân khu vực biên giới 

(ĐCSVN) - “Tiếng loa Biên phòng” cơ động đến các khu dân cư, len lỏi vào từng ngõ nhỏ, vào từng nhà, đến các khu chợ đông đúc… đã trở thành kênh thông tin quan trọng, bổ ích, trực tiếp phổ biến các văn bản pháp luật về biên giới quốc gia, phòng, chống dịch COVID-19 đến Nhân dân khu vực biên giới An Giang thời gian qua.
“Tiếng loa Biên phòng”: Cầu nối thông tin của Đảng, Nhà nước với người dân khu vực biên giới

Vài tháng nay, người dân các xã, phường, thị trấn biên giới trên địa bàn tỉnh An Giang đã quen thuộc với hình ảnh những tuyên truyền viên mang quân hàm xanh chở theo phía sau xe máy một chiếc loa phát liên tục các nội dung tuyên truyền liên quan đến công tác phòng, chống COVID-19 và xuất, nhập cảnh trái phép ở khắp các tuyến đường ấp, khóm trên khu vực biên giới.

Với phương châm tuyên truyền “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà”, mô hình “tiếng loa Biên phòng” sử dụng nhiều thứ tiếng Việt, Khmer, Chăm phát huy hiệu quả tối đa, giúp người dân đồng bào dân tộc thiểu số hiểu về mức độ nguy hiểm của COVID-19 và chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, chấp hành nghiêm Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của địa phương.

Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình, một địa bàn trọng điểm, phức tạp về xuất, nhập cảnh trái phép, chúng tôi có mặt khi Thiếu tá Nguyễn Hữu Hàn, Chính trị viên Phó đang chỉ huy cán bộ, chiến sĩ chuẩn bị vật chất cho một buổi tuyên truyền lưu động cả trên sông và trên bộ. Ngoài chuẩn bị phương tiện là thuyền máy, xe máy, Thiếu tá Hàn còn chuẩn bị mỗi hướng 01 lá cờ Tổ quốc, 01 thùng loa kéo công suất 1000W được cấp phát, kèm theo 01 chiếc loa tay nhỏ, với đầy đủ USB, nội dung phát trên loa đã được dịch thành 2 thứ tiếng Việt và Chăm (vì trên địa bàn do Đồn phụ trách có xã Khánh Bình là nơi tập trung đông đồng bào Chăm), tờ rơi tuyên truyền, khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn để cấp phát miễn phí cho người dân.

 Cán bộ đồn Biên phòng Lạc Quới hướng dẫn người dân ký cam kết tham gia phòng, chống dịch COVID-19.

Thiếu tá Nguyễn Hữu Hàn chia sẻ: “Trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, việc tuyên truyền tập trung đông người không còn phù hợp, tuyên truyền nhỏ lẻ rất mất thời gian, công sức, lại không phát huy hiệu quả, nên việc tuyên truyền qua “tiếng loa Biên phòng” phát huy hiệu quả rõ nét. Để người dân dễ tiếp nhận thông tin, đơn vị cũng chủ động biên soạn nội dung tuyên truyền sao cho ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện”.

Tính đến nay, đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình đã vận động 100% hộ dân trên địa bàn ký cam kết “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch COVID-19 và xuất, nhập cảnh trái phép” ở khu vực biên giới, thiết lập 11 hộp thư góp ý và 03 đường dây nóng tố giác xuất, nhập cảnh trái phép. Ngoài ra, đơn vị còn phát hơn 5.000 tờ rơi tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 và xuất, nhập cảnh trái phép, cấp phát 4.500 khẩu trang y tế và 2.600 chai nước rửa tay sát khuẩn.

Có thể thấy, việc tuyên truyền bằng “tiếng loa Biên phòng” khá đơn giản và tiết kiệm, nhưng lại phát huy tối đa hiệu quả đối với nơi có địa bàn rộng, đường đi, lối lại khó khăn, hệ thống loa truyền thanh xã, phường, thị trấn không đáp ứng được nhu cầu. Chỉ với 1 chiếc “loa kẹo kéo”, chiếc USB có sẵn các nội dung tuyên truyền và xe máy, thuyền máy nhỏ thì có thể đi đến được tất cả những nơi có người dân sinh sống, kể cả các xóm nhà bè ven sông để truyền đạt những thông tin cơ bản nhất về dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch.

Cùng đi với Tổ tuyên truyền lưu động trên bộ chúng tôi mới thấy được hiệu quả của mô hình này. Ngay khi vào các khu chợ, các ngõ xóm, xe máy luôn chạy chậm và phát loa các nội dung tuyên truyền. Đến những khu vực tập trung đông người, cán bộ phụ trách sẽ dừng hẳn xe và phát đi, phát lại các nội dung tuyên truyền để người dân nghe, hiểu và tự giác chấp hành.

 Cán bộ đồn Biên phòng Vĩnh Gia phát khẩu trang cho người dân trên địa bàn.

Theo ông Nguyễn Văn Hoàng, Ban quản tự chùa An Hoà Tự B, xã Khánh An, huyện An Phú: “Nghe thông tin tuyên truyền phát từ loa di động của BĐBP bà con có ý thức hơn trong việc phòng, chống dịch, tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc 5K, luôn đeo khẩu trang khi ra ngoài làm việc, rửa tay thường xuyên và không còn tụ tập đông người như trước”.

Thượng tá Lê Hoàng Việt, Phó Chính uỷ BĐBP tỉnh An Giang cho biết: “Hiệu quả của việc thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch COVID-19 và xuất, nhập cảnh trái phép”, nhất là thực hiện mô hình “tiếng loa Biên phòng” đã góp phần nâng cao nhận thức cho Nhân dân về công tác phòng, chống dịch COVID-19, xác định trách nhiệm của mỗi người dân trước hiểm họa của dịch bệnh; huy động sức mạnh toàn dân tham gia phòng, chống dịch và xuất, nhập cảnh trái phép ở khu vực biên giới; góp phần ngăn chặn dịch và lây lan dịch từ bên ngoài vào địa bàn”.

Các tuyên truyền viên của các đồn Biên phòng tập trung tuyên truyền cho Nhân dân thực hiện 05 phải và 05 không. Đối với 05 phải: Phải thực hiện theo khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế. Phải thông tin đến người thân hiện đang sinh sống ở nước ngoài, tiếp tục ổn định cuộc sống, chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch COVID-19 ở nước sở tại; không qua lại biên giới trái phép; không cho người thân nhập cảnh, lưu trú tại gia đình; chủ động tố giác các đối tượng nhập cảnh trái phép từ nước ngoài về địa phương. Phải thực hiện nghiêm các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy. Phải tuyên truyền cho người thân, bạn bè cài đặt và sử dụng phần mềm Bluezone trên điện thoại di động thông minh. Phải thường xuyên theo dõi sức khỏe bản thân và gia đình khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh COVID-19, báo ngay cho trạm Y tế địa phương.

Đối với 05 không: Không xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; Không tham gia tiếp tay, đưa đón, bao che, môi giới người xuất, nhập cảnh trái phép; Không tập kết, tàng trữ, vận chuyển, mua bán hàng cấm, hàng nhập lậu; Không tham gia, tiếp tay, chứa chấp cờ bạc dưới mọi hình thức; Không tuyên truyền, chia sẻ các thông tin, nội dung, hình ảnh không chính thống liên quan đến tình hình dịch bệnh COVID-19 trên các trang mạng xã hội.

Mô hình tuyên truyền “tiếng loa Biên phòng” là được xem là cách làm hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế tại đơn vị, địa phương, góp phần truyền tải đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương đến với người dân khu vực biên giới. 

Thượng tá Lê Hoàng Việt, Phó Chính uỷ BĐBP tỉnh An Giang khẳng định: Mô hình “tiếng loa Biên phòng” là được xem là cách làm hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế tại đơn vị, địa phương, góp phần tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương đến với người dân khu vực biên giới. Trước mắt, trong tình hình dịch COVID-19 ngày càng phức tạp, các đơn vị BĐBP cùng với cấp uỷ, chính quyền địa phương huy động sức mạnh tổng hợp toàn dân tham gia phòng, chống dịch và xuất, nhập cảnh trái phép ở khu vực biên giới, hoàn thành nhiệm vụ “kép” vừa quản lý, bảo vệ biên giới, vừa phòng, chống dịch COVID-19./.

 
Bài, ảnh: Chiến Khu
1023 Go top

Sự kiện nổi bật

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1211
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1211
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87110704